“Rộng cửa” để sản phẩm OCOP Bắc Kạn vươn xa

Những năm qua, các cấp, ngành của tỉnh luôn quan tâm định hướng phát triển sản phẩm hàng hóa, chú trọng xúc tiến thương mại. Các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) chủ động tiếp cận thị trường, đầu tư thiết bị, công nghệ… góp phần đưa sản phẩm OCOP của tỉnh vươn xa, đến thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đồng chí Hoàng Duy Chinh- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh tham quan gian hàng trưng bày của Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Thành tại TP. Bắc Kạn.
Đồng chí Hoàng Duy Chinh- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh tham quan gian hàng trưng bày của Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Thành tại TP. Bắc Kạn.

Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ sát sao của các cấp, ngành, HTX Tài Hoan (xã Côn Minh, huyện Na Rì) từng bước chủ động về vùng nguyên liệu, đầu tư trang thiết bị hiện đại, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại… Đặc biệt, chất lượng hàng hóa, bao bì, mẫu mã sản phẩm từng bước được hoàn thiện, nâng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đến nay sản phẩm miến dong Tài Hoan đã có mặt tại nhiều cửa hàng, đại lý, các kênh bán hàng online, siêu thị ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, khu vực Tây Nguyên, Thái Nguyên… và vươn tới thị trường châu Âu (Cộng hòa Séc). Việc sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp quốc gia (5 sao) năm 2020 là tiền đề để HTX mở rộng thị trường, nhất là thị trường quốc tế.

Cùng với đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, Công ty Cổ phần Curcumin Bắc Hà Bắc Kạn đã đưa ra thị trường trên 10 sản phẩm trong chuỗi giá trị nông sản như nghệ, gừng, giảo cổ lam và mật ong… 11 sản phẩm của doanh nghiệp này tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP đều đạt 3 -  4 sao và được tiêu thụ rộng khắp trên cả nước. Nhóm sản phẩm Vi-cumax Nanocurcumin (nhất là dạng tuýp) đã khẳng định chất lượng, giá trị thương hiệu sản phẩm từ củ nghệ, đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Thành công từ củ nghệ và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị còn có HTX Nông nghiệp Tân Thành (xã Nông Thượng, TP. Bắc Kạn). HTX hiện có trên 10 loại sản phẩm khác nhau như: Tinh bột nghệ nếp (đen, đỏ, trắng); viên tinh nghệ mật ong, viên con nhộng nghệ; bột nghệ, nghệ thái lát, nghệ sấy... Trong đó sản phẩm tinh bột nghệ nếp đỏ Bắc Kạn cao cấp, tinh bột nghệ nếp đen Bắc Kạn cao cấp đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh... Các sản phẩm của HTX hiện đã vươn ra thị trường các tỉnh Đắk Lắk, Hà Nội, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Lạng Sơn… và bước đầu xuất bán cho một số công ty xuất nhập khẩu.

Thu hoạch bí xanh thơm tại HTX Nhung Lũy (Ba Bể). Ảnh: Trần Tuyến
Thu hoạch bí xanh thơm tại HTX Nhung Lũy (Ba Bể). Ảnh: Trần Tuyến

Đồng hành cùng doanh nghiệp, HTX và các cơ sở sản xuất kinh doanh, những năm gần đây, công tác xúc tiến thương mại được các cấp, ngành chú trọng, nhất là đẩy mạnh tiếp cận thị trường thông qua các hội chợ trong nước. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh tổ chức và hỗ trợ các đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia 23 hội chợ, triển lãm trong nước; 19 phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi tại các huyện, góp phần thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường nông thôn, người dân tiếp cận hàng Việt với chất lượng, giá cả hợp lý. Các hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh được gặp gỡ, thiết lập quan hệ đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ. Nhiều sản phẩm của tỉnh vì thế đã được kết nối cung ứng thành công. Tiêu biểu như: Miến dong, tinh bột nghệ, nano curcumin nghệ… đã có chỗ đứng trên thị trường, tham gia vào hệ thống bán lẻ hiện đại ở một số thành phố lớn.

Cùng với đó, công tác quảng bá sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh được chú trọng. Qua xây dựng và phát triển gian hàng thương mại điện tử đã giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận với những thông tin thương mại trong và ngoài tỉnh. Việc hỗ trợ xây dựng website bán hàng giúp các đơn vị tiếp thị sản phẩm và giao dịch mua bán trên phạm vi rộng, hiệu quả hơn; hỗ trợ xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu khách hàng giúp các đơn vị nâng cao khả năng ứng dụng thương mại điện tử và quản lý online đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, website thông tin giao dịch điện tử của ngành Công thương cũng góp phần giới thiệu, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh quảng bá sản phẩm. Hiện nay, nhiều sản phẩm của tỉnh đã được đăng bán trên sàn giao dịch điện tử Shopee, Lazada... Thành phố Bắc Kạn và các huyện đã phối hợp với các hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng gian hàng, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, góp phần quảng bá, giới thiệu và phát triển các sản phẩm OCOP của tỉnh.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục quan tâm, hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất đầu tư nâng cao chất lượng, chuẩn hóa sản phẩm, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng; quảng bá, giới thiệu và xúc tiến thương mại nhằm tạo sức cạnh tranh, lợi thế thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của tỉnh. Cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành, Sở Công thương tiếp tục thực hiện tốt vai trò cầu nối, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đồng hành cùng các chủ thể sản xuất trong hoạt động kết nối, đưa các sản phẩm OCOP vào siêu thị, hệ thống phân phối trên toàn quốc... Tăng cường phối hợp tổ chức tập huấn nghiệp vụ xúc tiến thương mại như: Bán hàng qua mạng, kỹ năng tham gia hội chợ, kỹ năng bán hàng, phát triển đại lý phân phối… Phối hợp với các địa phương củng cố, quản lý hệ thống các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Các cơ sở sản xuất tiếp tục nâng cao năng lực, chất lượng sản phẩm và chủ động tham gia các hội chợ, sàn thương mại, tìm kiếm cơ hội cung ứng hàng hóa, góp phần đưa sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng vươn xa./.

A.T

Xem thêm