Vai trò của kinh tế tập thể trong xây dựng nông thôn mới

Những năm gần đây, kinh tế tập thể đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc cơ cấu lại sản xuất, thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, tiến tới hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới của các địa phương trong tỉnh.

Kinh tế tập thể đóng vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương. (Trong ảnh: Thành viên HTX Đại Hà, xã Quang Thuận thu hoạch dưa lưới).
Thành viên HTX Đại Hà, xã Quang Thuận (Bạch Thông) thu hoạch dưa lưới.

Trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho người dân luôn là vấn đề được các cấp, ngành, các địa phương trong tỉnh đặc biệt quan tâm, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Vì vậy, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã xác định rõ tầm quan trọng của kinh tế tập thể và dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ đẩy mạnh phát triển khu vực kinh tế tập thể, góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa, tiến tới hoàn thành các tiêu chí về thu nhập và giảm nghèo.

Toàn tỉnh hiện có 311 HTX, trong đó có 218 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, còn lại hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Nhờ cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, các HTX, THT đã nỗ lực khắc phục khó khăn, đầu tư trang thiết bị máy móc, áp dụng công nghệ vào sản xuất tạo ra các sản phẩm chất lượng tốt. Nhiều sản phẩm của các HTX, THT đã được xếp hạng 3 sao, 4 sao OCOP cấp tỉnh, có thị trường tiêu thụ ổn định, nâng cao thu nhập cho thành viên và các hộ dân liên kết. Các HTX đã từng bước đổi  mới, là nhân tố quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương. 

Được hỗ trợ vốn từ Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) và vốn đầu tư của tỉnh, HTX Tài Hoan (Na Rì) đã đầu tư xây dựng hệ thống nhà xưởng rộng hơn 5.000m2 để hoàn thiện dây chuyền tráng miến, xây dựng nhà màng phơi miến, nhà sấy miến cùng nhiều máy móc, thiết bị hiện đại khác. Với cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư xây dựng mới, HTX tập trung sản xuất theo phương pháp hiện đại thay thế cho phương pháp truyền thống. Cũng nhờ đó, sản xuất thuận lợi hơn, không còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết như trước đây; năng suất, chất lượng sản phẩm miến dong Tài Hoan ngày càng được nâng lên đáng kể. Hiện nay, HTX tạo việc làm cho khoảng 15-20 lao động địa phương với thu nhập trung bình hơn 6 triệu đồng/người/tháng. Cùng với đó, HTX ký hợp đồng bao tiêu hơn 70ha cây dong riềng đáp ứng nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất nên đã tạo việc làm cho gần 500 hộ dân liên kết.

Năm 2022, xã Mỹ Phương (Ba Bể) đăng ký về đích nông thôn mới. Để đạt mục tiêu đề ra, hiện nay chính quyền địa phương đang tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ để hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, xã đặc biệt chú trọng phát triển hình thức tổ chức sản xuất, khu vực kinh tế tập thể nhằm khai thác tối đa tiềm năng thế mạnh của địa phương. Theo đó, xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thành lập được 03 hợp tác xã gồm: HTX chè Mỹ Phương, HTX Tạ Anh, HTX Hoa Sơn và 04 tổ hợp tác gồm: Tổ sản xuất tinh dầu hồi, Tổ hợp tác bí xanh thơm, Tổ hợp tác trồng rau bồ khai, Tổ hợp tác sản xuất ván bóc. Trong đó HTX chè Mỹ Phương hiện nay hoạt động hiệu quả, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển sản phẩm chè hàng hóa.

Cùng với thâm canh, cải tạo diện tích chè sẵn có, HTX chè Mỹ Phương còn được hỗ trợ xây dựng được mô hình chè thâm canh theo hướng VietGAP với quy mô 10ha, 17 hộ tham gia. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, chế biến, nâng cao chất lượng, chú trọng về mẫu mã, bao bì sản phẩm nên hiện nay sản phẩm trà Lê Hà của HTX đã được xếp hạng 3 sao OCOP cấp tỉnh. Qua đó không những khai thác được tiềm năng, lợi thế của địa phương trong sản xuất nông nghiệp mà còn giúp các thành viên và hộ dân liên kết nâng cao thu nhập, giảm nghèo, góp phần tích cực hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Ông Đồng Văn Dược- Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Phương cho biết: Thời gian qua, phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn xã đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc cơ cấu lại sản xuất. Người dân được tiếp cận các nguồn vốn, tham quan, học tập kinh nghiệm từ đó thay đổi tư duy, nâng cao trình độ sản xuất, chủ động liên kết tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển, nâng cao thu nhập, góp phần hoàn thành các tiêu chí về thu nhập, giảm nghèo và hình thức tổ chức sản xuất trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới./.

Hà Thanh

Xem thêm