Những ưu tiên của Tổng thống Raisi

Tổng thống đắc cử Iran Ebrahim Raisi tại cuộc họp báo ở Tehran, ngày 21/6/2021. (Ảnh: IRNA/TTXVN)
Tổng thống đắc cử Iran Ebrahim Raisi tại cuộc họp báo ở Tehran, ngày 21/6/2021. (Ảnh: IRNA/TTXVN)

Tổng thống Ebrahim Raisi đã tuyên thệ nhậm chức, trở thành người chèo lái con thuyền Iran đang đối mặt hàng loạt thách thức, nhất là nền kinh tế hứng chịu hậu quả nặng nề từ các lệnh trừng phạt của Mỹ. Ông Raisi đưa ra hàng loạt cam kết về đối nội, đối ngoại, với mục tiêu cao nhất là bảo vệ lợi ích quốc gia.

Nhiệm kỳ tổng thống bốn năm của ông Raisi bắt đầu với bộn bề khó khăn, khi Chính phủ Iran phải đương đầu với cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội sâu rộng, kể từ sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) và khôi phục áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Tehran. Iran cũng là quốc gia Trung Ðông chịu tác động nặng nề nhất do đại dịch Covid-19. Cho rằng những khó khăn kinh tế xảy ra do cả các biện pháp cấm vận, cũng như do những yếu kém tồn tại nội bộ quốc gia, tân Tổng thống Raisi khẳng định, chính quyền mới sẽ tìm cách dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, nhưng không để các thế lực bên ngoài tác động tới quyết sách nhằm cải thiện đời sống người dân. 

Về đối ngoại, Tổng thống Raisi sẽ phải giải quyết bất đồng sâu sắc giữa Iran với phương Tây, vốn là vấn đề gai góc nhất mà chính quyền tiền nhiệm từng đối mặt, trong các cuộc đàm phán với Mỹ để đưa hai bên trở lại tuân thủ các cam kết trong JCPOA. Tân Tổng thống Iran bác bỏ chính sách gây áp lực thông qua các biện pháp trừng phạt, đồng thời hoan nghênh bất cứ đề xuất ngoại giao nào. Tuy nhiên, trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân tạm ngưng và Mỹ đã cảnh báo cơ hội ngoại giao không tồn tại mãi, việc đạt được một thỏa thuận với Mỹ trong vấn đề này là thách thức lớn với ông Raisi.

Thiết lập quan hệ hợp tác sâu rộng với các nước láng giềng cũng là một trong những ưu tiên trong chính sách của Tổng thống Raisi nhằm giúp Iran tránh rơi vào thế bị cô lập ở khu vực. Tuy nhiên, trong bối cảnh mối quan hệ giữa Iran với các quốc gia Arab ở vùng Vịnh tồn tại nhiều bất đồng, ông Raisi được dự báo không dễ dàng trong sứ mệnh vừa làm tan băng quan hệ với các quốc gia láng giềng, vừa bảo đảm vị thế của Iran ở khu vực.    

Được người dân kỳ vọng sẽ đưa đất nước Iran vượt qua khó khăn về cả kinh tế và ngoại giao, tân Tổng thống Raisi cam kết xây dựng một "Iran mạnh mẽ". Trong đó, ưu tiên là vực dậy nền kinh tế đất nước, cũng như thúc đẩy đàm phán với các cường quốc nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân, một nhân tố quan trọng giúp xây dựng lòng tin, tạo môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực.

Theo nhandan.vn

Xem thêm