Chuyện những người làm sạch đường quê trong mùa dịch bệnh

Thu gom rác thải là nghề vốn vất vả, cực nhọc. Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp càng khiến cho công việc của công nhân vệ sinh môi trường thêm nguy cơ lây nhiễm. Nhưng với tinh thần, trách nhiệm của mình, Đội vệ sinh môi trường huyện Bạch Thông (trực thuộc Công ty cổ phần Chợ Bắc Kạn) vẫn từng ngày cần mẫn trên từng tuyến đường, khu phố thu gom rác thải, góp phần bảo vệ môi trường và phòng, chống dịch trên địa bàn.

Hơn 7h, trời tạnh mưa cũng là thời điểm Đội vệ sinh môi trường huyện Bạch Thông bắt đầu công việc thường nhật của mình. Theo nhiệm vụ được giao, nhóm của chị Lường Thị Hiển, Triệu Thị Mười và lái xe Nguyễn Anh Tuấn phụ trách thu gom rác thải dọc quốc lộ 3, đoạn qua các xã Cẩm Giàng, Quân Hà, Tân Tú, dài khoảng 10km. Mưa dứt, nắng lên thời tiết có chút oi nồng, mùi từ những bịch rác, thùng rác vì thế cũng khó chịu hơn. Tuy nhiên, những công nhân Đội vệ sinh môi trường huyện Bạch Thông chẳng mấy bận tâm vì đó là chuyện thường ngày.

Dù lo lắng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 trong quá trình thu gom rác, nhưng Đội việ sinh môi trường huyện Bạch Thông vẫn luôn cần mẫn với công việc.
Dù lo lắng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 trong quá trình thu gom rác, nhưng Đội vệ sinh môi trường huyện Bạch Thông vẫn luôn cần mẫn với công việc.

“Nếu mình cũng sợ, tránh mùi hôi thối thì không làm được nghề này anh ạ! Ngày đầu em đi làm cũng nôn ói mấy lần, nhưng dần dần rồi cũng quen. Ngày nào ốm hay có việc bận không đi làm được lại thấy nhớ công việc ấy chứ”- Chị Triệu Thị Mười chia sẻ.

Đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, nhà lại có con nhỏ, chị Mười nghỉ việc tại công ty dưới Thái Nguyên để về quê, xin vào làm tại Đội vệ sinh môi trường huyện. Công việc thu gom rác thải khá vất vả, cực nhọc, đôi khi tiềm ẩn những nguy cơ về dịch bệnh, thu nhập cũng không cao, nhưng bù lại, chị Mười được làm việc gần nhà, có nhiều thời gian chăm con cái và ruộng nương.

Thu gom rác trên đoạn đường qua xã Cẩm Giàng là vất vả nhất đối với các công nhân vệ sinh, vì nơi đây tập trung đông dân cư và có chợ phiên, lượng rác thải tương đối nhiều. Có những thùng rác to, phải hai người khênh đổ vào xe. Để kịp theo xe, chị Hiển và chị Mười cứ đổ rác xong vào thủng xe lại vội vàng chạy lên phía trước để gom, nhặt rác nhà tiếp theo. Đến trước những nhà có người đang thực hiện cách ly y tế, ánh mắt của chị Hiển, chị Mười đôi chút ngại ngần, đôi tay thu dọn của các chị cũng cẩn thận hơn, tránh chạm trực tiếp vào khẩu trang, găng tay, dụng cụ test nhanh bị vứt ngổn ngang.

Chị Lường Thị Hiển tâm sự: “Từ ngày dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nhất là khi có chủ trương cho những bệnh nhân triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng thực hiện cách ly, điều trị tại nhà thì công việc của những người làm nghề thu gom rác thải vất vả hơn và tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 cao hơn. Nhà nào có ý thức thì họ gom rác thải của người mắc bệnh để riêng vào túi nilon, nhưng có hộ thì vứt lẫn lộn rác thải y tế với rác thải thông thường, thậm chí là vứt vương vãi ra bên ngoài. Chúng tôi nhắc nhở còn bị nói lại, nhiều lúc thấy bực bội, tủi thân lắm. Để bảo vệ bản thân và gia đình, trước khi về nhà là chúng tôi thay quần áo, tắm rửa sạch sẽ, sát khuẩn".

"Suốt buổi đi làm, dù khát đến đâu cũng không dám uống nước, đôi khi mặt rất ngứa cũng không dám gãi, phần vì sợ bẩn, phần vì sợ lây nhiễm Covid-19. Mình tiêm vắc xin rồi thì không ngại lắm, chứ lây cho mấy đứa nhỏ ở nhà thì tội chúng. Lo lắng vậy thôi chứ chúng em ai cũng luôn nỗ lực hoàn thành công việc được giao, vì môi trường thôn quê, cũng góp phần phòng, chống dịch. Chỉ mong mọi người có ý thức tốt hơn trong phân loại rác, đặc biệt là rác thải của bệnh nhân F0"- Chị Triệu Thị Mười bày tỏ.

Xong việc ở Cẩm Giàng, đội thu gom lại qua Quân Hà, rồi đến Tân Tú. Nhiệt độ ngoài trời gần 30 độ c, mồ hôi lấm tấm trên mặt các công nhân. "Nhanh tay lên rồi về cho kịp em ơi!"- Chị Lường Thị Hiển giục các thành viên. Những đôi tay lại thoăn thoát quét dọn, khuân rác lên xe cho dù đã thấm mệt. Hơn 11h trưa, đội thu gom đưa rác về đến bãi xử lý.

Khi những công nhân thuộc Đội vệ sinh môi trường huyện Bạch Thông kết thúc buổi làm việc cũng là lúc những tuyến đường, khu dân cư tại nhiều xã trên địa bàn được sạch, đẹp. Công việc thầm lặng, đầy rủi ro, nguy hiểm của chị Hiển, chị Mười, anh Tuấn và rất nhiều công nhân vệ sinh môi trường khác rất đáng trân trọng, nhất là trong điều kiện dịch bệnh đang diễn biến phức tạp hiện nay./.

 Xuân Nghiệp

Xem thêm