Ngân Sơn nỗ lực xây dựng sản phẩm OCOP

Thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP), huyện Ngân Sơn đã và đang tích cực thực hiện tốt công tác tuyên truyền, từng bước khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để xây dựng các sản phẩm nông sản đặc trưng thành sản phẩm OCOP. 

Hồi là một trong những cây trồng được huyện Ngân Sơn định hướng xây dựng thành sản phẩm OCOP với các sản phẩm chế biến sâu.
Hồi là một trong những cây trồng được huyện Ngân Sơn định hướng xây dựng thành sản phẩm OCOP với các sản phẩm chế biến sâu.

Ông Phạm Kim Hiểu- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngân Sơn cho biết: Phòng đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình OCOP, khuyến khích các tổ chức kinh tế trên địa bàn các xã, thị trấn tham gia. Chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng sản phẩm đặc trưng đảm bảo các tiêu chí như lợi thế về nguồn gốc, thế mạnh của địa phương và có tính bền vững. Từ đó, nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản cho người dân. Đồng thời, hướng dẫn các chủ thể tham gia Chương trình OCOP tập trung cải tiến, hoàn thiện về tạo mã QRcode, in nhãn mác, thiết kế bao bì sản phẩm, xây dựng câu chuyện sản phẩm, xác lập quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng website bán sản phẩm trực tuyến...

Hiện nay, huyện Ngân Sơn có 5 sản phẩm đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh gồm: Măng ớt Phong Phin (Vân Tùng); bún, phở khô Quỳnh Niên (thị trấn Nà Phặc); hạt dẻ của HTX Hợp Phát (Đức Vân); gạo Khẩu Nua Lếch của Hợp tác xã Khẩu Nua Lếch Thượng Quan (Thượng Quan). Trong đó có 02/05 sản phẩm đã ký hợp đồng hợp tác thương mại với siêu thị BigC (gạo nếp thơm Khẩu Nua Lếch; bún, phở khô Quỳnh Niên). Ngoài ra, huyện Ngân Sơn tập trung tuyên truyền, phát triển mạnh về kinh tế tập thể. Chỉ tỉnh riêng năm 2021, huyện thành lập được 08 HTX, vượt 400% kế hoạch, hơn 30 tổ hợp tác, nhóm sở thích, chủ yếu hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp. Điều này giúp từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo tiền đề hỗ trợ xây dựng các sản phẩm mang tính thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.

Cùng với việc xây dựng các sản phẩm đạt sản phẩm OCOP lần đầu, huyện Ngân Sơn chú trọng, hỗ trợ nâng cấp, duy trì các sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Để đảm bảo duy trì hoặc không bị rớt hạng, huyện khuyến khích các chủ thể quan tâm cải tiến quy trình sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm OCOP. Đặc biệt, nguyên liệu đầu vào phải có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng, hướng tới xây dựng vùng nguyên liệu tại chỗ đúng theo tiêu chí của chương trình.

Ngân Sơn là huyện khó khăn, cơ sở kinh doanh chế biến ít, nhỏ lẻ, người dân chủ yếu sản xuất nông - lâm nghiệp và bán các sản phẩm thô, thiếu sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; việc tiếp cận công nghệ, khoa học kỹ thuật của người dân còn hạn chế. Để khắc phục những khó khăn đó, huyện đã xây dựng Đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh huyện Ngân Sơn giai đoạn 2021– 2025”, qua đó nhằm khai thác hiệu quả các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển kinh tế, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung để thu hút khách du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân và quảng bá sản phẩn nông sản đặc sản địa phương. Đơn cử, trong phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2021 – 2025, huyện đề ra mục tiêu trồng mới 20ha cây đào, 100ha cây dẻ, 8ha cây lê, 200ha cây hồi; hỗ trợ phát triển chăn nuôi gà bản địa, vịt bầu cổ xanh, lợn ta bản địa… đây là những sản phẩm được định hướng xây dựng thành sản phẩm OCOP.

Đồng chí Dương Thị Phương Quế- Phó Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn khẳng định: Những kết quả ban đầu của Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” là nền tảng vững chắc để huyện thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng bền vững, lâu dài. Huyện chỉ đạo các địa phương xây dựng sản phẩm phải dựa vào thực tế, xác định có thể phát triển thành chủ lực, sau đó quy hoạch vùng sản xuất, hỗ trợ xây dựng các sản phẩm theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, các hoạt động quảng bá và đưa các sản phẩm đặc trưng của huyện đến với thị trường. Đồng thời, thực hiện các chính sách hỗ trợ như hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi; khuyến khích phát triển kinh tế gia trại, trang trại… Vận dụng linh hoạt, lồng ghép các nguồn vốn để tập trung phát triển từng sản phẩm cụ thể. Phấn đấu thực hiện hiệu quả mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra là thành lập mới 09 HTX, phấn đấu có thêm 03 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh./.

Hà Nhung

Xem thêm