Tăng cường xử lý các hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 02/7/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản, lâm sản trái phép gây hủy hoại môi trường trên địa bàn tỉnh, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức và người dân về chấp hành quy định của pháp luật trong khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản, lâm sản đã được nâng lên.

UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và các sở, ban, ngành từ tỉnh đến cơ sở đã có sự đồng thuận cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và sự quyết tâm trong tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị 08-CT/TU và đã mang lại hiệu quả rất thiết thực. Tình trạng khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản, lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh về cơ bản đã được ngăn chặn, đẩy lùi và từng bước đi vào ổn định, đã ngăn chặn được hoàn toàn tình trạng khai thác vàng sa khoáng. Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản có chuyển biến tích cực. Tính chất, mức độ và số vụ vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động khoáng sản giảm dần qua các năm.

Từ năm 2012 - 2017, tỉnh đã tổ chức 67 đợt kiểm tra/160 lượt đơn vị; xử lý vi phạm hành chính 26 lượt tổ chức, cá nhân với tổng số tiền 1,316 tỷ đồng. UBND tỉnh thu hồi 01 giấy phép khai thác vàng sa khoáng, 05 giấy phép khai thác cát sỏi, đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường, tước quyền sử dụng 03 giấy phép khai thác khoáng sản từ 3 - 6 tháng. Tổ chức kiểm tra, giải tỏa các điểm khai thác khoáng sản trái phép được 785 đợt; thu giữ, tiêu hủy hơn 80 máy móc, đầu nổ phục vụ hoạt động khai thác trái phép; xử phạt vi phạm hành chính 190 đối tượng; tổng số tiền thu xử phạt vi phạm hành chính và bán đấu giá tài sản thu giữ từ các đối tượng vi phạm gần 8 tỷ đồng.

Năm 2019, tỉnh tổ chức kiểm tra trên 100 lượt tại các mỏ đã được cấp phép và các khu vực chưa cấp phép, xử lý 17 trường hợp, với số tiền xử phạt 112,7 triệu đồng; tịch thu 125 tấn quặng không rõ nguồn gốc, bán đấu giá tang vật quặng chì kẽm, phương tiện, dụng cụ vi phạm nộp ngân sách nhà nước 240 triệu đồng. Từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020, tỉnh không tổ chức thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản. Công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác đã được cơ quan chức năng tiếp nhận và xử lý 06 vụ khai thác khoáng sản trái phép nhỏ lẻ, thu giữ hơn 31 tấn khoáng sản các loại.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình hình khai thác, vận chuyển và chế biến khoáng sản trái pháp luật có chiều hướng gia tăng và chưa được ngăn chặn, xử lý triệt để. Hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại một số khu vực thuộc các huyện Chợ Đồn, Ngân Sơn, Chợ Mới và Na Rì có diễn biến khá phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nguyên nhân là do cấp ủy, chính quyền một số địa phương, đơn vị chưa thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động khai thác, vận chuyển và chế biến khoáng sản trái pháp luật trên địa bàn. Công tác phối hợp giữa các đơn vị, địa phương chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ. Hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm chưa cao...

Thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 24/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hoạt động khai thác, vận chuyển và chế biến khoáng sản, lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, UBND các huyện, thành phố tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản, trong đó, đặc biệt lưu ý đối với những nơi có hoạt động khoáng sản hoặc nơi có nguy cơ xảy ra khai thác khoáng sản trái phép, để người dân được biết và tích cực phối hợp với chính quyền trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hoạt động khai thác, vận chuyển và chế biến khoáng sản trái phép.

Các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về lĩnh vực tài nguyên môi trường nói chung và lĩnh vực khoáng sản nói riêng. Thực hiện có hiệu quả Đề án Quản lý khoáng sản giai đoạn 2021 - 2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1261/QĐ-UBND ngày 19/7/2021, trong đó, thường xuyên hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh. Tăng cường kiểm tra việc sử dụng nguyên, nhiên vật liệu phục vụ khai thác mỏ, kiểm tra các chứng từ, biên bản nghiệm thu sản phẩm, sổ theo dõi ca hoạt động của mỏ, số lượng vật liệu nổ công nghiệp sử dụng, nhiên liệu, điện năng tiêu thụ trên cơ sở đó so sánh với định mức, các giai đoạn khác nhau để xác định sản lượng đã khai thác.

Làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn và điều tra, xử lý các loại tội phạm trong lĩnh vực khoáng sản theo quy định của pháp luật; kiểm tra hoạt động vận chuyển, lưu giữ, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong khai thác khoáng sản; kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động khoáng sản theo đúng quy định; kiểm tra tải trọng và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm vận chuyển khoáng sản quá tải trọng cho phép.../.

Q.Đ

Xem thêm