Chương trình OCOP thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển

Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm" (OCOP) là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" là mô hình được học tập từ phong trào "Mỗi làng một sản phẩm" của Nhật Bản từ thập niên 70 của thế kỷ trước. Đến nay phong trào đã lan tỏa đến 40 nước trong khu vực châu Á, châu Phi, Mỹ La tinh, mang lại đời sống ấm no cho người dân vùng nông thôn.

Ở Việt Nam, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm – OCOP” thực chất là giải pháp phát triển kinh tế từ các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, truyền thống văn hóa, danh thắng các địa phương. Đó là những sản phẩm tiềm năng lợi thế của các vùng miền chưa được phát huy, khai thác để phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện. Dựa trên đề xuất của người dân, Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí để thực hiện những nội dung mà các chủ thể khó thực hiện, đồng thời chỉ đạo, định hướng lồng ghép các nguồn lực sẵn có từ các chương trình MTQG như: Xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Các sản phẩm tham gia Chương trình phải được chấm điểm và phân hạng theo tiêu chí; được hỗ trợ xúc tiến thương mại…

Chương trình OCOP thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển ảnh 1
Thành viên HTX nông nghiệp Tân Thành (TP. Bắc Kạn) chăm sóc cây nghệ nếp.

Trong Chương trình này, Nhà nước đã ban hành các cơ chế, chính sách hợp lý để hỗ trợ phát triển như: Đào tạo nâng cao kiến thức, hỗ trợ lãi suất tín dụng, đề ra các tiêu chuẩn sản phẩm, quảng bá và định hướng hình thành lên các kênh phân phối sản phẩm… còn người dân đóng vai trò chính trong việc sản xuất, kinh doanh. Yếu tố này thể hiện ở bản thân chất lượng của hàng hóa được kết tinh ở khâu sản xuất nguyên liệu, công nghệ chế biến, bảo quản, mẫu mã, bao bì… tạo ra được sản phẩm hàng hóa chất lượng cao. Thông qua việc phát triển sản xuất tại các địa bàn nông thôn góp phần hạn chế việc giảm dân số nông thôn di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường và gìn giữ ổn định xã hội nông thôn.

Tại tỉnh ta, sau 4 năm (2018 – 2021), cả hệ thống chính trị và người dân vào cuộc một cách tích cực thực hiện Chương trình OCOP. Khởi đầu từ vừa học vừa làm, đến nay, Bắc Kạn được đánh giá là tỉnh có sức phát triển OCOP mạnh mẽ với nhiều giải pháp cụ thể hỗ trợ chủ thể hợp tác xã (HTX) về xây dựng phương án kinh doanh, phát triển kinh tế cộng đồng, phát triển sản phẩm, xúc tiến, quảng bá thương mại… nhằm nâng cao năng lực cho các chủ thể trong quá trình tham gia Chương trình OCOP.

Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo lồng ghép nhiều nguồn vốn, đồng thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển HTX sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp. Việc hỗ trợ thành lập HTX và sản xuất sản phẩm OCOP được hướng dẫn theo kiểu cầm tay chỉ việc một cách tỉ mỉ, cụ thể. Các nội dung tập trung hướng dẫn doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn OCOP như truy xuất nguồn gốc, đăng ký sử dụng mã số, mã vạch, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm ghi nhãn hàng hóa; bao bì, mẫu mã, tem logo chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn...

Ngay trong lần đánh giá, phân hạng đầu tiên cuối năm 2018, toàn tỉnh đã có 32 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 05 sản phẩm đạt 4 sao. Điều quan trọng nhất là từ khi sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn OCOP, mức tiêu thụ cao hơn, sản phẩm được cả nước biết đến, hàng chục tỉnh lân cận đã cử cán bộ đến học hỏi cách làm OCOP của Bắc Kạn. Không những thế, kết quả ban đầu đã thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần phát triển HTX gắn với chế biến sản phẩm OCOP.

Phấn khởi trước những thành công bước đầu, hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp phát triển mạnh. Với sự hỗ trợ kinh nghiệm của các cấp, ngành chức năng, các doanh nghiệp, HTX đã chủ động tái cơ cấu về tổ chức, xây dựng nhà xưởng, quy trình sản xuất, hoàn thiện sản phẩm và xúc tiến thương mại... Trên cơ sở đó, lựa chọn những sản phẩm chủ lực để dồn lực tập trung, hoàn thiện quy trình sản xuất, tăng cường liên kết, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa theo tiêu chuẩn OCOP. Qua đó, nâng tầm giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.

Hết năm 2021, toàn tỉnh có 155 sản phẩm OCOP, trong đó có sản phẩm đạt OCOP quốc gia. Một số sản phẩm được xuất khẩu vào thị trường châu Âu; có 56 sản phẩm được đăng bán trên sàn giao dịch điện tử Shopee, Lazada, Sendo, Tiki, Voso...; 9 sản phẩm được ký kết tiêu thụ với hệ thống siêu thị Big C, Vinmart và một số cửa hàng tiện ích trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn ở nhiều tỉnh, thành phố.

Sự thành công của Chương trình OCOP là đã hình thành các tổ nhóm ở địa phương hoạt động theo mô hình kinh tế tập thể để sản xuất sản phẩm theo chuỗi giá trị như: Tinh bột nghệ, cucumin nghệ, miến dong, bún, phở khô, trà hoa vàng, bí xanh, rượu ngô; lợn đen, gà ta…, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân nông thôn, góp phần tích cực vào tiêu chí Thu nhập, tiêu chí tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới.

Có thể thấy, triển khai Chương trình OCOP, từ những sản phẩm thô bản địa, qua quá trình chế biến đã nâng tầm cho sản phẩm nông sản Bắc Kạn cả chất lượng, số lượng, thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Từ một tỉnh có trình độ sản xuất thấp, quy mô nhỏ lẻ nhưng qua thực hiện Chương trình, Bắc Kạn đã vươn lên thành tỉnh thứ 5 toàn quốc là tỉnh có trên 100 sản phẩm OCOP. Đây là động lực cho các tổ chức, cá nhân mở rộng đầu tư, sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông sản, đồng thời thúc đẩy kinh tế vùng nông thôn phát triển./.

Phan Quý

Xem thêm