Tăng cường quản lý chất lượng các sản phẩm OCOP

Tăng cường các giải pháp hỗ trợ, xúc tiến thương mại, nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, kiên quyết đưa ra khỏi chương trình những sản phẩm không đạt chuẩn... là giải pháp của Chương trình OCOP tỉnh Bắc Kạn nhằm thắt chặt, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Sản phẩm miến dong Tài Hoan đạt năm sao
Miến dong Tài Hoan vượt qua nhiều tiêu chí khắt khe để trở thành sản phẩm OCOP 5 sao và đã xuất khẩu.

Đề án OCOP giai đoạn 2018-2020 của tỉnh có 131 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó có 01 sản phẩm 5 sao, 12 sản phẩm 4 sao, 118 sản phẩm 3 sao, bước đầu khẳng định được uy tín, chất lượng trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Để đảm bảo chất lượng các sản phẩm OCOP trên thị trường, công tác tổ chức kiểm tra, giám sát được Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới phối hợp với các sở ngành, địa phương thực hiện sát sao. Cụ thể, đã tổ chức 02 đợt kiểm tra tại 52 cơ sở, trong đó sản phẩm nguồn gốc động vật 15 cơ sở, nguồn gốc thực vật 37 cơ sở; lấy 42 mẫu trong đó 25 mẫu kiểm tra nhanh hàm lượng Nitrat trên rau củ quả, 17 mẫu có nguồn gốc động vật, thực vật, thủy sản kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng, vi sinh vật. Kết quả cho thấy các cơ sở cơ bản chấp hành quy định về điều kiện an toàn thực phẩm...

Ông Quách Đăng Quý- Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: Đối với các đơn vị trồng và chế biến sản phẩm đã được công nhận OCOP trên địa bàn tỉnh, cần chú trọng đến chất lượng, thương hiệu của mỗi mặt hàng và cho từng sản phẩm trước khi ra thị trường. Theo quy định, chúng tôi sẽ kiên quyết loại trừ các sản phẩm không đủ điều kiện, cho dù đã được công nhận OCOP. Các doanh nghiệp, HTX nếu không nâng cao được chất lượng sản phẩm, cũng đồng nghĩa tự đào thải sản phẩm và thương hiệu của mình.

Từ những thành công của Đề án OCOP giai đoạn 2018-2020, tháng 5/2021 Văn phòng Điều phối nông thôn mới chủ trì, phối hợp với các sở: Nông nghiệp và PTNT, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Công thương, Văn hóa, thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức xét chọn ý tưởng sản phẩm. Tổng số có 88 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP.

Việc xét chọn ý tưởng sản phẩm dựa trên các nội dung như: Sự phù hợp của sản phẩm so với mục tiêu, quan điểm của Chương trình (ưu tiên các sản phẩm đặc trưng, truyền thống, lợi thế của địa phương, có tiềm năng mang lại lợi ích cho cộng đồng. Kết quả họp xét đợt 1 có 65 sản phẩm đủ điều kiện tham gia Đề án năm 2021, trong đó 63 sản phẩm đăng ký tham gia năm 2021, 02 sản phẩm đăng ký nâng hạng sao; 23 sản phẩm chưa đủ điều kiện tham gia, đề nghị hoàn thiện phiếu đăng ký sản phẩm để đánh giá đợt 2.

Chị Đinh Tuyết Nhung- Giám đốc HTX Nhung Lũy chia sẻ: Từ khi HTX có 04 sản phẩm được công nhận đạt OCOP, việc bán sản phẩm dễ hơn, sản lượng tăng dần, từ đó việc liên kết trồng và chế biến nông sản cũng tăng. Nhận thấy việc phát triển và giữ vững thương hiệu là rất cần thiết, HTX thường xuyên nâng cao chất lượng, tăng cường khâu thiết kế mẫu mã, mở rộng kinh doanh ra nhiều tỉnh thành và siêu thị lớn trong nước.

Thời gian tới các doanh nghiệp trong tỉnh phải tăng cường nhiều giải pháp hơn nữa để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. Cùng với đó, ngành chuyên môn sẽ tiếp tục tập trung thực hiện tốt cuộc thi đánh giá xếp hạng, đánh giá Đề án OCOP giai đoạn 2017 - 2020 và triển khai Đề án OCOP giai đoạn 2021 - 2025./.

Trần Tuyến

Xem thêm