Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại, mạng xã hội

Thời gian gần đây, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng sử dụng nhiều chiêu thức, thủ đoạn cũ và mới khác nhau, trong đó có sử dụng công nghệ cao, thực hiện hành vi trên "không gian mạng". Điểm chung đó là lợi dụng tâm lý nhẹ dạ, cả tin, thiếu thông tin kiểm chứng của bị hại để nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Công an phường Phùng Chí Kiên (TP. Bắc Kạn) tuyên truyền đến người dân về phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Công an phường Phùng Chí Kiên (TP. Bắc Kạn) tuyên truyền đến người dân về phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Xưng là cán bộ cơ quan thực thi pháp luật để “hù dọa”

Chiêu thức gọi điện thoại, giả danh cán bộ cơ quan thực thi pháp luật đang điều tra phá án ma túy, đường dây rửa tiền xuyên quốc gia... rồi dọa sẽ bị khởi tố bắt giam do có liên quan, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng để phục vụ công tác điều tra. Thủ đoạn này không mới và đã được các lực lượng chức năng cảnh báo rất nhiều, tuy nhiên vẫn có người "sập bẫy" của các đối tượng.

Như trường hợp của bà H.T.H, trú tại huyện Ngân Sơn, xảy ra tháng 9/2021. Trước đó, bà H.T.H nhận được điện thoại của một người phụ nữ giới thiệu là nhân viên bưu điện có địa chỉ tại quận Hải Châu (TP. Đà Nẵng). Đối tượng này cho biết, bà H.T.H có một bưu phẩm được chuyển từ Đà Nẵng sang nước Anh, gói hàng này đang bị lực lượng Hải quan tạm giữ do nghi ngờ chứa hàng bất hợp pháp, trong đó có 100 chiếc thẻ ngân hàng thanh toán quốc tế và 01 tài khoản thẻ có 6,8 tỷ đồng.

Trong cuộc nói chuyện qua điện thoại, bà H.T.H khẳng định bản thân không gửi đơn hàng nào như vậy. Tuy nhiên, đối tượng chuyển máy kết nối với một người đàn ông tự xưng là đại úy Đặng Quang Thắng ở Công an Thành phố Đà Nẵng. Người đàn ông đề nghị bà H.T.H cung cấp thông tin cá nhân và thông báo hiện nay tiền gửi trong ngân hàng của bà H.T.H không được đảm bảo an toàn, yêu cầu chuyển tiền vào số tài khoản 19037305174xxx mang tên Trương Thị Oanh (không rõ địa chỉ) tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), chi nhánh Hai Bà Trưng (Hà Nội) trong thời gian nhanh nhất để cơ quan công an giữ hộ nhằm đảm bảo an toàn và sẽ nhận được thêm một khoản tiền bồi thường do những người giả danh làm hồ sơ sai phạm...

Sau đó, khi bà H.T.H đến ngân hàng đề nghị rút hơn 320 triệu đồng để chuyển vào số tài khoản đã được cung cấp. Trong phiên giao dịch, cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chi nhánh huyện Ngân Sơn nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên chưa thực hiện giao dịch như khách hàng H.T.H yêu cầu. Đồng thời, trình báo sự việc đến cơ quan Công an huyện Ngân Sơn để phối hợp giải quyết. Nhờ đó, bà H.T.H may mắn không bị mất tiền.

Cùng khoảng thời gian này, Công an thành phố Bắc Kạn phối hợp Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) đã ngăn chặn kịp thời vụ lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản với số tiền đến hơn một tỷ đồng cùng thủ đoạn tương tự. Cụ thể, chị T.T.T.H trú tại phường Đức Xuân (TP. Bắc Kạn) bị một nhóm đối tượng gọi điện đến giả danh cán bộ Công an Thành phố Đà Nẵng và viện kiểm sát thông báo liên quan đến một đường dây tội phạm, sẽ thực hiện lệnh bắt giam vào chiều cùng ngày. Để đảm bảo không bị phong tỏa, tịch thu tài sản, chị T.T.T.H được nhóm đối tượng yêu cầu mở 01 tài khoản ngân hàng mới, chuyển toàn bộ tiền có trong các tài khoản ngân hàng khác vào tài khoản mới mở và cung cấp mật khẩu, mã OTP cho nhóm đối tượng này.

Do lo sợ bị bắt và tịch thu tài sản, chị T.T.T.H đã mở tài khoản và thực hiện hai lần chuyển tiền vào tài khoản theo hướng dẫn của nhóm đối tượng. Lần thứ nhất chuyển 910 triệu đồng từ tài khoản của mình ở Ngân hàng LienVietPostBank (lần giao dịch này chưa bị trừ tiền do giao dịch bị "treo" vì giao dịch thực hiện sau 16 giờ 30 phút); lần thứ hai chuyển thành công 350 triệu đồng từ tài khoản của mình ở Ngân hàng BIDV.

Đêm hôm đó, nghi ngờ mình đã bị lừa đảo nên chị T.T.T.H đã đến Công an TP. Bắc Kạn trình báo. Ngay trong đêm, lực lượng công an đã hướng dẫn bị hại, trao đổi ngân hàng huỷ lệnh chuyển số tiền 910 triệu đồng. Chính nhờ sự vào cuộc kịp thời của lực lượng công an, chị T.T.T.H  đã nhận lại được số tiền hơn 01 tỷ đồng (Các đối tượng đã kịp chiếm đoạt 100 triệu đồng ở giao dịch 350 triệu đồng chuyển từ Ngân hàng BIDV).

Thượng tá Ngô Ngọc Dưỡng- Phó Trưởng Công an TP. Bắc Kạn cho biết: Trong thời gian từ đầu năm 2021 đến nay, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp thì loại tội phạm này cũng có chiều hướng gia tăng. Mặc dù đây là hình thức lừa đảo không mới, cơ quan công an cũng đã tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, qua những vụ, việc xảy ra, qua làm việc với bị hại thì hầu hết đều chưa nắm được thông tin này.

Nâng cao ý thức cảnh giác, bảo mật thông tin cá nhân

Hiện nay, mạng xã hội (gồm: Zalo, Facebook, Instagram…) ở nước ta đang phát triển nhiều tiện ích hướng tới sự thuận tiện cho người dùng trong việc giao lưu, kết nối với cộng đồng. Tuy nhiên, cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ để các đối tượng lợi dụng, thực hiện hành vi phạm tội.

Thực tế cho thấy, chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, đã xảy ra khá nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại, mạng viễn thông với số tiền lớn, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Đã xảy ra nhiều vụ lừa đảo theo các hình thức, như: Chiếm tài khoản Facebook, Zalo rồi lừa nạp thẻ cào; làm quen qua Facebook để lừa chiếm đoạt tài sản; hoặc lập chương trình trúng thưởng, khuyến mại ảo, mạo danh nhà mạng… để chiếm đoạt tài sản. Trong số các vụ việc, người bị lừa ít thì vài triệu đồng, nhiều thì lên tới vài trăm triệu đồng.

Cơ quan công an đã tiếp nhận một số đơn trình báo của các nạn nhân bị lừa đảo, trong đó phổ biến là hành vi các đối tượng tự xưng là người nước ngoài kết bạn làm quen người Việt Nam qua Facebook, Skype… gửi quà tặng sau đó giả làm nhân viên sân bay, hải quan yêu cầu nộp tiền phí để nhận quà rồi chiếm đoạt. Hoặc các đối tượng lừa đảo sử dụng thủ đoạn gửi tin nhắn qua mạng xã hội Facebook và Zalo với nội dung thông báo trúng thưởng, kèm đường dẫn cho người dùng truy cập vào các website mạo danh các chương trình trao thưởng của các nhãn hiệu lớn trong và ngoài nước. Sau đó đề nghị nạn nhân chuyển tiền hoặc mua thẻ cào để nộp lệ phí nhận giải thưởng…

Thượng tá Ngô Ngọc Dưỡng- Phó Trưởng Công an TP. Bắc Kạn khuyến cáo: Người dân nên đề cao cảnh giác, nhất là đối với thủ đoạn đối tượng trộm tài khoản của người thân, bạn bè mạo danh để nhắn tin. Trước khi chuyển tiền, hãy xác định chính xác tài khoản mình chuyển tiền đến là của ai? Có thật hay không?... Các thông tin cá nhân, đặc biệt là tài khoản, mã OTP được coi như chìa khóa, không nên để lộ cho người khác. Cơ quan thực thi pháp luật khi làm việc đều có giấy mời và phối hợp với công an địa phương, không có chuyện công an ở tỉnh khác gọi điện thẳng cho đương sự, càng không có việc cơ quan công an yêu cầu đương sự tự chuyển tiền đến một tài khoản nào đó. Nếu gặp những trường hợp có biểu hiện lừa đảo như kể trên, người dân hãy trình báo với cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết.

Không thể phủ nhận những tiện ích của mạng xã hội mang lại cho con người. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đây cũng là “mảnh đất màu mỡ” của bọn tội phạm, trong đó có tội phạm lừa đảo qua mạng xã hội hoạt động. Vì thế, mỗi người dân phải thật sự cảnh giác. Không cung cấp bất cứ thông tin cá nhân hay số tài khoản ngân hàng cho người khác nếu thấy không rõ ràng hoặc chưa cần thiết. Không tự mình quyết định, hãy trao đổi với người thân về nội dung trước khi chuyển tiền khi được người khác yêu cầu. Tuyệt đối không giao tiền, chuyển tiền vào số tài khoản ngân hàng của người khác khi chưa biết rõ nội dung và người nhận tiền chuyển khoản; hãy thực hiện xác nhận bằng cách gọi điện hoặc hỏi trực tiếp trước khi chuyển tiền để chắc chắn về người nhận và số tài khoản của người nhận tiền.../.

H.V-N.A

Xem thêm