Khi người dân cùng bảo vệ màu xanh của rừng

Xã Cao Sơn (Bạch Thông) có diện tích tự nhiên hơn 6.000ha, trong đó phần lớn nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ. Để giữ màu xanh cho những cánh rừng, cùng với vai trò nòng cốt của lực lượng kiểm lâm thì các tổ giao khoán, bảo vệ rừng cũng góp phần quan trọng.

Địa hình núi đá hiểm trở khiến cho việc tuần tra rừng của lực lượng chức năng và các Tổ tuần tra bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn.
Địa hình núi đá hiểm trở khiến cho việc tuần tra rừng của lực lượng chức năng và các tổ tuần tra bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn.

Gần 7h sáng, trời mịt mù sương, thời tiết khá lạnh nhưng Tổ tuần tra bảo vệ rừng số 3, thôn Thôm Khoan do anh Hoàng Văn Quân làm tổ trưởng đã lên đường. Theo sự phân công, cứ mỗi tháng đôi lần, anh Quân cùng gần chục thành viên trong tổ lại đi tuần rừng. Hành trang các anh mang theo là dao phát dọn, áo mưa phòng khi thời tiết chuyển xấu, chút lương khô, nước uống và quan trọng hơn cả là trách nhiệm và tình yêu đối với rừng xanh. Buổi đêm trời có mưa, lại thêm địa hình núi đá, trơn trượt nên các thành viên trong tổ luôn cẩn trọng, tuy nhiên việc trượt ngã chảy máu, chấn thương là điều khó tránh khỏi. Hơn 10 năm gắn bó với công tác bảo vệ rừng, anh Quân không nhớ mình và thành viên trong tổ đã in biết bao dấu chân nơi rừng già. Khu rừng tổ 3 phụ trách rộng khoảng 100ha, chủ yếu là rừng già với nhiều loại gỗ quý hiếm. Với địa hình hiểm trở để đi tuần hết các khu vực được giao phải mất cả ngày, vất vả vô cùng. Do thời tiết chuyển xấu, hơn nữa không phát hiện những dấu hiệu bất thường nên tổ số 3 hôm nay quyết định về sớm. Nói là sớm nhưng ra khỏi bìa rừng cũng đã quá 12h trưa. Các thành viên trong tổ khá mệt nhưng trong lòng ai cũng thấy vui vì khu rừng do tổ phụ trách vẫn bình yên.

Thôn Thôm Khoan có hơn 50 hộ dân nhưng có đến gần 70 người tham gia vào 6 tổ tuần tra bảo vệ rừng. Như vậy, mỗi gia đình ở Thôm Khoan đều cử thành viên tham gia cùng lực lượng kiểm lâm để giữ rừng. Mỗi héc-ta nhận giao khoán nếu thực hiện tốt, các tổ sẽ nhận được 150.000 đồng/năm. Năm 2021, số tiền nhận giao khoán, bảo vệ rừng của thôn Thôm Khoan là hơn 75 triệu đồng (chưa kể kinh phí sẽ nhận được từ giao khoán, bảo vệ 100ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất), thôn trích lại một phần dùng cho hoạt động của cộng đồng, phần còn lại chi trả cho thành viên. Tuy số tiền hỗ trợ không nhiều nhưng đã động viên, hỗ trợ kịp thời giúp người dân có trách nhiệm hơn với công việc bảo vệ rừng.

Anh Hoàng Văn Tâm- Tổ trưởng Tổ tuần tra bảo vệ rừng số 4 chia sẻ: "Tháng nào vì lý do bất khả kháng không được đi tuần thấy nhớ và không yên tâm. Sinh ra, lớn lên và gắn bó với rừng nên hơn ai hết tôi rất yêu và muốn bảo vệ rừng. Cái cảm giác đi vào rừng sâu gặp những gốc cây cổ thụ vài người ôm không xuể, hay bất chợt gặp đàn khỉ, con gấu, sơn dương, hươu nhởn nhơ kiếm ăn mới thấy bình yên làm sao. Giữ rừng chính là giữ môi trường sinh sống của cộng đồng. Hơn nữa đối với người dân Cao Sơn về mùa khô nước sinh hoạt thường khan hiếm thì nhiệm vụ bảo vệ rừng, giữ mạch nước nguồn càng quan trọng".

Cán bộ Trạm Kiểm lâm Cao Sơn cùng người dân đi tuần tra rừng trong Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ.
Cán bộ Trạm Kiểm lâm Cao Sơn cùng người dân đi tuần tra rừng trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ.

Đồng chí Đặng Thị Hằng- Phó Chủ tịch UBND xã Cao Sơn cho biết: Nhiều năm trước, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn có thời điểm diễn biến phức tạp, ngay cả một số người dân địa phương cũng vi phạm. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng siết chặt quản lý và rừng được giao về cho cộng đồng quản lý, bảo vệ thì tình hình đã chuyển biến tích cực. Toàn xã có 35 tổ tuần tra bảo vệ rừng với khoảng 400 người dân tham gia.

Đồng chí Nguyễn Minh Tuấn- Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Cao Sơn (Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ) cho biết: "Cao Sơn là địa phương có địa hình rộng và phức tạp, gần một nửa diện tích có rừng đặc dụng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, gần một nửa còn lại là đất rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Lực lượng Kiểm lâm mỏng (chỉ có 03 cán bộ) nếu không có sự tham gia hỗ trợ của người dân địa phương thì rừng dễ bị xâm hại. Trong 05 vụ phát hiện vi phạm lâm luật thuộc địa bàn quản lý của Trạm Kiểm lâm Cao Sơn từ năm 2021 đến nay, có đến 03 vụ do người dân phát hiện báo cáo với lực lượng chức năng. Trong cuộc chiến giữ rừng, chúng tôi rất cần sự giúp sức của cộng đồng"./.

Xuân Nghiệp

Xem thêm