Kỷ niệm 25 năm thành lập Hội VHNT Bắc Kạn (16/6/1997- 16/6/2022):

Ngôi nhà chung của văn nghệ sĩ Bắc Kạn

Được thành lập từ năm 1997, sau 25 năm Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Bắc Kạn đã có những bước tiến quan trọng, trở thành ngôi nhà chung của văn nghệ sĩ Bắc Kạn.

Tác phẩm Dệt truyền thống của tác giả Phùng Minh Hiệu
Tác phẩm "Dệt truyền thống" của tác giả Phùng Minh Hiệu.

Nhắc về những ngày đầu mới thành lập Hội, nhà thơ Dương Khâu Luông- Chủ tịch Hội VHNT tỉnh bồi hồi: Hội VHNT Bắc Kạn thành lập 16/6/1997, thấm thoắt đã 25 năm. Khi thành lập Hội tôi vẫn chưa phải là hội viên của Hội. Năm 1998 tôi mới được kết nạp. Từ đó đến nay, tôi cũng như nhiều văn nghệ sĩ của tỉnh luôn coi Hội như mái nhà chung ấm áp của mình. Nhất là đến 11/2005 tôi được phân công từ ngành Giáo dục chuyển sang Hội công tác, tôi càng gắn bó và hiểu về Hội nhiều hơn. Những ngày đầu mới thành lập, cũng như khi tôi mới chuyển đến, gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn từ cơ sở vật chất cho đến con người làm việc. Số lượng hội viên cũng ít, chỉ hoạt động ở một số chuyên ngành như: Văn học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Văn nghệ dân gian, Nhiếp ảnh…

Nhiều chuyên ngành khác chưa có hội viên. Tuy vậy, Hội VHNT vẫn thường xuyên nhận được sự quan tâm của tỉnh, của các Hội chuyên ngành Trung ương, cùng sự đoàn kết phấn đấu không ngừng của Ban Chấp hành, văn phòng và toàn thể hội viên nên Hội VHNT Bắc Kạn đã không ngừng phát triển. Đến nay các chuyên ngành đều đã có hội viên hoạt động, một số chi hội được thành lập như: Chi hội Mỹ thuật, Chi hội VHNT các DTTS việt Nam, Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam… Đội ngũ văn nghệ sĩ ngày càng trưởng thành. Nhiều hội viên đã khẳng định được tên tuổi trong VHNT khu vực và cả nước.

Xác định nhân tố con người luôn là yếu tố quan trọng trong công tác xây dựng tổ chức Hội. Công tác bồi dưỡng, phát triển hội viên luôn được Hội VHNT tỉnh quan tâm, nhất là đối với các tác giả trẻ, tác giả người dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. Việc kết nạp hội viên thường xuyên được chú trọng, đảm bảo theo đúng quy định của Điều lệ Hội. Từ gần 20 hội viên đầu tiên, qua 25 năm Hội đã có hơn 130 hội viên, hoạt động tại 09 chuyên ngành: Văn học, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Âm nhạc, Sân khấu- biểu diễn, Điện ảnh, Kiến trúc, Sưu tầm văn học dân gian, Lý luận phê bình. Cùng với phát hiện, bồi dưỡng, kết nạp hội viên mới, Hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hội viên có đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn vào các Hội chuyên ngành Trung ương. Hiện  có hơn 50 người là hội viên các Hội: VHNT các DTTS Việt Nam; Nhà văn Việt Nam; Văn nghệ dân gian Việt Nam, Mỹ thuật Việt Nam, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Nhạc sĩ Việt Nam…

Tác giả Muồng Hoàng Yến- hội viên chuyên ngành Văn học, Hội VHNT tỉnh chia sẻ: Khi mới sáng tác, Văn nghệ Ba Bể là tạp chí đầu tiên đăng bài viết của tôi. Khi đó, tôi vô cùng vui mừng và xúc động. Rồi đến khi trở thành hội viên thực sự của Hội VHNT tỉnh Bắc Kạn thì niềm vui đó càng nhân lên gấp bội. Theo thời gian, được gặp gỡ các văn nghệ sĩ đi trước, các tác giả trẻ đã giúp cho sáng tác của tôi thay đổi nhiều. Những lần tham gia trại sáng tác đã giúp tôi nhận rõ về mình. Từ đó cố gắng tìm hướng đi mới và riêng cho bản thân. Hội VHNT tỉnh luôn động viên giúp tôi trưởng thành hơn trên con đường văn chương. Là một hội viên, tôi mong muốn lãnh đạo Hội và Ban Biên tập Tạp chí Văn nghệ Ba Bể quan tâm, động viên anh em nghệ sĩ trong sáng tác. Tạo nhiều cơ hội hơn nữa để anh em văn nghệ sĩ có dịp giao lưu, gặp gỡ với các nhà thơ, nhà văn gạo cội của Hội Nhà văn Việt Nam và các tỉnh khác. Chú trọng hơn đến hỗ trợ đầu tư sáng tác, đời sống của văn nghệ sĩ...

Trong 25 năm qua hoạt động sáng tác của Hội đã đạt những thành tựu rất đáng ghi nhận. Các hoạt động VHNT tập trung phản ánh những thành quả to lớn của đất nước nói chung và quê hương Bắc Kạn nói riêng trong sự nghiệp đổi mới, góp phần tôn vinh các giá trị tư tưởng, đạo đức, văn hóa truyền thống của dân tộc, khơi dậy niềm tự hào về lịch sử hào hùng của quê hương, đất nước. Văn nghệ sĩ Bắc Kạn đã có hàng trăm tác phẩm đạt giải thưởng của tỉnh, khu vực và Trung ương, Hội cũng đã tổ chức được những hoạt động lớn, chuyên sâu như đăng cai tổ chức thành công liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực, triển lãm mỹ thuật khu vực, triển lãm mỹ thuật nhóm, cá nhân, đêm nhạc, các cuộc hội thảo lớn… Có được những kết quả đó, là sự đóng góp không nhỏ của Hội VHNT tỉnh trong việc quan tâm, chú trọng nâng cao chất lượng hội viên.

Hội đã tổ chức thành công nhiều hoạt động, góp phần đưa VHNT tỉnh đến gần hơn với người dân. ( trong ảnh: Hội thảo Thân thế và sự nghiệp của Nhà văn dân tộc Tày Nông Viết Toại)
Hội đã tổ chức thành công nhiều hoạt động, góp phần đưa VHNT tỉnh đến gần hơn với người dân. ( trong ảnh: Hội thảo Thân thế và sự nghiệp của nhà văn dân tộc Tày Nông Viết Toại).

Từ năm 2016 đến nay, Hội đã tổ chức thành công 15 trại và lớp bồi dưỡng sáng tác trong và ngoài tỉnh, gồm: Trại sáng tác đa ngành, trại sáng tác hè cho thiếu nhi; trại sáng tác Mỹ thuật, lớp bồi dưỡng sáng tác ảnh nghệ thuật, lớp bồi dưỡng sáng tác văn xuôi, lớp bồi dưỡng sáng tác văn xuôi trẻ. Ngoài ra còn tổ chức một số chuyến đi thực tế sáng tác cho hội viên trên địa bàn tỉnh và đi học tập sáng tác tại các tỉnh bạn như Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Quảng Ninh… Hằng năm Hội đã tổ chức cho nhiều lượt hội viên tham gia trại sáng tác hoặc lớp bồi dưỡng sáng tác của các Hội chuyên ngành Trung ương, lực lượng vũ trang, như: Hội VHNT các DTTS Việt Nam. Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Bộ Tư lệnh Hải quân, Quân khu 1, Hội Mỹ thuật Việt Nam…

Bên cạnh đó Tạp chí VNBB - cơ quan ngôn luận của Hội cũng không ngừng phát triển và đã từng bước khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong hệ thống cơ quan báo chí của tỉnh, luôn tích cực trong công tác tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với Nhân dân.Tạp chí luôn giữ gìn và phát huy tốt truyền thống bản sắc văn hóa địa phương nên được bạn đọc hưởng ứng đón nhận./.

Bích Phượng

Xem thêm