Ngân Sơn: Phát phá rừng trái pháp luật diễn biến phức tạp

Mặc dù ngành chức năng và chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ rừng, tuy nhiên trong hai năm qua, tình trạng phát phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật trên địa bàn huyện Ngân Sơn vẫn diễn ra.

Cán bộ kiểm lâm kiểm  kê diện tích rừng bị chặt phá thuộc xã Thượng Quan
Cán bộ kiểm lâm kiểm kê diện tích rừng bị chặt phá thuộc xã Thượng Quan.

Theo thống kê của cơ quan chức năng huyện Ngân Sơn, trong năm 2021 trên địa bàn huyện xảy ra 66 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp (giảm 01 vụ so với năm 2020), trong đó: Phá rừng trái pháp luật 25 vụ; khai thác rừng trái pháp luật 15 vụ; tàng trữ lâm sản trái pháp luật 11 vụ; vi phạm thủ tục hành chính 07 vụ; vi phạm quy định phòng cháy, chữa cháy rừng 02 vụ; vi phạm mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật 05 vụ; vi phạm quy định về chế biến lâm sản 01 vụ. Tang vật, phương tiện cơ quan chức năng phát hiện tịch thu gồm 132,9m3 gỗ các loại, 2,7 ster ván bóc, 50 ster củi, 01 xe ô tô, 10 cưa xăng, 02 máy tời; thu nộp ngân sách hơn 489 triệu đồng.

Bước sang năm 2022, chỉ từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện tiếp tục xảy ra 26 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Trong đó, phá rừng trái pháp luật 24 vụ; tàng trữ lâm sản 01 vụ; vi phạm thủ tục hành chính 01 vụ. Tang vật, phương tiện tịch thu gồm hơn 32,9m3 gỗ tròn các loại; 13 dao và búa, 01 cưa tay, 01 cưa xăng. Đặc biệt trong đó có 04 vụ phá rừng trái pháp luật đang được Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Ngân Sơn xem xét xử lý hình sự. Địa bàn xảy ra chủ yếu ở các xã Thượng Quan, Đức Vân, Vân Tùng… Riêng vụ việc tại thôn Pù Pjót, xã Thượng Quan mới đây, diện tích thiệt hại là hơn 6ha, lâm sản thiệt hại hơn 122m3, có 10 hộ vi phạm.

Trao đổi về nguyên nhân dẫn đến các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn thời gian qua, đồng chí Nguyễn Trọng Lăng- Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn cho biết: Từ cuối năm 2017, Chính phủ đã có chủ trương đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên. Nhiều người dân địa phương lâu nay sống dựa vào rừng như lấy gỗ, lấy củi, phát nương làm rẫy bị mất thu nhập nên nhiều vụ phát phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật đã xảy ra.

Để quản lý tài nguyên khoáng sản, lâm sản trên địa bàn, Huyện ủy đã ban hành chỉ thị, UBND huyện ban hành hàng chục kế hoạch, văn bản chỉ đạo cơ quan chuyên môn và chính quyền các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong việc bảo vệ rừng. Tuy vậy, do diện tích rừng tự nhiên rộng, địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn nên việc nắm bắt tình hình, quản lý bảo vệ rừng của ngành chức năng và UBND các xã, thị trấn chưa kịp thời. Mặt khác, do nhiều thôn vùng cao thiếu đất sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo cao nên tình trạng phát rừng để trồng rừng, trồng cây màu còn diễn ra.

Bên cạnh đó, lợi nhuận từ việc buôn bán gỗ rừng tự nhiên cao nên một số đối tượng cố tình thu mua gỗ rừng tự nhiên khai thác trái pháp luật để tiêu thụ, chế biến. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt, chưa xác định rõ vai trò trách nhiệm của mình khi còn để xảy ra khai thác rừng, phá rừng trái phép trên địa bàn mình quản lý. Một số cán bộ kiểm lâm địa bàn chưa phát huy được vai trò nòng cốt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn chưa kịp thời. Công tác tuyên truyền chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Huyện Ngân Sơn hiện có tổng diện tích tự nhiên hơn 64.587ha, trong đó diện tích đất có rừng trên 42.295ha, độ che phủ rừng trên 65%. Để bảo vệ hiệu quả diện tích rừng tự nhiên hiện có, thiết nghĩ thời gian tới huyện cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền đến người dân và cán bộ, đảng viên để nâng cao nhận thức; đẩy mạnh các biện pháp, giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Chỉ đạo ngành chức năng và UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, kiểm soát kịp thời phát hiện ngăn chặn, đồng thời xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm theo tinh thần Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 24/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hoạt động khai thác, vận chuyển và chế biến khoáng sản, lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh. Thực hiện nghiêm  việc chấm dứt khai thác gỗ rừng tự nhiên, khai thác tận thu, tận dụng; kiểm soát chặt chẽ các dự án được phép chuyển mục đích sử  dụng rừng, các dự án khai thác rừng trồng theo quy định. Xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm để răn đe chung. Tổ chức xem xét, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật nghiêm trọng, kéo dài mà không phát hiện ngăn chặn xử lý kịp thời./.

Văn Lạ

Xem thêm