Bắc Kạn- mùa mơ chín

Sau những đợt gió lạnh cuối đông, nắng tháng Tư tràn về sưởi ấm núi rừng Bắc Kạn. Nắng mang lại năng lượng, làm trái cây trên cành trở nên mọng hơn, tích tụ đường và dần chín. Đón tín hiệu từ nắng, người dân các xã, phường trồng mơ như Cao Kỳ, Hòa Mục, Thanh Vận (Chợ Mới), Xuất Hóa (TP. Bắc Kạn)... lại chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch.

Quả mơ Bắc Kạn.
Quả mơ Bắc Kạn.

Mơ là loài cây nở hoa đồng loạt để tăng khả năng thụ phấn. Nếu như từ tháng Chạp âm lịch, hoa mơ đã nhuộm trắng các thung lũng, sườn đồi, thì ba tháng sau đó, cây mơ lại một lần nữa khuấy động đời sống của người nông dân khi toàn bộ những thung mơ, vườn mơ chín rộ.

Toàn bộ vụ mơ dồn tập trung vào 1-2 tuần thu hoạch trái mơ chín. Ban ngày, người nông dân lên rừng hái mơ, chiều tối đem ra các điểm thu mua. Hoạt động cân đong phân loại quả diễn ra tới tối khuya. Các điểm thu mua nhiều khi sáng đèn suốt đêm để đóng bao lên xe tải, chuyển đi các đầu mối tiêu thụ trong cả nước.

Các hộ có vườn mơ, những ngày này huy động toàn bộ nhân lực trong nhà. Người khỏe làm việc nặng, người yếu làm việc nhỏ. Các ông lão, bà lão ngồi lựa những trái mơ ngon đẹp để bán lẻ cho du khách hoặc gửi biếu họ hàng. Các cháu bé sau giờ học cũng xúm lại giúp bố mẹ những việc thu gom, quét dọn. Không ai là không tìm thấy cơ hội góp sức của mình cho mùa thu hái.

Bắc Kạn- mùa mơ chín ảnh 2
Những chiếc xe đầu kéo “tắc – tơ” chở đầy mơ là hình ảnh thường thấy những ngày này.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Hoàng Văn Thường- Chủ nhiệm HTX Cao Kỳ (Chợ Mới) cho biết: Mùa thu hoạch mơ tạo việc làm ngắn hạn cho nhiều người. Những hộ nông dân có vườn rộng sẽ thuê thêm nhiều người hái. Việc thu mua cũng thu hút nhân lực. Riêng HTX Cao Kỳ có tới 5 tổ thu mua chia ra các điểm rải rác trong xã. Mỗi tổ thu mua cần khoảng 05 lao động.

Ngày cao điểm, HTX của ông có thể thu mua, chuyển bán tới khoảng 200-300 tấn mơ. Bên cạnh đó, những công việc hỗ trợ mùa vụ như lái xe “tắc-tơ” vận chuyển mơ, người tuyển lựa, chế biến quả cũng “đắt xô”.

Phân loại mơ tại xưởng chế biến nông sản Minh Bê.
Phân loại mơ tại xưởng chế biến nông sản Minh Bê.

Chúng tôi tới thăm cơ sở chế biến nông sản Minh Bê ở tổ Thác Giềng, phường Xuất Hóa (TP. Bắc Kạn). Thường ngày, cơ sở này chế biến các sản phẩm từ gừng và nghệ. Nhưng đến mùa mơ, tất cả các công việc đó sẽ tạm gác lại để dành hết thời gian cho trái mơ.

Cơ sở hoạt động 3 ca, mỗi ca làm việc luôn có khoảng 30 - 40 nhân công, hầu hết là bà con sống quanh vùng. Không khí làm việc rất rộn ràng phấn khởi. Mọi người gọi đùa nhau là các “tuyển thủ”. Khi mơ tươi được đầu thu mua chuyển tới, các bà, các chị sẽ loại bỏ những quả dập nát, bị côn trùng châm, tuyển lấy những quả căng mọng và đủ kích thước, xếp ra thành nhiều phân hạng chất lượng.

Việc ngắn ngày nhưng cấp tập, có người tranh thủ làm cả 3 ca hoặc gọi người nhà thay ca cho mình. Mỗi ngày, mỗi người cố gắng tuyển lựa từ 120 - 150kg quả mơ là đã mang về được cho gia đình mình 300.000 - 400.000 đồng. Đây là khoản tiền không nhỏ so với thu nhập bình quân của bà con trong vùng.

Chị Bàn Thị Xuân, người dân xã Tân Sơn (Chợ Mới), vừa thoăn thoắt lọc mơ, vừa kể: "Tôi đã có kinh nghiệm tuyển mơ nên làm khá nhanh. Mơ tuyển cho công ty khó hơn mơ cho tư nhân làm ô mai. Như bên Công ty Asuka, họ yêu cầu phần cuống phải moi sạch hết để ngâm rượu. Nhưng tiêu chuẩn khó hơn thì họ lại trả công cao hơn, mình kiếm được nhiều tiền hơn".

Quả mơ có nhiều tác dụng nên các doanh nghiệp đặt mua mơ cũng rất đa dạng. Một phần không nhỏ sản lượng mơ được chuyển tới tay các doanh nghiệp, tư nhân làm ô mai truyền thống. Các khách hàng làm ô mai có cơ sở ở khắp các tỉnh. Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, hiện có hai công ty thu mua mơ với số lượng lớn. Công ty TNHH Việt Nam MISAKI đã thu mua mơ nhiều năm nay. Trái mơ sẽ được MISAKI ủ muối để làm thành món umeboshi - món mơ muối, ăn kèm cơm của người Nhật. Hoặc như Công ty TNHH MTV Asuka Việt Nam, mới được thành lập được 02 năm, chuyên sản xuất rượu mơ umeshu theo lối Nhật Bản, cũng thu mua mơ tươi đã  tạo việc làm cho hàng chục lao động.

Bắc Kạn- mùa mơ chín ảnh 4

Du khách Nhật Bản thích thú với những giỏ quà tặng xinh xắn đựng đầy mơ tươi.

Ghé thăm Công ty TNHH MTV Asuka Việt Nam, nằm cách không xa cơ sở tuyển mơ Minh Bê, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là sự ngăn nắp, quy củ của thiết kế nhà máy và quy trình sản xuất. Quả mơ khi nhanh chóng được rửa sạch, thổi khô và đưa ngay vào tank ngâm ủ. Nằm trong tank ngâm ủ đủ 9 tháng 10 ngày, trái mơ sẽ tiết ra hết những tinh vị thơm ngon nhất của mình vào sản phẩm rượu. Những tank bồn ngâm ủ trong nhà máy Asuka được trang trí bằng những hình ảnh nghệ thuật truyền thống Nhật Bản, tạo không khí và tinh thần làm việc nghiêm túc cho tất cả mọi người.

Được tiếp đón trùng thời gian với một đoàn khách Nhật, chúng tôi có cơ hội xem và nghe mọi người bàn bạc sâu hơn về quy trình và tiêu chuẩn sản xuất rượu mơ theo công thức Nhật Bản. Trong đoàn khách có nhiều người Nhật chuyên về mảng ẩm thực, kinh doanh nhà hàng khách sạn. Họ đánh giá và so sánh rượu làm từ trái mơ Bắc Kạn ngon không kém các sản phẩm nổi tiếng từ Nhật Bản, thậm chí, vị mơ địa phương ở đây thơm khác biệt nên rượu mơ Asuka có phần độc đáo hơn.

Bắc Kạn- mùa mơ chín ảnh 5
Đoàn khách Nhật Bản thăm nhà máy của Công ty TNHH MTV Asuka Việt Nam tại Thác Giềng.

Chị Huỳnh Kim Sang- Giám đốc Công ty TNHH MTV Asuka Việt Nam chia sẻ: "Mới được thành lập nhưng quyết tâm theo đuổi quy trình chất lượng khắt khe nhất, nên Công ty xác định gắn bó lâu dài với trái mơ và bà con trồng mơ Bắc Kạn. Tính tới nay, công ty đã tiêu thụ cả trăm tấn mơ từ nông dân và mỗi vụ mùa lại tạo việc làm cho khoảng 30 lao động. Chúng tôi mong có thêm các doanh nghiệp chế biến trái mơ khác trên địa bàn Bắc Kạn và các doanh nghiệp đều làm nên ăn ra. Nghe có vẻ ngược với lý thuyết cạnh tranh, nhưng sản lượng và tiềm năng của trái mơ Bắc Kạn còn nhiều lắm. Chúng ta giải quyết được đầu ra nhiều hơn cho nông dân thì bà con sẽ gắn bó lâu dài với trái mơ. Lúc đó giá mơ sẽ ổn định ở mức cao, nhưng doanh nghiệp chúng tôi sẽ có nguyên liệu đầu vào tốt hơn và nhân công chất lượng, lợi được nhiều đường"…

Mong muốn của chị Sang cũng là niềm mong mỏi của nhiều người quan tâm tới trái mơ Bắc Kạn. Ngày nay làm nông nghiệp không chỉ cầu cho mưa thuận gió hòa mà còn cầu cho thị trường phát triển ổn định. Trái mơ Bắc Kạn đi được tới nhiều người tiêu dùng hơn, dưới nhiều dạng sản phẩm hơn sẽ lại khiến cho vụ mơ mỗi năm trở nên nhộn nhịp hơn. Các xã trồng mơ sẽ lại sáng đèn đêm như đang đón giao thừa của dịp “Tết thứ hai trong năm”./.

Hữu Thắng

Xem thêm