Làm giàu trên đất rừng ở thị trấn Yến Lạc

Với hàng chục héc-ta đất rừng, ông Triệu Hữu Tài, thôn Khuổi Nằn I, thị trấn Yến Lạc (Na Rì) đã, đang cải tạo thành công đất đồi rừng trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả.

Ông Tài thường xuyên có mặt để chăm sóc vườn cây ăn quả cam đường canh của gia đình và trồng mở rộng thêm diện tích
Ông Tài thường xuyên chăm sóc vườn cam Đường Canh và mở rộng thêm diện tích.

Chúng tôi biết mô hình vườn rừng của ông Triệu Tiến Tài qua giới thiệu của Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục dạy nghề huyện Na Rì. Ông Tài từng là học viên tham gia những lớp dạy nghề do Trung tâm truyền dạy và một trong số học viên sau khi học nghề về áp dụng hiệu quả tại gia đình.

Để tìm hiểu thực tế, chúng tôi được ông Tài và cán bộ Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục dạy nghề đưa đi tham quan thực tế tại khu rừng trồng và vườn cây ăn quả cách trung tâm thị trấn không xa (khoảng 5km). Từ khu Phố Cổ (thị trấn Yến Lạc) theo con đường vào hang Tiên khoảng 2km, rẽ phải là đường vào khu đất rừng của ông Tài. Tuyến đường này được thông sang thôn Bản Sảng, xã Văn Lang, một phần đã được bê tông, còn khoảng 5km nữa là có đường bê tông tới thôn Bản Sảng. Chúng tôi như lạc vào một khu rừng nguyên sinh, những hàng cây mỡ được gia đình ông Tài trồng, chăm sóc, bảo vệ hơn chục năm qua.

 Một góc vườn mỡ hàng chục năm tuổi của gia đình
 Một góc rừng mỡ chục năm tuổi của gia đình ông Tài.

Chỉ tay về phía đồi mỡ, ông Tài cười bảo: Tổng diện tích ước khoảng 14ha, đây là đất ông bà để lại. Cách đây khoảng mười mấy năm về trước phần lớn nơi đây là cây dại, cỏ dại, rậm rạp, sau đó, tôi nhận thức được trồng rừng là phải hàng chục năm, do đó tôi bắt đầu cùng gia đình phát và trồng dần. Lúc đầu, khi thấy tôi vào phát cỏ lau, cỏ dại để trồng rừng nhiều người cho rằng toàn lau lách, cỏ dại thì trồng được cây gì? Thế nhưng tôi vẫn rất tự tin. Đến bây giờ tôi đã có hơn 4ha rừng mỡ, một số trồng mười mấy năm, cây to đường kính tới 60-70cm, chưa khai thác tỉa lần nào vì gia đình chưa có nhu cầu khai thác. Bên cạnh đó, có nhiều cây lim mọc tự nhiên được gia đình chăm sóc, bảo vệ và khoảng 300 cây lát trồng đã nhiều năm.

Theo giá trị kinh tế, đối với cây mỡ có đường kính lớn như hiện nay có giá 1,2 triệu đồng/khối trở lên, tính sơ bộ trong rừng có khoảng 5.000 cây; cây lát tuổi đời khoảng 15-20 năm có cây lớn nhanh sẽ được 01 khối, giá trị kinh tế trên 3 triệu đồng/cây. Ngoài ra còn vài chục cây lim tự nhiên được khoanh nuôi, bảo vệ và mấy trăm cây quế từ mới trồng đến 6-7 năm tuổi và hơn 1ha cam Đường Canh đã cho thu hoạch 3 năm... Ông Tài cười và bảo: Tính sơ sơ tổng thể cũng có tiền tỷ.

Nhà không có nhiều lao động, khi cây ăn quả chưa được giá, ông Tài chủ yếu tập trung trồng rừng. Năm 2014, ông bắt đầu trồng cam Đường Canh. Vườn cây ăn quả được trồng men theo con suối dưới chân thác nước nên đất ẩm và màu mỡ, cây phát triển rất tốt, nguồn nước thuận lợi. Ông Tài bảo: Có được vườn cây ăn quả và những vạt rừng cây lâm nghiệp như hôm nay cũng vất vả lắm. Dù cách nhà không xa nhưng tôi phải thường xuyên mang cơm nắm vào rừng, nghỉ trưa dưới gốc cây để vừa trồng mở rộng diện tích, vừa chăm sóc, bảo vệ; thường xuyên nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm bạn bè và tham gia lớp dạy nghề trồng và bảo vệ thực vật. Vụ cam Đường Canh năm ngoái, tôi thu về hơn 100 triệu đồng.

Nhờ cần cù, chịu khó, giờ đây ông Tài đã vươn lên thành tỷ phú trên đất rừng. Không dừng lại ở trồng rừng, trồng cây ăn quả, ông còn có ý định xây dựng khu đất vườn, rừng của gia đình thành một điểm du lịch sinh thái, bởi ngay giữa vườn rừng có thác nước đẹp, khí hậu trong lành. Vì thế, ông vừa đầu tư thuê máy san ủi mở đường vào đến thác nước. Khách có thể đến hang Tiên vãn cảnh rồi rẽ vào tham quan thác./.

Tùng Vân

Xem thêm