Gia đình là nơi luôn có tình yêu thương

Đó là thông điệp nhân văn mà văn nghệ sĩ tỉnh ta hướng đến và truyền tải trong các sáng tác về đề tài gia đình. Thông qua các bài thơ, truyện ngắn về cha mẹ và nỗi niềm con trẻ, độc giả thêm thấu hiểu, đồng cảm và quý trọng hạnh phúc gia đình.

Gia đình luôn là nguồn cảm hứng để tác giả Bàn Thị Dương (người ngoiaf cùng bên trái) sáng tạo nghệ thuật.
Gia đình luôn là nguồn cảm hứng để tác giả Bàn Thị Dương (người ngoài cùng bên trái) sáng tạo nghệ thuật.

Đến với văn chương muộn, nhưng tác giả Nông Văn Kim mang đến những truyện ngắn có nội dung chân thực và sâu sắc với nhiều đề tài khác nhau. Gia đình trong sáng tác của ông luôn là nơi chờ đợi và sẵn sàng dang tay đón các thành viên trở về. Tiêu biểu như trong tác phẩm “Con chim cáng lò lại hót”, đôi vợ chồng trẻ đã cùng nhau qua những năm tháng đủ đầy, rực rỡ, nhưng vì sai lầm của mình mà chàng doanh nhân trẻ phải trả giá bằng 4 năm tù giam. Nhưng không vì thế mà cô vợ xinh đẹp bỏ rơi anh. Không chỉ tìm cách cứu chồng, cô còn nhiều lần bỏ qua đơn ly hôn anh ký sẵn gửi ra, một lòng chờ đợi, tin tưởng anh sẽ hoàn lương trở về để cùng đắp xây mái ấm.

Bắc Kạn là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Cũng như núi rừng, người dân ở đây chân chất, thật thà, trầm lặng, ít có những lời nói ngọt ngào và chỉ thể hiện tình cảm qua hành động. Đó cũng chính là những nhân vật chính trong truyện ngắn "Tháng ngâu mùa Vu lan" của tác giả Triệu Hoàng Giang. Lấy bối cảnh làng bản hoang sơ cùng những nỗi đau của nhân vật Sỉnh khi lễ Vu lan về, truyện ngắn đưa người đọc đến những cung bậc cảm xúc khác nhau về tình cảm gia đình. Sỉnh bị bố, mẹ bán cho nhà giàu trừ nợ từ năm 14 tuổi. Cô giống như trâu ngựa làm việc quần quật phục vụ gia đình và người “chồng” kém 2 tuổi. Sau nhiều năm cam chịu với những trận đòn thường xuyên, Sỉnh mạnh mẽ đi tìm cuộc sống mới. Cũng từ đó, cô không quay về làng cũ, không gặp lại gia đình. Vậy nên mỗi mùa Vu lan, Sỉnh lại ngập ngừng trước bao suy tư, ám ảnh về phiên chợ năm 14 tuổi, cô sợ bố mẹ mất mặt với làng, sợ bị đuổi đánh, ruồng bỏ… Năm này qua năm khác, cô cứ hẹn mãi ngày trở về. Cuối cùng, chính những người sinh ra Sỉnh lại tìm đến với cô, họ ôm nhau khóc cười, bỏ qua mọi sai lầm mà sum họp, quây quần trong những ngày mưa ngâu.

Còn đối với thể loại thơ, các tác giả trong tỉnh thường viết nhiều về cha mẹ, những người luôn yêu thương con cái vô điều kiện. Tác giả Hoàng Thị Điềm đã nhớ về cha mẹ bằng lời thơ đầy xúc cảm về những vất vả nhọc nhằn theo dấu chân cha và hao gầy trên mái tóc mẹ trong tác phẩm “Tình yêu cho đất”. Đọc bài thơ, độc giả không chỉ đồng cảm với tác giả mà còn thêm yêu quê hương, mảnh đất mình đã sinh ra và lớn lên. Người con khi trưởng thành “Như cánh chim bay trong trời rộng” ngẫm về cha mẹ, về những thương yêu được truyền từ thủa ấu thơ đã dần thấu hiểu:

“Bài học của cha suốt đời thầm lặng

Bài học của mẹ là tấm chân tình

Đời con có bay trong trời rộng

Đích cuối con về vẫn là nơi bắt đầu con đi”

Cùng với những tình cảm tha thiết, tác giả trẻ Bàn Thị Dương đã viết nên bài thơ “Mé ới” đầy cảm xúc. Những năm tháng ấu thơ in đậm trong ký ức của Dương là những mùa ngô, mùa măng, mùa ve, mùa thu và mé. Dù ở lứa tuổi nào, cô cũng không thể quên bờ lưng ướt đẫm, bước chân vượt đồi và bàn tay của mé, để giờ đây giữa những đủ đầy vật chất, cô sinh viên trẻ khiến bao độc giả trẻ rưng rưng:

“Nơi con ở, tràn căng sóng điện thoại

Đèn điện thay ánh đèn dầu

Đường mở rộng người xe qua lại…

Phía ngoại ô vài ngôi nhà khói nhen

Lòng con như nước luồn khe núi

Biết ở nhà, mé đã thổi cơm chưa?”

Có thể nói, dù ở thể loại nào, các văn nghệ sĩ tỉnh ta cũng đều gửi đến người đọc những thông điệp nhân văn khi hướng về gia đình. Thông qua các tác phẩm văn học, độc giả thêm yêu thương, trân trọng tổ ấm và ngày càng vun đắp để “nhà” luôn là nơi trở về./.

Bích Phượng

Xem thêm