HTX Nông nghiệp Tân Thành: Phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nghệ nếp

Hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được xem là cách làm hiệu quả mà Quỹ xúc tiến đầu tư kinh doanh nông nghiệp (APIF) triển khai hỗ trợ trên địa bàn tỉnh. HTX Nông nghiệp Tân Thành (xã Nông Thượng, TP. Bắc Kạn) là một trong những cơ sở sản xuất tiếp cận hiệu quả nguồn Quỹ APIF, đóng góp tích cực vào công tác giảm nghèo tại các xã mục tiêu của dự án.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Thành kiểm tra, rà soát diện tích trồng nghệ nếp tại huyện Na Rì.
Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Thành kiểm tra, rà soát diện tích trồng nghệ nếp tại Na Rì.

Liên kết nông hộ tạo vùng nguyên liệu bền vững

Tiếp cận và được hưởng lợi từ Quỹ APIF, Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Thành triển khai tiểu dự án “Đầu tư phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nghệ nếp” tại các xã Quang Phong, Văn Vũ, Xuân Dương (Na Rì), thời gian thực hiện 20 tháng (từ tháng 5/2020). Đến nay HTX đã liên kết 260 hộ dân, trong đó 160 hộ liên kết mới đã được hỗ trợ trực tiếp (70 hộ nghèo và cận nghèo). Người dân khi liên kết với HTX, có hợp đồng, giá thu mua ổn định 5.000 đồng/kg và ưu đãi khác. Năm 2021, HTX tiếp tục triển khai hỗ trợ đầu tư trồng nghệ tập trung tại Thôm Bả, xã Văn Vũ, mở ra triển vọng nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây.

Chị Nguyễn Thị Hồng Minh- Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Thành cho biết: Tham gia dự án, nhằm đạt các mục tiêu của Quỹ, HTX đã tích cực phối hợp với các địa phương triển khai hỗ trợ giống, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nghệ nếp an toàn. Theo đó, tham gia vào chuỗi liên kết, nông dân được tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định, an toàn, ít rủi ro; HTX đầu tư giống theo phương thức trả chậm để bà con yên tâm sản xuất. Ngoài cung ứng giống và cam kết bao tiêu sản phẩm, HTX tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, đặc biệt là hướng dẫn người dân trồng theo hướng hữu cơ nhằm đảm bảo cung ứng sản phẩm sạch. Cụ thể như trong khâu chăm sóc cây trồng, người dân không được phun thuốc diệt cỏ; phân bón cho cây nghệ chủ yếu tận dụng phụ phẩm nông nghiệp như bã dong...

Cũng theo chị Minh, qua thực tế triển khai từ tháng 5/2020 đến nay cho thấy, điều kiện tự nhiên, đất đai và khí hậu của huyện Na Rì rất phù hợp để phát triển cây nghệ. Trong khi đó, huyện Na Rì còn nhiều diện tích đất cho phát triển nông, lâm nghiệp. Đây là một lợi thế để mở rộng diện tích trồng nghệ, bởi cây nghệ có thể trồng và phát triển tốt ở đất đồi núi có độ dốc trung bình, đất ven đồi, trồng xen canh với các loại cây ăn quả, rừng trồng trong 3 năm đầu hoặc trồng tận dụng tại những vùng đất trống. Ngoài ra, nghệ vốn là cây quen thuộc với người dân, dễ trồng, mức đầu tư thấp, không đòi hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc quá phức tạp, khi trồng trên đất đồi núi củ nghệ có chất lượng cũng như cho lượng tinh bột cao. Trong khi đó, đời sống kinh tế của Nhân dân các địa phương còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân thấp, phát triển trồng nghệ sẽ là một hướng đi phù hợp trong thời gian tới.

Đối với HTX, việc liên kết sẽ tạo vùng nguyên liệu ổn định, bền vững, phục vụ phát triển sản phẩm theo hướng an toàn, tạo dựng uy tín, thương hiệu các dòng sản phẩm trên thị trường. Thực tế, với kinh nghiệm phát triển sản xuất theo hướng sạch, an toàn, đến nay HTX Nông nghiệp Tân Thành đã mở rộng quy mô vùng nguyên liệu hàng trăm héc-ta tại một số địa phương của các huyện Pác Nặm, Ba Bể, TP. Bắc Kạn, Bạch Thông, Chợ Mới và Na Rì. Đặc biệt là việc triển khai tiểu dự án “Đầu tư phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nghệ nếp” tại Na Rì, HTX Nông nghiệp Tân Thành đã và đang chủ động về nguồn cung sản phẩm, chất lượng sản phẩm được quản lý và nâng cao giá trị gia tăng; đồng thời tạo dựng vùng nguyên liệu một cách bền vững hơn.

Nâng công suất, đa dạng hóa sản phẩm

Với tổng vốn đầu tư gần 5 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng của HTX hơn 3,2 tỷ đồng (chiếm 66%), vốn tài trợ từ Quỹ APIF hơn 1,6 tỷ đồng (chiếm 34%). Trong đó, nguồn Quỹ APIF hỗ trợ mua máy sấy công nghiệp, ô tô tải.... HTX đầu tư một phần kinh phí mua máy sấy công nghiệp, tập huấn cho hộ dân liên kết và chủ động vốn lưu động để mua nguyên liệu và các chi phí xúc tiến thương mại... Cùng quá trình đầu tư, đến nay HTX có khu nhà xưởng sản xuất rộng, hệ thống máy móc thiết bị đáp ứng năng lực và nhu cầu sản xuất, chế biến các sản phẩm từ nghệ. Chị Nguyễn Thị Hồng Minh- Giám đốc HTX cho biết thêm: Hiệu quả của Quỹ APIF đối với HTX là rất lớn. Nguồn quỹ không chỉ tạo điều kiện để HTX có trách nhiệm hơn trong việc tạo vùng nguồn liệu ổn định, bền vững mà còn là động lực để HTX đầu tư công nghệ, nhà xưởng nhằm đưa hoạt động sản xuất vào chế biến sâu, từ đó nâng cao chuỗi giá trị từ sản phẩm nghệ nếp địa phương.

Thực tế, việc Quỹ APIF hỗ trợ các hạng mục đầu tư máy sấy, mua ô tô tải… đã đem lại nhiều lợi ích cho HTX. Đặc biệt là góp phần xây dựng chuỗi giá trị thành công và tăng giá trị từ 10-30% so với sản phẩm nghệ khi chưa sản xuất theo chuỗi. Đồng thời đóng góp quan trọng trong việc nâng công suất, da dạng các dòng sản phẩm của đơn vị. Nếu như năm 2019, HTX chế biến khoảng 1.200 tấn nghệ tươi để sản xuất khoảng 16 tấn tinh bột nghệ, 65 tấn nghệ sấy lát thì đến năm 2020 đã nâng công suất chế biến lên 2.500 tấn nghệ tươi, 37 tấn tinh bột nghệ, 250 tấn nghệ sấy lát… Đặc biệt là đối với công đoạn sấy, năng lực sấy đã tăng gấp hơn 2 lần so với những năm trước, hiện đạt 2-3 tấn/mẻ sấy, giúp đơn vị đẩy nhanh tiến độ, công suất chế biến nhất là khi vào vụ thu hoạch nghệ, vừa đáp ứng được các đơn đặt hàng với số lượng lớn. Ngoài ra đơn vị còn tận dụng rất hiệu quả cho các hoạt động sấy nhiều loại nông sản khác như măng, vải, hoa quả…

Về sản phẩm, từ các dòng sản phẩm cơ bản như tinh bột nghệ, viên tinh nghệ, bột nghệ, nghệ sấy đến nay cùng với hoạt động chế biến sâu HTX đã có trên 10 loại sản phẩm khác nhau, như: Tinh bột nghệ nếp (đen, đỏ, trắng- nghệ rừng); viên tinh nghệ mật ong (đen, đỏ, trắng); viên con nhộng nghệ (đen, đỏ, trắng); bột nghệ, nghệ thái lát, nghệ sấy củ (đen, đỏ, trắng)… trong đó sản phẩm tinh bột nghệ nếp đỏ Bắc Kạn cao cấp, tinh bột nghệ nếp đen Bắc Kạn cao cấp đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh. Ngoài ra, bộ sản phẩm tinh bột nghệ nếp đen, nếp đỏ Bắc Kạn cao cấp cũng đã đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và khu vực miền núi phía Bắc. Thị trường tiêu thụ từng bước được mở rộng, sản phẩm của HTX đã vươn ra 18 tỉnh, thành trong cả nước như: Đắk Lắk, Hà Nội, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Lạng Sơn… và bước đầu xuất cho một số công ty xuất nhập khẩu.

Công nghệ sấy hiện đại giúp HTX đẩy nhanh tiến độ, công suất chế biến các sản phẩm từ nghệ.
Công nghệ sấy hiện đại giúp HTX đẩy nhanh tiến độ, công suất chế biến các sản phẩm từ nghệ.

Với mục tiêu phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nghệ nếp, HTX Nông nghiệp Tân Thành luôn chú trọng tạo vùng nguyên liệu, đầu tư nâng cao năng lực sản xuất. Đến nay HTX đã đạt doanh thu trên 13 tỷ đồng/năm, tạo thu nhập ổn định cho các thành viên từ 5-7 triệu đồng/người/tháng; hơn 5 triệu đồng/tháng cho khoảng 50 lao động thời vụ. Không chỉ vậy, từ hiệu quả sản xuất, HTX Nông nghiệp Tân thành còn giúp tiêu thụ ổn định hơn 2.500 tấn nghệ nếp/năm cho người dân trên địa bàn tỉnh. Trong đó, HTX đã và đang đóng góp hiệu quả và tích cực vào công tác giảm nghèo tại các xã mục tiêu của dự án qua tiếp cận nguồn Quỹ APIF. Từ hiệu quả của các hoạt động đầu tư, đến nay HTX Nông nghiệp Tân Thành đã được Quỹ APIF bồi hoàn hơn 1,1 tỷ đồng.

Quỹ xúc tiến đầu tư kinh doanh nông nghiệp (APIF) là một tiểu hợp phần của Hợp phần 3 “Các nông hộ, trang trại có khả năng sinh lời được kết nối với nguồn tài chính và thị trường”, thuộc dự án CSSP. Quỹ APIF tạo cơ hội đầu tư, giảm bớt các rào cản, rủi ro cho các doanh nghiệp, HTX khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Thông tin chi tiết về Quỹ APIF và biểu mẫu đề xuất sơ bộ tiểu dự án xin tài trợ được nêu cụ thể trong Sổ tay Hướng dẫn thực hiện Quỹ Xúc tiến đầu tư kinh doanh nông nghiệp được đăng tải trên website http://www.congthuongbackan.gov.vn). 

Anh Thúy

Xem thêm