Những “kỹ sư” chân đất ở Văn Lang

Họ là những nông dân sinh ra và lớn lên nơi thôn quê, gắn bó với ruộng vườn nhưng được bà con gọi cái tên thân thương "kỹ sư” chân đất. Sự nhiệt huyết, đam mê nghiên cứu, tìm tòi áp dụng vào thực tiễn đã giúp họ “khởi nghiệp” thành công từ chính đồng đất quê hương.

Lãnh đạo xã Văn Lang thăm vườn cây dược liệu cà gai leo của HTX Văn lang HT
Ông Đàm Văn Huấn- Phó Chủ tịch UBND xã Văn Lang (giữa) thăm vườn cây dược liệu cà gai leo của HTX Văn lang HT.

 “Khởi nghiệp” từ cây dược liệu bản địa

Anh Hoàng Văn Luân, ở thôn Phiêng Bang, xã Văn Lang (huyện Na Rì) cho biết: Năm 2005-2006, tôi học xong Khoa Đông y ở Học viện Y dược học cổ truyền - Bệnh viện Tuệ Tĩnh, sau khi tốt nghiệp tôi về Bắc Kạn làm việc ở Hội Đông Y tỉnh. Trong thời gian làm việc, tôi nhận thấy nguyên liệu hầu hết nhập từ các tỉnh khác về. Tôi luôn đặt câu hỏi tại sao quê mình đất rộng mà không tự trồng cây dược liệu. Tôi quyết định về quê “khởi nghiệp” từ trồng cây dược liệu. Tôi tự nghiên cứu, tìm hiểu và tìm giống về trồng thử nghiệm ở mảnh vườn chuyên trồng rau của gia đình. Đầu tiên là cây giảo cổ lam. Bởi từ khi còn nhỏ, tôi đã nghe về công dụng của loại cây này. Tôi quyết định lên rừng tìm cây giống về ươm và trồng thử nghiệm. Dần dần tôi nhân rộng diện tích và tiếp tục trồng các loại cây dược liệu khác như: Cà gai leo, hà thủ ô, khôi nhung, xạ đen…

Bắt đầu từ vài trăm mét vuông trồng cây dược liệu thử nghiệm, anh Luân mở rộng diện tích trên đất ruộng và đồi nương. Do thôn Phiêng Bang nằm dưới chân núi đá Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, đất ẩm, màu mỡ rất phù hợp trồng cây dược liệu. Nắm được nhu cầu thị trường về cây dược liệu lớn nên anh đã vận động một số thanh niên trong xã cùng làm. Năm 2014, anh thành lập hợp HTX dược liệu Bảo Châu, với 7 thành viên. Đồng thời, tích cực liên kết với hộ dân có đất phù hợp phát triển trồng cây dược liệu ở các địa phương khác như: Thuần Mang, Đức Vân (Ngân Sơn), Hà Hiệu (Ba Bể)... Đến nay, HTX đã xây dựng được 7 tổ hợp tác trực thuộc, gần 100 hộ liên kết trồng dược liệu, vùng nguyên liệu hiện có cung cấp cho hợp tác xã trên 20ha, mỗi năm thu hơn 900 tấn nguyên liệu thô.

Ở xã Văn Lang còn có HTX Văn Lang HT, cũng là HTX được đi lên từ nhóm những nông dân ở thôn Nà Diệc, đã và đang thành công từ việc trồng, chiết xuất sản phẩm từ cây dược liệu quý. Anh Phan Văn Hữu- Giám đốc HTX Văn Lang HT cho hay: Nhận thấy đất đai, khí hậu phù hợp với trồng cây dược liệu. Ban đầu chúng tôi trồng thử nghiệm 2ha, đến nay HTX đã nhân rộng lên 20ha diện tích trồng cây dược liệu các loại như: Hà thủ ô, cà gai leo, tam thất, xạ đen, ba kích… Chúng tôi liên kết với trên 80 hộ dân trong, ngoài huyện, hằng năm, thu trên 400 tấn nguyên liệu dược liệu thô. Sản phẩm vừa xuất bán thô vừa chiết xuất thành cao. Hiện sản phẩm cao cà gai leo của HTX đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. HTX đang tiếp tục phát triển cả diện tích vùng trồng cây dược liệu và nâng cao chất lượng các sản phẩm.

 “Kỹ sư” chân đất

 Anh Luân- Giám đốc HTX dược liệu Bảo Châu chia sẻ: Với phương châm “không dừng lại ở vạch xuất phát”, tôi cùng Ban Quản trị HTX thống nhất nghiên cứu, học hỏi để chiết xuất thành cao và trà túi lọc. Để thực hiện quy trình sản xuất an toàn và đảm bảo chất lượng các sản phẩm dược liệu sau chiết xuất, tôi đã về Hà Nội gặp Phó Giáo sư Trần Văn Ơn, Trường Đại học Dược Hà Nội để học. Sau đó, chúng tôi xin hỗ trợ vốn từ chương trình nông thôn mới có sự đối ứng của HTX để đầu tư mở rộng nhà xưởng, máy móc. Hiện tại, HTX có 01 máy làm trà túi lọc công suất 200 túi/phút, 02 nồi chiết xuất cao cà gai 600 lít, 01 lò sấy công suất 01 tấn/mẻ, máy hút chân không và trang thiết bị đóng gói, đóng lọ. Năm 2021, HTX cung cấp 100 tấn dược liệu thô cho các nhà máy trong nước. Từ năm 2018 đến nay, HTX giữ vững sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. 

Anh Luân đóng hộp cao cà gai để tham gia sự kiện xúc tiến tiêu thụ bí xanh thơm và sản phẩm OCOP tại Ba Bể
Anh Luân chuẩn bị các sản phẩm đã đạt OCOP để tham gia sự kiện xúc tiến tiêu thụ bí xanh thơm và sản phẩm OCOP tại Ba Bể.

“Gần chục năm nghiên cứu, tìm hiểu, trồng, phát triển cây dược liệu, bản thân tôi và các thành viên đã rút ra được nhiều kinh nghiệm từ khâu trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến cách chiết xuất thành cao, trà túi lọc. HTX sẽ tiếp tục mở rộng diện tích, xây dựng thương hiệu sản phẩm, ngày càng nâng cao về chất lượng và khâu tiếp thị trên môi trường mạng như: Website, facebook, zalo... để mở rộng khách hàng hợp tác lâu dài. “Cứ làm, cứ học, kinh nghiệm dần. Cây dược liệu cũng vậy, mỗi cây có cách chăm sóc phù hợp riêng, phải có sự đầu tư, dành thời gian tìm hiểu sự sinh trưởng phát triển của từng loài. Đam mê mới trở thành hiện thực”, anh Luân chia sẻ.

Đánh giá về các HTX trồng, sản xuất dược liệu ở địa phương, ông Mã Ngọc Quốc- Chủ tịch UBND xã Văn Lang cho biết: “Họ đã biết tận dụng lợi thế đất đai, khí hậu địa phương để chuyển đổi cây trồng phù hợp mang lại giá trị kinh tế. Phần lớn tuổi đời còn khá trẻ, năng động tiếp cận khoa học kỹ thuật tiên tiến, có niềm đam mê nghiên cứu. Những bạn trẻ này đã mang đến cách nhìn mới cho các HTX trên địa bàn cũng như người dân địa phương ý chí làm giàu từ chính đồng đất quê hương… Đảng ủy, chính quyền xã tiếp tục cùng đồng hành với các HTX, bà con nông dân, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ, tạo điều kiện để bà con phát triển đi lên.../.

Tùng Vân

Xem thêm