Thực hiện tiêu chí giảm nghèo trong xây dựng nông thôn mới

Thông qua việc triển khai các chính sách và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới, mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân trong những năm qua đã thu được nhiều kết quả tích cực...

Mô hình trồng chè ở xã Đôn Phong (Bạch Thông).
Mô hình trồng chè ở xã Đôn Phong (Bạch Thông).

Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, tỉnh Bắc Kạn luôn xác định giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng, quá trình thực hiện gắn chặt với thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Tỉnh đã triển khai đồng bộ các chính sách, dự án giảm nghèo như: Chính sách hỗ trợ sản xuất, dạy nghề tạo việc làm; chính sách hỗ trợ về giáo dục, đào tạo; chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg ngày 07/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình 30a, Chương trình 135... Từ đó giúp người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập và được tiếp cận với các dịch vụ xã hội tốt hơn.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, công tác giảm nghèo được thực hiện quyết liệt. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy xây dựng Chương trình hành động số 04-CTr/TU ngày 15/01/2016 về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, trong đó xác định giảm nghèo bền vững là một trong bốn nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội. HĐND tỉnh ban hành 04 nghị quyết thực hiện các nội dung của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. UBND tỉnh ban hành Đề án thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 và nhiều văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện...

Nông dân xã Thanh Vận (Chợ Mới) chăm sóc dưa chuột Nhật Bản.
Nông dân xã Thanh Vận (Chợ Mới) chăm sóc dưa chuột Nhật Bản.

Hằng năm, các huyện, thành phố đều chỉ đạo UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch giảm nghèo, trong đó phân tích rõ các nguyên nhân nghèo và khả năng thoát nghèo của hộ, xác định rõ chỉ tiêu, địa chỉ cụ thể, đề ra giải pháp hỗ trợ phù hợp. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, thực hiện tốt công tác phối hợp giữa cơ quan chuyên môn với các đoàn thể từ huyện đến cơ sở. Đề cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, ngành, đặc biệt là hệ thống chính trị ở cơ sở đối với công tác giảm nghèo bền vững. Đồng thời, thực hiện tốt việc huy động, phân bổ nguồn lực chương trình giảm nghèo, đảm bảo đúng nguyên tắc, công khai, minh bạch, tập trung theo thứ tự ưu tiên, tránh tình trạng đầu tư dàn trải; đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác giảm nghèo; sử dụng hiệu quả nguồn lực từ các Chương trình MTQG gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, căn cứ nguồn lực được phân bổ, các địa phương đã tập trung triển khai dựa trên điều kiện thực tế. Đơn cử như tại xã Quân Hà, một trong những xã đã “về đích” nông thôn mới của huyện Bạch Thông. Để có được kết quả này, địa phương đã sử dụng tốt nguồn lực hỗ trợ của cấp trên, phát huy sức mạnh nội lực, trong đó chú trọng các mô hình sản xuất khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Cụ thể, có 06 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm được triển khai với hơn 300 hộ tham gia, tổng kinh phí khoảng 2 tỷ đồng, trong đó người dân đối ứng 30%. Các dự án triển khai cơ bản phát huy được hiệu quả, phù hợp với thực tế tại địa phương, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Vì thế, tỷ lệ hộ nghèo của Quân Hà theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 chỉ còn hơn 8%.

Trên phạm vi toàn tỉnh, theo Quyết định số 114/QĐ-UBND ngày 24/01/2022 của UBND tỉnh về phê duyệt kết quả tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021, theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021 – 2025, toàn tỉnh có 21.946 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 26,9%; tổng số hộ cận nghèo là 7.935 hộ, chiếm tỷ lệ 9,74%.

Đồng chí Dương Văn Hoàn- Phó Chánh văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh cho biết: Tiêu chí Hộ nghèo được đánh giá là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân, có vai trò thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nhưng đây cũng là tiêu chí khó thực hiện đối với các địa phương, nhất là với những xã vùng cao, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh. Đến nay, cả tỉnh mới có 30/96 xã đạt tiêu chí Hộ nghèo. Thời gian qua, việc thực hiện tiêu chí giảm nghèo gặp những khó khăn như: Tỷ lệ hộ nghèo của các xã còn cao; người dân chủ yếu sản xuất nông, lâm nghiệp là chính nên thu nhập chưa cao. Tập quán sản xuất, chăn nuôi của người dân còn nhỏ lẻ, manh mún; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế nên những mô hình phát triển kinh tế chưa phát huy hết hiệu quả. Diện tích đất canh tác ít, đất đai dễ bạc màu nên khó khăn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Một số hộ còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức vươn lên thoát nghèo…

Vì thế, để thực hiện tốt tiêu chí Hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, cần tiếp tục lồng ghép thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; triển khai các chính sách giảm nghèo chung và huy động các nguồn lực khác nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Chú trọng đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu nhằm tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.  Đẩy mạnh thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP), áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi, trồng trọt, thực hiện thâm canh cây trồng có hiệu quả. Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên cơ sở khai thác lợi thế đất đai, khí hậu của địa phương gắn với nhu cầu thị trường. Triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; tạo việc làm thường xuyên cho lao động nông thôn./.

Hoàng Vũ

Xem thêm