Xây dựng thương hiệu gạo Japonica Chợ Đồn

Với giá trị mang lại, giống gạo Nhật Japonica (J02) đã được huyện Chợ Đồn chỉ đạo và nhân rộng thành công trên toàn địa bàn. Đây là thương hiệu thứ hai trở thành sản phẩm hàng hóa đặc trưng cùng với gạo Bao thai của huyện.

ảnh: Khách hàng đang tìm hiểu sản phẩm gạo Japonica tại cửa hàng nông sản sạch Đông Xương, thành phố Bắc Kạn
 Khách hàng tìm hiểu sản phẩm gạo Japonica tại Cửa hàng Nông sản sạch Đông Xương, TP. Bắc Kạn

Lúa Japonica là giống chất lượng cao của Nhật, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung vào cơ cấu giống lúa quốc gia từ năm 2014. Theo đó, năm 2018 huyện Chợ Đồn đã trồng thử nghiệm 9ha và từ những năm tiếp theo nhân rộng trên địa bàn với diện tích lên đến hàng trăm héc-ta mỗi vụ.

Qua đánh giá của huyện, giống gạo Nhật có khả năng phát triển tốt, ít sâu bệnh hại, chịu rét, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, năng suất thực tế đạt 60 tạ/ha. So với các giống gạo khác, gạo Nhật có giá thành cao hơn. Khi nấu, cơm dẻo, ngon vì thế được nhiều người ưa chuộng. Xuất phát từ ưu điểm đó, năm 2021 huyện Chợ Đồn đã đưa các chính sách hỗ trợ vào xây dựng vùng sản xuất hàng hóa, hỗ trợ người dân giống, vật tư, khoa học kỹ thuật. Lấy HTX làm vai trò nòng cốt tham gia vào việc liên kết, kiểm soát chất lượng, thu mua.

Theo đó HTX Sơn Lâm (thị trấn Bằng Lũng) là đơn vị đã tham gia vào Dự án chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm và bước đầu thu được kết quả nhất định.

Vụ xuân năm 2021 - 2022, HTX Sơn Lâm đã liên kết trồng trên 45ha, tiêu thụ thóc cho bà con khoảng 50 tấn mỗi vụ. Quá trình từ khi cấy đến thu hoạch, thu mua đều được HTX kiểm soát, xử lý theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật từ phơi, xay xát, đóng gói bao bì, quy trình này giúp chất lượng gạo đạt được giá trị cao nhất, màu sáng bóng, mẩy, không bị vỡ vụn. Hiện HTX đóng gói 5kg/túi, giá bán lẻ là 100.000 đồng. Nhờ thực hiện tốt quy trình sản xuất, năm 2021, gạo Japonica của HTX đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Có mặt tại Cửa hàng Nông sản sạch Đông Xương (phường Phùng Chí Kiên, TP. Bắc Kạn), chị Nông Thị Phương Đông, chủ cửa hàng chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay, cửa hàng đã tiêu thụ được khoảng hơn 1 tấn gạo Nhật của HTX Sơn Lâm, nhiều khách hàng đánh giá rất cao chất lượng gạo, trong số đó đã có những khách hàng quay lại tìm mua".

Bà Nguyễn Thị Lan, đại diện HTX Sơn Lâm cho biết: “Thị trường tiêu thụ gạo Nhật chủ yếu trong tỉnh, thông qua các kênh bán hàng của cửa hàng OCOP, nông sản trên địa bàn. Tuy nhiên tốc độ tiêu thụ chậm, chúng tôi đã chào hàng, tiếp thị tại một số nơi ngoài tỉnh, nhưng bị cạnh tranh nhiều về giá so với các sản phẩm cùng chủng loại. Vì thế, chúng tôi đề nghị tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành chức năng trong việc tuyên truyền, quảng bá để sản phẩm gạo Japonica được nhiều người biết đến".

Theo đồng chí Lục Đình Hoa, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện: Với diện tích có như hiện tại, việc xây dựng thương hiệu Japonica là điều cần thiết, chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động HTX làm tốt việc liên kết, ứng dụng khoa học vào sản xuất, tích cực tham gia quảng bá sản phẩm để từng bước xây dựng thương hiệu vùng.

Thực tế gạo Japonica ngày càng khẳng định được hiệu quả và được nông dân lựa chọn để thay thế các giống lúa năng suất kém. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu vẫn chưa đủ mạnh để cạnh tranh trên thị trường. Do vậy, để mục tiêu xây dựng thương hiệu gạo Nhật Japonica, cùng với các chính sách hỗ trợ của địa phương, người nông dân trên địa bàn huyện Chợ Đồn cần thay đổi tư duy sản xuất, hợp tác chặt chẽ trong quy trình tổ chức sản xuất và bảo đảm thực hiện đồng bộ các tiêu chí chất lượng, kỹ thuật, tiêu chuẩn hàng hóa./.

Thu Trang

Xem thêm