Thế mạnh sản phẩm OCOP ở Pác Nặm

Thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, huyện Pác Nặm đang tập trung hỗ trợ các hợp tác xã (HTX) xây dựng sản phẩm theo chuỗi giá trị, bước đầu có một số sản phẩm được xếp hạng OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Gian hàng trưng bày sản phẩm của huyện Pác Nặm tại Ngày hội nông sản- OCOP tỉnh năm 2022
Gian hàng trưng bày sản phẩm của huyện Pác Nặm tại Ngày hội nông sản- OCOP tỉnh năm 2022.

Pác Nặm có một số sản phẩm nông nghiệp đặc trưng được sản xuất, chế biến thành hàng hóa như thịt trâu khô, thịt bò khô, măng khô, tép chua, bột nghệ, dong riềng, bí xanh thơm, mướp đắng rừng... Địa phương còn có tiềm năng về diện tích đất đồi rừng, đất canh tác, khí hậu và nguồn nước trong lành thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm OCOP của huyện còn ít, chưa mang tính cạnh tranh, do phương pháp tổ chức sản xuất của các HTX, tổ hợp tác và người dân còn hạn chế.

Qua đánh giá thực trạng và nguyên nhân hạn chế trong xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP, huyện Pác Nặm đã chỉ đạo các địa phương lồng ghép triển khai Chương trình OCOP với các mô hình, dự án đang thực hiện như Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của tỉnh, Đề án phát triển một số cây trồng, vật nuôi có lợi thế của huyện. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về Chương trình OCOP, nâng cao năng lực và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các HTX trên địa bàn.

Đến nay, huyện Pác Nặm có các sản phẩm đạt OCOP 3 sao gồm: Thịt trâu gác bếp; lạp sườn gác bếp; thịt lợn treo gác bếp; xúc xích lợn bản địa Pác Nặm; trà bí đao Giáo Hiệu – trà túi lọc; bột nghệ nếp Giáo Hiệu. Năm 2022 huyện đăng ký 07 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, gồm: Bún khô ngũ sắc; trà mướp đắng rừng Giáo Hiệu; rượu sim rừng; lavabo chậu rửa bát đá cuội; thịt lợn đen xông khói; thịt lợn chua; măng khô.

HTX Giáo Hiệu hiện có 03 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Thời gian qua, HTX đã xây dựng Dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm bí xanh, mướp đắng rừng và nghệ trên địa bàn các xã Giáo Hiệu, Xuân La, Công Bằng và một số xã lân cận, liên kết với các HTX ở địa phương khác để tiêu thụ sản phẩm. Dự án thực hiện trong 03 năm với tổng kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng, trong đó HTX đối ứng hơn 540 triệu đồng và đề nghị hỗ trợ gần 950 triệu đồng.

Nhằm thúc đẩy sản xuất nông - lâm nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, huyện Pác Nặm đang thực hiện 06 dự án phát triển chăn nuôi, kinh phí dự kiến trên 4,8 tỷ đồng và thực hiện 02 mô hình sản xuất, kinh phí dự kiến 450 triệu đồng. UBND huyện đã bố trí trên 2,2 tỷ đồng để thực hiện một số nội dung trong Đề án phát triển một số cây trồng, vật nuôi có lợi thế. Cụ thể như: Ứng dụng các biện pháp kỹ thuật, cải tạo thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng cây ăn quả với tổng diện tích 42,45ha. Phát triển 03 trang trại chăn nuôi lợn tại các xã Nghiên Loan, Bộc Bố, Cổ Linh. Xây dựng và duy trì 56 tổ hợp tác tại 10 xã với 703 hộ tham gia chuỗi giá trị lợn đen có liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp, tư thương tiêu thụ sản phẩm.

Các sản phẩm b
HTX Giáo Hiệu liên kết trồng, thu mua quả bí xanh tại các xã trên địa bàn.

Ông Hoàng Văn Ngôn- Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Để nâng tầm các sản phẩm bản địa trở thành hàng hóa có giá trị kinh tế cao, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các HTX xây dựng phương án, dự án, kế hoạch sản xuất. Đồng thời tổ chức hướng dẫn cụ thể cho các HTX và tham mưu cho các cơ quan chức năng đánh giá, bình xét và đề nghị công nhận các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP tại địa phương.

Với tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất nông - lâm nghiệp, đặc biệt là địa phương có tổng đàn trâu, bò, ngựa và diện tích rừng, cây thảo quả, dược liệu lớn, lực lượng lao động dồi dào cùng với các dự án đang được triển khai trên địa bàn sẽ là cơ hội tốt để Pác Nặm thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP./.

Nguyễn Nghĩa

Xem thêm