Được nhân dân tin tưởng, gửi gắm là hạnh phúc của bộ đội

Bộ Quốc phòng đã chủ động các phương án bảo đảm theo kế hoạch điều chỉnh, đáp ứng yêu cầu từng cấp độ diễn biến dịch trên các địa bàn. “Phục vụ dân là bổn phận của bộ đội. Được nhân dân tin tưởng, gửi gắm, bày tỏ tình cảm trân quý là hạnh phúc của cán bộ, chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch”, Thiếu tướng Lê Hồng Dũng,  Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) khẳng định.

Lữ đoàn Vận tải 972 (Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần) thực hiện nhiệm vụ vận chuyển vaccine ngừa COVID-19
Lữ đoàn Vận tải 972 (Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần) thực hiện nhiệm vụ vận chuyển vaccine ngừa COVID-19

Phòng, chống dịch COVID-19 được coi là nhiệm vụ chính trị của Quân đội. Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, nguy cơ bị lây nhiễm bệnh; là một trong những lực lượng nòng cốt, xung kích trên tuyến đầu, cùng các cấp, các ngành tích cực phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân. 

Thiếu tướng Lê Hồng Dũng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) cho biết để bảo đảm cho tuyến đầu chống dịch, công tác hậu cần đặt ra nhiều yêu cầu quan trọng, phải đáp ứng tất cả các mặt, các yêu cầu nhiệm vụ, như: Quân nhu, quân y, vận tải, doanh trại...

Trong bối cảnh TPHCM và các tỉnh phía nam thực hiện cách ly xã hội dài ngày theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các lực lượng bảo đảm hậu cần phải thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp là những thách thức lớn. Tuy nhiên, theo Thiếu tướng Lê Hồng Dũng, Bộ Quốc phòng đã chủ động các phương án bảo đảm theo kế hoạch điều chỉnh, đáp ứng yêu cầu từng cấp độ dịch diễn biến trên các địa bàn.

Để hỗ trợ TPHCM chống dịch, thời gian qua, Quân đội đã huy động hơn 2.300 cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên quân y, làm việc tại 7 bệnh viện dã chiến. Các cơ sở y tế này đã tiếp nhận khoảng 6.300 bệnh nhân, điều trị khỏi cho hơn 2.500 bệnh nhân.

Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Tổng cục Hậu cần, Quân khu 7 và Quân khu 9 thành lập 7 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn phía nam.

Thời gian qua, Bộ Quốc phòng cũng huy động trên 76.100 người là lực lượng thường trực và dân quân tự vệ tham gia chốt phòng, chống dịch, giúp dân thu hoạch nông sản. Lực lượng vận tải quân sự đã tổ chức 264 chuyến xe vận chuyển 610 tấn hàng thiết yếu, vật chất hậu cần cho phòng, chống dịch. Từ 9/7 đến 14/8, có 43 chuyến xe được sử dụng để vận chuyển hơn 8 triệu liều vaccine cho TPHCM. Tại TPHCM, lực lượng quân y tham gia chống dịch hiện có khoảng 2.300 người.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hậu cần đã chủ động các phương án, kế hoạch, chỉ đạo các Quân khu 5, 7, 9 và các đơn vị đóng quân trên địa bàn tăng cường phòng, chống dịch và tham gia giúp dân thu hoạch, vận chuyển, góp phần duy trì chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng nông sản...

Ngay trong tuần sau, khoảng 1.000 quân nhân sẽ vào TPHCM và các tỉnh phía nam chống dịch. Thiếu tướng Lê Hồng Dũng cho biết việc tổ chức phục vụ, bảo đảm hậu cần trong các khu cách ly, bệnh viện dã chiến đã được chỉ đạo, tổ chức thực hiện thống nhất.

Về công tác quân nhu, trong mọi tình huống, cấp độ dịch, đều phải có kế hoạch, phương án chủ động tạo nguồn lương thực, thực phẩm, bảo đảm tiêu chuẩn, chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, hợp vệ sinh.

Theo đó, việc tạo nguồn lương thực, thực phẩm được bảo đảm từ hai nguồn, do các đơn vị cung ứng từ tăng gia sản xuất và hợp đồng với nhà cung cấp có đủ điều kiện, tổ chức giao, nhận an toàn, chất lượng. Bên cạnh đó, việc bảo đảm trang bị, dụng cụ cấp dưỡng nhà ăn, nhà bếp, công tác bảo đảm quân, tư trang cho lực lượng trên tuyến đầu chống dịch được thực hiện kịp thời, chủ động, giúp cán bộ, chiến sĩ an tâm thực hiện nhiệm vụ với tinh thần “Vì nhân dân phục vụ”.

Tổng cục Hậu cần cũng đã chỉ đạo các chuyên ngành theo chức năng, nhiệm vụ, thường xuyên theo dõi, tham mưu, tổ chức bảo đảm hậu cần cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch.

Đặc biệt, Tổng cục Hậu cần còn chủ động chỉ đạo, phối hợp tổ chức bảo đảm hậu cần cho các lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát phòng, chống dịch trên tuyến biên giới.

“Phục vụ dân là bổn phận của bộ đội. Được nhân dân tin tưởng, gửi gắm, bày tỏ tình cảm trân quý là hạnh phúc của cán bộ, chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch”, Thiếu tướng Lê Hồng Dũng khẳng định. 

Theo baochinhphu.vn

Xem thêm