Bắc Kạn khắc phục khó khăn trong công tác giảm nghèo

Chiến lược giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, được xây dựng trên cơ sở nối tiếp những thành quả của giai đoạn trước nhưng sẽ có nhiều điểm mới. Tuy nhiên ở những năm đầu tiên của giai đoạn, quá trình thực hiện còn có nhiều khó khăn, lúng túng đòi hỏi sự quyết tâm và vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương và người dân.

Mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ khoai tây và củ cải trắng với trên 300 hộ dân huyện Chợ Mới tham gia, trong đó có 170 hộ là hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo
Mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ khoai tây và củ cải trắng với trên 300 hộ dân huyện Chợ Mới tham gia, trong đó có 170 hộ là hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo 

Xác định được tầm quan trọng của công tác giảm nghèo, ngay từ đầu giai đoạn Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết chỉ đạo thực hiện 03 Chương trình MTQG, trong đó có Chương trình giảm nghèo; Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030; HĐND, UBND tỉnh ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch và nhiều văn bản chỉ đạo về công tác giảm nghèo… với quyết tâm giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 2 - 2,5%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, trong đó các huyện nghèo giảm bình quân từ 3,5 - 4%/năm trở lên. Phấn đấu trên 40% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.

Tại Hội nghị báo cáo tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đã đánh giá cao sự nỗ lực vào cuộc của các sở, ngành, địa phương. Là một trong 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững có nhiều phần việc cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận. Những khó khăn, vướng mắc phải từng bước tháo gỡ. Đồng chí giao cho các đơn vị đầu mối, tổng hợp các đề xuất, linh hoạt trong trao đổi thông tin, tìm phương án giải quyết nhanh, kịp thời nhất.
 

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được thực hiện theo hướng tiếp tục đầu tư cho vùng nghèo có điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội hết sức khó khăn để phát triển. Tạo sinh kế, việc làm, trang bị kỹ năng nghề để thoát nghèo bền vững, tránh tình trạng tái nghèo.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trước đây, chúng ta hướng đến hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân đơn lẻ thì lần này hướng tới phát triển mô hình, dự án cho người dân. Người dân được hỗ trợ thông qua các dự án giảm nghèo và tổ chức thực hiện bởi doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ nhóm… phù hợp điều kiện, địa bàn từng địa phương. Nhóm trưởng, tổ trưởng cùng bà con thống nhất đưa ra kế hoạch chăn nuôi, kế hoạch sản xuất, UBND cấp xã chỉ hướng dẫn, hỗ trợ phía sau. Tối thiểu 70% người dân tham gia dự án, mô hình là đối tượng hỗ trợ, còn lại là người dẫn dắt dự án, người làm kinh tế - sản xuất giỏi, người có uy tín. Tức là có người giỏi cùng làm với người nghèo, người khó khăn, không phải hỗ trợ để người nghèo tự làm với nhau.

 Giai đoạn 2021-2025, chương trình giảm nghèo của tỉnh được thiết kế thực hiện trên cơ sở 07 dự án gồm: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo; Đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất và cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Nâng cao năng lực và giám sát đánh giá Chương trình.

Tuy nhiên, do Chương trình thực hiện ở những năm đầu của giai đoạn, có nhiều điểm mới nên việc triển khai dự án ở các huyện, thành phố còn lúng túng, khó khăn vướng mắc. Hiện, huyện Ngân Sơn và Pác Nặm chưa tổ chức lập, phê duyệt dự toán các công trình áp dụng cơ chế đặc thù, do chưa có thiết kế mẫu, thiết kế điển hình để áp dụng triển khai thực hiện. Hay nhiều địa phương chưa phân bổ được nguồn vốn của dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp do chưa xác định cụ thể Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Vướng mắc trong hỗ trợ đào tạo nghề hiện nay là quy định về “người lao động có thu nhập thấp” chưa cụ thể, rõ ràng tại các văn bản của Trung ương, đồng thời cũng chưa quy định đơn vị nào xác nhận “người lao động có thu nhập thấp” vì vậy không có căn cứ để xác định đối tượng đào tạo nghề…

Khắc phục khó khăn trong triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 2,5% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021- 2025, từ đầu năm đến nay, huyện Chợ Mới đã phê duyệt danh sách 49 hộ nghèo khó khăn về nhà ở của 9 xã với tổng kinh phí hỗ trợ trên 2.4 tỷ đồng. Ban Vận động Quỹ "Vì người nghèo" tỉnh hiện đang triển khai hỗ trợ 01 hộ nghèo tại xã Nông Hạ làm nhà ở.

Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo bằng việc xây dựng các mô hình chuỗi liên kết như Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm như: Gà thịt lông màu tại xã Thanh Vận; thâm canh cây quế tại xã Yên Hân; cây hồi tại xã Yên Cư; trồng khoai tây và củ cải trắng…

Ông Lê Ngọc Quyến, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới cho biết: Chương trình giảm nghèo giai đoạn này có rất nhiều điểm mới, do đó không tránh khỏi lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao của của địa phương, huy động sự vào cuộc của các thành viên Ban Chỉ đạo, huyện phấn đấu thực hiện có hiệu quả các dự án đề ra./. 

Phương Thảo

Xem thêm