Trăn trở Áng Hin

Cách trung tâm xã khoảng 9km, thôn Áng Hin, xã Côn Minh (Na Rì) có 32 hộ dân, trong đó có 21 hộ nghèo. Lãnh đạo thôn cho biết, việc giảm nghèo đối với bà con nơi đây còn nhiều khó khăn.

Một góc trung tâm thôn Áng Hin
Một góc trung tâm thôn Áng Hin.

Ông Trần Văn Hòa- Bí thư Chi bộ thôn Áng Hin cho biết: Thôn có 32 hộ dân, 100% là đồng bào dân tộc Dao, mấy năm trước năm nào trong thôn cũng có nhiều hộ phải hỗ trợ cứu đói lúc giáp hạt. Những năm gần đây, con em trong thôn mạnh dạn đi làm công nhân ở các công ty hoặc tìm kiếm việc làm thuê nên cuộc sống gia đình cũng bớt khó khăn, không còn hộ đói, thiếu lương thực như trước. Mặc dù vậy, do là thôn trong vùng bảo tồn, đất canh tác hạn chế, nên để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững là vấn đề nan giải.

Chè tuyết shan tự nhiên là một phần thu nhập chính của bà con Áng Hin 
Mặc dù diện tích không nhiều nhưng chè Shan tuyết vẫn là một phần thu nhập chính của bà con Áng Hin.

Cả thôn Áng Hin chỉ có khoảng 2ha đất ruộng cấy được hai vụ lúa, do bà con mua với các thôn khác. Trong thôn có hơn 1ha đất ruộng nhưng chỉ cấy được một vụ và chủ yếu phụ thuộc nguồn nước mưa; địa hình thôn cao, khí hậu lạnh nên cây lúa kém năng suất. Đất đồi có nhưng vì nằm trong khu bảo tồn nên người dân không được phát nương, trồng rừng. Thu nhập của hơn 30 hộ dân ở đây chủ yếu là chăn nuôi gia súc, chăm sóc cây trúc, cây chè tuyết, kiếm việc làm thuê, làm công nhân ở các công ty... Mấy năm trước, nhiều hộ phát triển đàn bò, nhưng năm 2021, xuất hiện bệnh viêm da nổi cục, nhiều hộ lo lắng nên bán đi nhiều, nay cả thôn chỉ còn vài chục con bò. Chăn nuôi gia súc khó mở rộng vì không có bãi chăn thả và đất để trồng cỏ...

Tiềm năng, lợi thế của thôn để phát triển kinh tế chỉ có cây trúc, chè Shan tuyết, chăn nuôi gia súc và tận dụng đất nương ót trồng ngô, đỗ, gừng… Hiện nay thôn có khoảng 3ha cây trúc sào, trúc cần câu; gần chục héc-ta rừng mỡ được trồng từ năm 2001. Đường giao thông mặc dù đã được bê tông gần đến thôn, nhưng nhiều đoạn dốc đứng, cua tay áo nên tư thương ngại đến thu mua hàng nông sản, bà con tự mang xuống đường lớn thì xa. Hàng chục héc-ta rừng bà con trồng từ năm 2000 - 2001, tuy nhiên năm 2004, sau khi quy hoạch vào rừng bảo tồn thì không được phép khai thác. Thôn hiện có khoảng 3ha chè Shan tuyết tự nhiên hàng trăm năm tuổi, có cây cổ thụ đường kính 25-30cm, được bà con chăm sóc, bảo vệ, thu hái quanh năm. Sản phẩm chè tuyết khô được bán với giá 200.000 đồng/kg nhưng còn manh mún, chưa thành hàng hóa... Làm thế nào để thoát nghèo và giảm nghèo bền vững vẫn đang là câu hỏi khó- ông Trần Văn Hòa- Bí thư Chi bộ thôn trăn trở.

Đồng chí Nông Thị Sen- Chủ tịch UBND xã Côn Minh cho biết: Áng Hin là một trong 6 thôn vùng cao đặc biệt khó khăn của xã Côn Minh. Để giúp thôn bớt khó khăn trong việc đi lại và phát triển kinh tế, giao thương, từ năm 2017 - 2021, bằng nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Áng Hin đã được đầu tư hơn 7 tỷ đồng để đổ bê tông tuyến đường vào thôn, hiện chỉ còn khoảng hơn 1km chưa được bê tông. Tiếp đó, năm 2019 thôn được Tạp trí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo phối hợp với Tập đoàn Trường Tiền HOLDINGS hỗ trợ 300 triệu đồng xây dựng điểm trường với 02 phòng học cho lớp mầm non và tiểu học, thay thế cho ngôi trường tạm đã xuống cấp. Tuy nhiên, là thôn trong vùng rừng bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ nên thôn khó phát triển kinh tế dựa vào đất rừng. Nguồn kinh phí từ gói hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững nhưng thực hiện theo danh mục của dự án là hỗ trợ chăn nuôi lợn, máy móc sản xuất nông nghiệp… bà con khó triển khai. Vì chăn nuôi lợn theo dự án này phải từ 10 con trở lên và phải có chuồng trại; hỗ trợ máy móc sản xuất nông nghiệp cũng không phù hợp vì là thôn trong vùng bảo tồn. Địa phương đang có kế hoạch hỗ trợ bà con xây dựng sản phẩm OCOP chè Shan tuyết nhưng cũng đang lo ngại sản phẩm manh mún vì khó mở rộng diện tích…

Trao đổi về những giải pháp để giảm nghèo cho thôn Áng Hin, đồng chí Nông Văn Nguyên- Chủ tịch UBND huyện Na Rì cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 16/12/2021 của Tỉnh ủy Bắc Kạn về lãnh đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, UBND huyện lập kế hoạch lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia với các nguồn vốn khác trên địa bàn huyện; kịp thời triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp; hướng dẫn người dân lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào áp dụng. Huyện cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác dạy nghề, tư vấn, tạo việc làm, xuất khẩu lao động phù hợp với điều kiện thực tế địa phương và hộ gia đình; hỗ trợ thực hiện quảng bá giới thiệu sản phẩm hàng hóa để tăng thu nhập cho người dân./.

Tùng Vân

Xem thêm