Chợ Đồn duy trì và phát triển sản phẩm OCOP

Hết năm 2020, huyện Chợ Đồn có 20 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao, trong đó chủ yếu là các sản phẩm về đồ ăn, đồ uống. Việc cần làm của huyện là tiếp tục tuyên truyền, vận động để giữ vững các sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh, đồng thời phát triển thêm các sản phẩm mới phù hợp với thế mạnh, điều kiện của địa phương.

Vùng trồng nguyên liệu cây củ mài của Tổ hợp tác Đại Thắng (xã Đại Sảo).
Vùng trồng nguyên liệu cây củ mài của Tổ hợp tác Đại Thắng (xã Đại Sảo).

Năm 2018, huyện Chợ Đồn có 6 sản phẩm OCOP được công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh; năm 2019 có 8 sản phẩm; năm 2020 có 6 sản phẩm. Các sản phẩm đạt tiêu chuẩn được sử dụng nhãn hiệu OCOP, gắn sao trên bao bì, thời hạn 36 tháng kể từ ngày ký. Trong số đó, một số sản phẩm được công nhận năm 2018 phải đánh giá lại các tiêu chí, với những sản phẩm không hoạt động trong thời gian dài, thậm chí sẽ thu hồi lại giấy chứng nhận OCOP. Vì vậy, việc duy trì các sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn 3 sao OCOP là điều cần thiết, huyện chỉ đạo sát sao bằng cách tuyên truyền, vận động các HTX nâng cao ý thức sản xuất, chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường, mục đích nhằm giúp các chủ thể không rơi vào trạng thái “ngủ quên” đối với thương hiệu sản phẩm đã gây dựng được. 

Năm 2021, toàn huyện có 11 sản phẩm đủ điều kiện tham gia đánh giá, phân hạng OCOP cấp tỉnh, trong đó có 3 sản phẩm phải đánh giá lại gồm: Rượu men lá Thanh Tâm của HTX Thanh Tâm; rượu men lá Bằng Phúc (xã Bằng Phúc); măng khô của HTX Cao Phong (xã Xuân Lạc); 8 sản phẩm mới gồm: Bánh trời gấc của Cơ sở Hoàng Thị Điểm; bột củ mài và củ địa hoàng sấy khô của Tổ hợp tác Đại Thắng; gạo Nhật Japonica của HTX Sơn Lâm; phở khô Hoàng Hải của Cơ sở Hoàng Ngọc Hường; thịt lợn rừng lai của HTX Quỳnh Trang; nấm mộc nhĩ nguyên tai của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hợp Thắng; chè Shan tuyết Lũng Phàng của Tổ hợp tác Nam Xuân Lạc.

Xác định Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” là chương trình lâu dài, góp phần vào sự phát triển chung địa phương, việc có thêm những sản phẩm mới là chủ đích mà huyện luôn khích lệ. Anh Nguyễn Tiến Thới, Tổ trưởng Tổ hợp tác Đại Thắng (xã Đại Sảo) cho biết: “Năm 2021, đơn vị có 2 sản phẩm dược liệu là bột củ mài núi và củ địa hoàng sấy khô đăng ký tham gia Chương trình OCOP, đây là kết quả từ quá trình thực hiện Dự án liên kết trồng cây dược liệu của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên. Sau khi được hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đến nay Tổ hợp tác đã trồng được khoảng 2ha vùng nguyên liệu ở xã Bản Thi và xã Đại Sảo. Hiện chúng tôi chỉ cần bổ sung mã vạch là hoàn thiện sản phẩm. Nếu hai sản phẩm này đạt tiêu chuẩn OCOP sẽ giúp Tổ hợp tác có thêm động lực phát triển và mở rộng thị trường”. 

Không thể phủ nhận là những lợi ích mà Chương trình OCOP mang lại đối với các chủ thể HTX, góp phần cải thiện đời sống người dân. Đặc biệt giúp nhiều hộ có ý thức sản xuất, biết tập hợp và kết nối với nhau để xây dựng thương hiệu hàng hóa của vùng, chuyển đổi từ phương thức nhỏ lẻ, tự phát sang sản xuất tập trung.  Với ý nghĩa đó, mấy năm trở lại đây, huyện Chợ Đồn đã triển khai khá hiệu quả Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”. 20 xã, thị trấn trên địa bàn đều được phổ biến đầy đủ về ý nghĩa, mục đích mà Chương trình mang lại, từ đó tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân đăng ký thực hiện.

Huyện đã lồng ghép các chính sách hỗ trợ để khích lệ bà con tham gia, hướng dẫn thực hiện thủ tục, đăng ký bao bì, mã vạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng nhà xưởng, tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm... Nhờ sự hỗ trợ kịp thời, cùng với nỗ lực của các chủ thể, đến nay một số sản phẩm OCOP của huyện đã có chỗ đứng trên thị trường như: Bún khô của HTX Hồng Luân (xã Tân Lập); chè Shan tuyết của HTX Hồng Hà (xã Bằng Phúc); cơm cháy gạo nếp nương của Cơ sở Nông Hồng Quyên (thị trấn Bằng Lũng); rượu men lá Thanh Tâm (xã Bằng Phúc); trà hoa vàng của HTX Hòa Thịnh (xã Nghĩa Tá)…

Trong thời gian tới, huyện Chợ Đồn tiếp tục tuyên truyền, vận động các chủ thể chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, thực hiện các thủ tục đăng ký lại đối với những sản phẩm đã được công nhận tiêu chuẩn 3 sao từ năm 2018. Khuyến khích các xã phát triển, đăng ký sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu thị trường. Huyện cũng chỉ đạo các ngành chức năng sát sao, hỗ trợ, hướng dẫn hoàn thiện tiêu chí, thủ tục, định hướng chiến lược để nâng tầm các sản phẩm OCOP của địa phương./.

Thu Trang

Xem thêm