Chắp cánh lời thơ theo làn điệu dân ca

Từ ngàn xưa, thơ ca và âm nhạc đã có duyên gắn bó với nhau, có rất nhiều bài thơ đã được các nhạc sĩ phổ nhạc và trở thành ca khúc nổi tiếng. Với mong muốn đưa hình ảnh quê hương đến gần hơn với độc giả ở các lứa tuổi khác nhau, văn nghệ sĩ tỉnh ta đã sáng tạo đưa thơ song ngữ vào làn điệu hát Then.

“Đến thăm hồ Ba Bể” (Lời thơ: Dương Khâu Luông - Trình bày: Bảo An).

Thuở ấu thơ, ai cũng đã từng lớn lên trong lời ru, tiếng hát của bà của mẹ. Theo thời gian những vốn quý văn hóa đó đang dần biến mất giữa nhịp sống hiện đại. Đặc biệt là khi nhắc đến văn hóa truyền thống, những làn điệu dân ca ngọt ngào và ngôn ngữ dân tộc thiểu số, rất ít bạn trẻ có được những thông tin về vấn đề này. Hầu hết, trẻ em hiện nay đều tiếp cận sớm với công nghệ thông tin, điều đó đặt ra yêu cầu cao trong việc lựa chọn kiến thức để tiếp nhận. Đây cũng là thuận lợi để văn hóa truyền thống đến gần hơn với nhiều lứa tuổi, nếu biết khai thác đúng cách sẽ góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc trong phát triển du lịch tỉnh nhà.

Với mong muốn gìn giữ, phát triển văn hóa dân tộc Tày, nhà thơ Dương Khâu Luông đã trăn trở và thực hiện ghép lời thơ song ngữ vào làn điệu Then của dân tộc Tày. Ông cho biết: Tôi sinh ra và lớn lên ở bản làng người Tày. Lời ru và ngôn ngữ dân tộc đã cho tôi trưởng thành hôm nay. Chính vì vậy, tôi rất buồn khi ngày nay nhiều con em dân tộc Tày lại không biết ngôn ngữ Tày. Tôi đã sáng tác nhiều bài thơ song ngữ Tày - Việt, nhưng thực tế hiện nay, số người đọc thơ và yêu thơ vẫn còn hạn chế. Vậy nên ngay khi nhận được lời đề nghị chuyển lời thơ sang làn điệu hát Then, tôi đã đồng ý và bắt tay thực hiện. Ban đầu cũng gặp khó khăn khi ghép lời thơ vào nhạc, nhưng sau khi tìm hiểu kỹ làn điệu Then, chỉnh sửa câu chữ đã thành bài hát song ngữ “Đến thăm hồ Ba Bể”.

Ngay khi bài hát được hoàn thành, nhà thơ Dương Khâu Luông đã đăng tải lên mạng xã hội và nhận được rất nhiều phản hồi tích cực. Cùng với những lời động viên, khích lệ, bài hát còn nhận được rất nhiều lượt chia sẻ của khán giả ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Đặc biệt nhiều người con của quê hương Bắc Kạn còn thể hiện niềm tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc và hồ Ba Bể trong bài đăng của mình. Những câu hát ngọt ngào, bay bổng ca ngợi quê hương được thể hiện nền nhạc đàn Tính, âm thanh nhịp nhàng của tiếng đàn đã thu hút người nghe ngay từ những nốt đầu tiên.

Chị Bảo An (tên thật là Mã Thị Dạy) người thể hiện ca khúc “Đến thăm hồ Ba Bể” cho biết: Thời gian gần đây, Then Tày đang nhận được nhiều sự quan tâm của người dân. Đã hơn 20 năm gắn bó với đàn Tính, tôi thấy các bài hát về quê hương còn ít, chưa phong phú nên luôn mong muốn có nhiều hơn nữa các sáng tác về đề tài này. Vậy nên khi đọc được tác phẩm của nhà thơ Dương Khâu Luông, tôi đã nảy ra ý định ghép lời thơ vào làn điệu Then. Tôi rất vui vì ngay từ phần dựng thử đầu tiên đã nhận được phản hồi tốt từ người nghe, nhiều người khen hay và tìm nghe các bài hát Then khác. Hiện tôi đang tiếp tục phối hợp với nhà thơ Dương Khâu Luông chuyển lời thơ thành các bài hát: “Hội xuân Ba Bể”; “Bắc Kạn quê tôi”; “Với người chiến sĩ công an”.

Cũng theo chị Bảo An, ngoài Then Tày thì lời thơ cũng có thể được chắp cánh bởi các làn điệu khác như: Pá Dung; Phong slư… Trong quá trình thực hiện có thể thêm hoặc bớt lời cho phù hợp với âm nhạc. Có thể nói, việc kết hợp giữa thơ song ngữ và làn điệu dân tộc truyền thống đã phần nào đưa bản sắc văn hóa đến gần hơn với thế hệ trẻ, góp phần tuyên truyền về quê hương Bắc Kạn hôm nay.../.

Bích Phượng

Xem thêm