Tiếp thêm động lực cho Lũng Noong đi lên

Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi có dịp về Lũng Noong, một trong những thôn vùng cao khó khăn nhất của xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn. Đồng bào Mông nơi đây đang từng ngày vượt khó, nỗ lực phát triển sản xuất nông nghiệp để hướng tới cuộc sống no ấm hơn...

Tiếp thêm động lực cho Lũng Noong đi lên ảnh 1
Anh Lù Seo Cù có 4 con bò, đây là nguồn tài sản lớn nhất để gia đình có thể thoát nghèo trong nay mai.

Hồi sinh trên mảnh đất tái định cư

Từ trung tâm xã Nam Cường vượt hơn 10 cây số, chúng tôi tới đất Lũng Noong trong một ngày nắng gắt. Nhìn từ xa, ruộng nương và nhà ở của thôn nằm trong lòng chảo bao quanh là đồi núi. Thôn có 50 hộ, đa phần từ các xã Lương Bằng, Nghĩa Tá, Bình Trung về đây tái định cư từ những năm 2001, 2002 theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Thấm thoắt đã gần 20 năm trôi qua, mảnh đất nơi đây từ chỗ hoang vu, rậm rạp, đời sống đồng bào lạc hậu, khó khăn thì nay đang dần có những chuyển mình tích cực. Có điện lưới, có công trình trường học, nước sinh hoạt, nhà văn hóa thôn kiên cố. Người dân nơi đây cũng dần thay đổi tập quán canh tác. Với hiện trạng đất sản xuất ít, bà con đã  biết chuyển đổi, lựa chọn cây trồng phù hợp. Mỗi năm, người dân chỉ làm một vụ chính (vụ mùa), còn các vụ khác do thiếu nước tưới tiêu nên chuyển đổi trồng ngô, lạc.

Chúng tôi đến đúng lúc bà con vào vụ thu hoạch lạc. Dưới cái nắng chói trang của ngày hè, từng tốp phụ nữ vẫn giúp nhau nhổ lạc gần tới trưa. Chị Sùng Thị Sơ cho biết: "Ở đây ngoài cây lúa, cây ngô thì chỉ trồng lạc là nhanh cho thu hoạch. Gia đình tôi trồng được khoảng 1.000m2, sau 3 tháng là được thu hoạch. Cây lạc rất hợp đồng đất ở đây nên cho năng suất khá. Mỗi vụ lạc, gia đình bán đi đủ tiền đong gạo và mua thực phẩm".

Tiếp thêm động lực cho Lũng Noong đi lên ảnh 2
Bà con Lũng Noong giúp nhau thu hoạch lạc.

Ngoài trồng trọt, người dân Lũng Noong lựa chọn chăn nuôi gia súc là hướng đi chính để phát triển kinh tế. Tổng đàn trâu, bò của toàn thôn hiện có gần 100 con. Có được số lượng như vậy là nhờ các chương trình hỗ trợ chăn nuôi trâu, bò sinh sản của Nhà nước và từ các nguồn vốn vay ưu đãi.

Anh Lù Seo Cù, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn cho biết: Năm 2018, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ mua 1 con bò mẹ trị giá hơn 15 triệu đồng. Sau mấy năm chăm sóc, bò đẻ được 4 con, tôi đã bán đi một con để có tiền trang trải cuộc sống”. Anh Lù Seo Cù cho biết thêm: Trâu, bò với người dân là tài sản lớn nên ở đây ít có chuyện chăn thả rông làm ảnh hưởng đến mùa màng. Hầu hết bà con đã biết trồng cỏ voi, hết thời vụ thì có người chăn dắt hoặc nuôi nhốt. Còn chuyện học hành cũng được cải thiện, thôn đã có phân trường mầm non, tiểu học nên các em nhỏ đến tuổi đều có thể tới trường, tới lớp. Một số em còn được bố mẹ tạo điều kiện cho đi học cấp 2, cấp 3. Trước đây ở thôn chuyện tảo hôn xảy ra phổ biến, nay nhờ được các hội, đoàn thể thường xuyên tuyên tuyền, nhắc nhở nên đã hạn chế rất nhiều...

Khắc phục khó khăn để vươn lên

Là thôn đặc biệt khó khăn, nhiều năm qua Lũng Noong luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, đưa vào nhiều chính sách, dự án phát triển sản xuất, giảm nghèo nhằm giúp đỡ người dân ổn định sinh kế, hạn chế tác động đến rừng, cụ thể như: Dự án chăn nuôi trâu, bò cái sinh sản và trồng cỏ voi, mô hình trồng lạc. Đặc biệt, mới đây Hạt Kiểm lâm huyện Chợ Đồn đưa vào thôn mô hình trồng cây dẻ ván và mận sớm, diện tích 3,9ha cho 24 hộ thực hiện. Bà con còn được tổ chức đi tham quan, học tập kỹ thuật trồng cây dẻ ván.

Mặc dù đã được các cấp, ngành quan tâm, nhưng do xuất phát điểm thấp, mức sống người dân Lũng Noong vẫn còn nhiều hạn chế, toàn thôn chưa có hộ nào thoát được nghèo, vẫn còn nhà tạm. Đường giao thông từ trung tâm xã đến thôn còn khoảng 3 cây số là đường đất, nhiều đá hộc, đi lại khó khăn. Bà con chỉ mong Nhà nước sớm làm đường để đi lại, mua bán hàng hóa thuận lợi hơn nữa. Khó nữa là đất sản xuất ít, chỉ canh tác được một vụ vì thiếu nước, nhiều hộ không có đất trồng lúa phải đổi ngô, bán lạc để mua thóc ăn. Trong thôn có 2 chiếc ao lớn, vào vụ mùa bà con phải sử dụng máy bơm để đưa nước từ ao vào ruộng thì mới đủ cho cày cấy.

Tiếp thêm động lực cho Lũng Noong đi lên ảnh 3
Vào vụ mùa, bà con ở Lũng Noong thường xuyên phải bơm nước từ ao vào ruộng để làm đất...

Đồng chí La Tiến Phóng- Chủ tịch UBND xã Nam Cường cho biết: “Lũng Noong là thôn tái định cư, 100% đồng bào Mông sinh sống. Do xuất phát điểm thấp nên nhiều năm qua, xã luôn ưu tiên các dự án, tạo điều kiện sinh kế để cho bà con nơi đây thay đổi cuộc sống. Tuy nhiên, do đặc thù xung quanh thôn chỉ là rừng phòng hộ, đất sản xuất ít, vào mùa khô lại thiếu nước, giao thông còn nhiều đoạn khó khăn, trình độ nhận thức bà con hạn chế... nên gây trở ngại không nhỏ đến tốc độ phát triển của thôn. Thời gian tới chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động để bà con nâng cao nhận thức, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi; động viên bà con tiếp tục chủ động vươn lên trong sản xuất, hạn chế việc trông chờ ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước”...

Với sự quyết tâm, nỗ lực vươn lên của người dân cùng với sự quan tâm thường xuyên của cấp ủy, chính quyền địa phương, tin rằng người dân Lũng Noong sẽ sớm thoát nghèo, ổn định cuộc sống./.

Thu Trang

Xem thêm