Phát triển bền vững vùng quýt Bạch Thông

Bài 1: Quýt Quang Thuận - những giá trị riêng

Quýt Quang Thuận là cây có múi đặc sản của huyện Bạch Thông, đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp của một số địa phương. Tuy nhiên, hiện nay vùng trồng quýt Quang Thuận đang đứng trước nguy cơ mai một, đòi hỏi sớm có giải pháp phát triển bền vững.

Từ gốc quýt "thủy tổ"

Ông Nguyễn Văn Mạch, thôn Nà Thoi, xã Quang Thuận chia sẻ về nguồn gốc quýt Quang Thuận ngày nay.
Ông Nguyễn Văn Mạch, thôn Nà Thoi, xã Quang Thuận chia sẻ về nguồn gốc quýt Quang Thuận ngày nay.

Năm nay 83 tuổi, ông Nguyễn Văn Mạch, thôn Nà Thoi, xã Quang Thuận có quá nửa đời người gắn bó mật thiết với cây quýt, từ lúc cả xã có lác đác vài cây tại Nà Thoi, Boóc Khún, rồi phát triển ra tất cả các thôn và cho đến tận hôm nay khi quýt Quang Thuận đã trở thành thương hiệu có tiếng. Ông Mạch kể lại: "Những năm 60 thế kỷ trước, trong những buổi đi chăn trâu ở khu vực đồi Nà Thẳm khát nước tôi thường vít lấy những quả quýt vàng bóng trên một thân cây đã dần mục gốc. Thấy quýt có mùi thơm nồng, quả mọng nước và có vị đậm đà, tôi và một số bà con hỏi xin ông cụ Lưu Đình Vành (khi ấy cụ Vành đã hơn 80 tuổi) chiết cành về trồng. Hỏi về nguồn gốc cây quýt này, cụ Vành bảo khi gia đình di cư từ Tuyên Quang về đất Quang Thuận sinh sống có mang theo vài cây quýt sang trồng nhưng chỉ còn lại 01 cây. Từ cây quýt "thủy tổ" ấy, người dân trong xã ươm hạt, chiết cành rồi nhân rộng, nhưng chủ yếu dùng để ăn. Đến khoảng năm 2000, Quang Thuận có 8ha quýt, đây cũng là thời điểm quýt Quang Thuận dần trở thành hàng hóa. Những rọ cam, quýt được người dân Quang Thuận gồng gánh ra chợ Bắc Kạn dịp cuối năm dần trở nên thân thuộc với nhiều người. Khi dựng vợ, gả chồng cho 5 người con, tôi đều chia cho những gốc quýt làm vốn gây dựng cuộc sống".

Nếu như cụ Lưu Đình Vành được biết đến là người có công đưa cây quýt về Quang Thuận thì Tiến sĩ Hoàng Ngọc Đường, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh lại góp nhiều công sức xây dựng Chỉ dẫn địa lý cho quýt Bắc Kạn (quýt Quang Thuận) và đưa loại quýt này trở thành hàng hóa có giá trị kinh tế. Ngày 15/11/1998, ông Hoàng Ngọc Đường rời Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên (thuộc Đại học Thái Nguyên) về quê nhận công tác mới. Ngay hôm sau, ông đã tìm đến vùng quýt Quang Thuận, bởi trước đó ông đã rất ấn tượng với những rọ cam, quýt của Quang Thuận được bán mỗi dịp cận Tết. Là Tiến sĩ Nông học, nhận thấy giá trị, tiềm năng phát triển thành hàng hóa của quýt Quang Thuận, thời điểm là lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, sau đó là lãnh đạo UBND tỉnh, ông Đường đã dành nhiều tâm sức cho loại cây trồng có múi này. Đề tài nghiên cứu khoa học đầu tiên của Tiến sĩ Hoàng Ngọc Đường thời kỳ công tác tại Bắc Kạn là về quýt Quang Thuận.

Giai đoạn 2011 - 2016 được coi là thời kỳ hoàng kim của quýt Quang Thuận với diện tích được mở rộng không riêng ở Bạch Thông mà còn ở nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Đến nay diện tích trồng quýt Quang Thuận của tỉnh lên đến 3.000ha, riêng ở Bạch Thông là 1.400ha. Quýt có hình tròn dẹt, vỏ nhẵn, khi chín có màu vàng tươi, dễ bóc tách, múi to đều mọng nước, tép màu vàng rơm, không nát, có vị chua dịu, mùi thơm đặc trưng.

Tiến sĩ Lê Xuân Vị, chuyên gia của Viện Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khẳng định: "Mùi thơm đặc trưng do hàm lượng tinh dầu cao, vị chua dịu là những nét riêng biệt tạo nên thương hiệu cho quýt Bắc Kạn. Phần lớn diện tích quýt ở Bắc Kạn có rừng bao quanh, lượng nước mạch dồi dào cung cấp cho cây quýt phát triển xanh tốt. Nếu được chăm sóc đúng quy trình, thu hoạch đúng thời điểm thì chất lượng quả quýt rất thơm ngon. Đây là vùng quýt có nguồn gen quý cần được giữ gìn và phát triển bền vững".

Đến vùng quýt nghìn héc ta

Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, trong khi nhiều hộ dân vẫn lạch cạch chiếc xe đạp thì nhà anh Lưu Đình Sáu (hiện là công chức văn hóa xã Quang Thuận) đã có xe máy đi khắp bản trên, ngõ dưới, tất cả cũng nhờ cây quýt. Bố anh Sáu là cán bộ của Ty Lương thực Bắc Thái nên thức thời nhận ra giá trị kinh tế của cây quýt. Toàn bộ vườn đồi của gia đình anh những năm ấy được phủ kín những gốc quýt có mùi thơm nồng, vị chua dịu. Đến nay, anh Sáu vẫn duy trì vườn quýt của gia đình và là nguồn thu nhập khá ổn định.

Vườn quýt mang lại cuộc sống khá gia cho gia đình chị Lý Thị Đôi, thôn Nà Thoi, xã Quang Thuận.
Vườn quýt mang lại cuộc sống khá gia cho gia đình chị Lý Thị Đôi, thôn Nà Thoi, xã Quang Thuận.

Xây nhà tầng, mua ô tô và nhiều tiện nghi sang trọng khác của gia đình chị Lý Thị Đôi, thôn Nà Thoi, xã Quang Thuận cũng từ quýt mà ra. Từ hơn 10 năm nay, 6ha quýt của chị vẫn đều đặn cho thu hoạch. Năm được mùa, được giá, chị thu gần 1 tỷ đồng. Chị Đôi cười bảo: "Ở thôn này và cả xã Quang Thuận nhiều nhà khấm khá cũng đều nhờ vào cây quýt. Nó là kế sinh nhai, là ngọn nguồn mang lại ấm no, hạnh phúc cho biết bao gia đình".

Phó Chủ tịch UBND xã Quang Thuận Lộc Văn Nhất nhẩm tính: "Hiện cả xã có đến chục hộ mua được ô tô riêng, nhiều nhà có tiền gửi ngân hàng nhờ chuyên canh cây quýt. Mỗi năm thu nhập từ sản xuất nông nghiệp của Quang Thuận từ 70 - 80 tỷ đồng, thì cây quýt đóng góp gần một nửa. Quang Thuận xây dựng thành công nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao cũng nhờ một phần vào trồng quýt".

Tại các xã Dương Phong, Đôn Phong không khó gặp được những chủ vườn quýt có nhà lầu, xe hơi. Cây quýt đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo và làm giàu của các địa phương nói trên.

Theo các bậc cao niên ở Bạch Thông, quýt Quang Thuận không phải là cây nội sinh nhưng đã gắn bó với người dân địa phương cả đời người, mang lại những dư vị ngọt ngào và đổi thay cho nhiều thôn quê. Giữa rất nhiều loại cam, quýt khác hiện có trên thị trường, quýt Quang Thuận vẫn giữ nét riêng về mùi vị, hương sắc và cả nét văn hóa của người trồng quýt đã gắn bó bao năm qua. (còn nữa)

Xuân Nghiệp

Xem thêm