Ba Bể phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch cộng đồng

Với lợi thế, tiềm năng về phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, huyện Ba Bể định hướng phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch cộng đồng nhằm giới thiệu, quảng bá đến du khách những sản vật của địa phương. 

Tiềm năng để phát triển

Những năm gần đây, nhờ được quan tâm đầu tư nên Khu du lịch Ba Bể đã có nhiều khởi sắc. Các loại hình du lịch cộng đồng, trải nghiệm, du lịch homestay phát triển mạnh ven hồ Ba Bể với các dịch vụ đưa đón, ăn nghỉ, hướng dẫn khách tham quan... là một thị trường du lịch có thế mạnh của địa phương. Đặc biệt, hình thức canh tác độc đáo với sự đa dạng về nông sản, văn hóa ẩm thực… là cơ hội lớn cho huyện Ba Bể phát triển du lịch gắn với nông nghiệp. Hiện nay trên địa bàn huyện có nhiều cây trồng đặc sản đã và đang được phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung với chất lượng được nhiều người tiêu dùng biết đến như bí xanh thơm, dong riềng, gạo Nếp Tài, chuối, hồng không hạt… Nhiều sản phẩm nông sản của địa phương đã được xếp hạng  OCOP cấp tỉnh.

Sản phẩm OCOP của huyện Ba Bể được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Sản phẩm OCOP của huyện Ba Bể được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Đến nay huyện đã có 18 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 3 sao, gồm: Thịt trâu khô Ba Bể; trà giảo cổ lam, chuối sấy dẻo của Hợp tác xã (HTX) Hoàng Huynh; rau bồ khai Ba Bể của HTX Sang Hà; lạp sườn gác bếp, khẩu mẩy vùng cao, bí xanh thơm, trà giảo cổ lam của HTX Nhung Lũy; rượu suối nguồn Nà Hai của HTX Phúc Ba; trà Lê Hà của HTX Chè Mỹ Phương; bí xanh thơm của HTX Thanh Đức; bí xanh Ba Bể, gạo Nếp Tài của HTX Yến Dương; miến dong Triệu Thị Tá của Cơ sở sản xuất Hoàng Thị Mười…

Năm 2021, huyện có thêm 11 sản phẩm tham gia xếp hạng Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” cấp tỉnh. Trong đó có 2 sản phẩm nâng hạng sao là bí xanh và gạo Nếp Tài của HTX Yến Dương; 2 sản phẩm đăng ký lại là lạp sườn gác bếp của HTX Nhung Lũy, rượu suối nguồn Nà Hai của HTX Phúc Ba; 7 sản phẩm đăng ký mới gồm: Chè Shan tuyết của HTX Đồng Phúc; miến dong Yến Dương của HTX Yến Dương; mật ong núi Phja Bjoóc của HTX Phja Boóc; Ba Bể Green homestay của Đồng Văn Hoán; Quỳnh Mai homestay của Đàm Quỳnh Mai; lạp sườn treo gác bếp và thịt lợn áp chao của HTX Hoàng Hương.

Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch cộng đồng

Từ những tiềm năng, lợi thế, cùng những kết quả đã đạt được trong thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, huyện Ba Bể xác định phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch cộng đồng trong thời gian tới là nhiệm vụ trọng tâm. Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII đã xác định hai chương trình trọng tâm của huyện trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là: Tập trung phát triển và khai thác có hiệu quả tiềm năng về du lịch trên địa bàn; ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với du lịch. Phấn đấu đến năm 2025 có thêm 10 sản phẩm OCOP được xếp hạng 3 sao trở lên, thu hút trên 200.000 lượt khách du lịch đến với Ba Bể, trong đó 80% khách nội địa và 20% khách quốc tế.

Theo đó, giai đoạn 2020 - 2025 huyện phấn đấu xây dựng từ 1-2 làng nghề gắn với du lịch trải nghiệm, tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa truyền thống của địa phương. Phát triển các loại cây trồng và chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản có thế mạnh của địa phương để trở thành điểm nhấn phục vụ cho các hoạt động tham quan, trải nghiệm, mua sắm của khách du lịch.

Để thực hiện mục tiêu trên, bên cạnh việc huy động nguồn lực đầu tư cơ ở hạ tầng Khu du lịch Ba Bể, UBND huyện còn đặc biệt quan tâm, tạo cơ chế, chính sách thuận lợi để thúc đẩy phát triển Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”. Theo đó, huyện xác định công tác tuyên truyền phải được đẩy mạnh đến tất cả các cấp, ngành, chủ thể kinh tế và Nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, tầm quan trọng và ý nghĩa của Chương trình OCOP. Đồng thời phối hợp với các sở, ngành chức năng tổ chức cải tạo, nâng cao chất lượng cây trồng đặc sản, nhất là với các sản phẩm đã đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh; chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến nguyên liệu và quản lý chất lượng sản phẩm, phát triển sản phẩm gắn với tiêu thụ, đào tạo nguồn nhân lực. Đẩy mạnh đổi mới và phát triển HTX nông nghiệp. Hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm của địa phương… Riêng năm 2021, huyện đã giải ngân 58 triệu đồng nguồn vốn Trung ương hỗ trợ để hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" xây dựng tem, nhãn mác hàng hóa.

Huyện cũng nghiên cứu xây dựng các tour, tuyến du lịch có tiềm năng, quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch do huyện quản lý nhằm tạo ra nhiều sản phẩm du lịch. Cùng với đó, tạo điều kiện cho các nhà hàng, khách sạn xung quanh khu vực hồ Ba Bể mở gian hàng nông sản mà chủ yếu là sản phẩm nông sản thực phẩm OCOP, vừa phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng, tham quan, trải nghiệm của du khách, vừa giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản đặc sản của địa phương, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Việc phát triển sản phẩm OCOP sẽ góp phần làm phong phú chương trình du lịch, thu hút du khách, từ đó quảng bá, giới thiệu, nâng cao giá trị sản phẩm đặc trưng của địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân và hướng đến phát triển du lịch, phát triển nông thôn bền vững./.

Hà Thanh

Xem thêm