Xây dựng nông thôn mới ở Bắc Kạn:

Kỳ 4: Để nông thôn là nơi đáng sống

Những ai đã từng đến Bắc Kạn, đến thành phố Bắc Kạn đều có nhận định rằng: Đây là tỉnh miền núi có cảnh quan xanh - sạch - đẹp, thân thiện, an toàn và đáng sống.

Những ai đã từng đến Bắc Kạn, đến thành phố Bắc Kạn đều có nhận định rằng: Đây là tỉnh miền núi có cảnh quan xanh - sạch - đẹp, thân thiện, an toàn và đáng sống.

Du khách chụp ảnh trải nghiệm tại đồi chè thôn Phiêng An, xã Quang Thuận (Bạch Thông).
Du khách chụp ảnh trải nghiệm tại đồi chè thôn Phiêng An, xã Quang Thuận (Bạch Thông).

Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM

Khác với nhiều thành phố trên cả nước luôn phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường và tắc đường, cùng nhiều vấn đề an sinh xã hội, thì thành phố Bắc Kạn là điểm sáng trong phát triển đô thị, gắn liền với công tác bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan. Với núi rừng hùng vĩ bao quanh giúp thành phố Bắc Kạn có không khí trong lành quanh năm, khí hậu mát mẻ, dễ chịu hơn bất cứ nơi nào. Không những thế, Bắc Kạn còn là thành phố thân thiện, mến khách và an toàn.

Theo hướng Đông từ thành phố Bắc Kạn đi huyện Chợ Đồn chừng 7km, vượt cây cầu treo bắc qua dòng sông Cầu thơ mộng với làn nước trong xanh là tới Phiêng An- thôn NTM nâng cao thuộc xã Quang Thuận (Bạch Thông). Tại đây, du khách có thể hòa mình với thiên nhiên mát lành, trải nghiệm cùng đồng bào trên những đồi chè xanh ngút ngàn, những vườn cam, quýt, ổi, thanh long... sai trĩu quả được chăm sóc theo tiêu chí hoa quả sạch đạt tiêu chuẩn OCOP. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ tập trung ưu tiên đầu tư, xây dựng mô hình điểm về du lịch nông thôn tại thôn nhằm thu hút khách du lịch đến với Bắc Kạn.

Cách thành phố Bắc Kạn khoảng 15km, Chúa Lải, xã Thanh Vận (Chợ Mới) hiện vẫn còn giữ được bản sắc văn hóa đặc trưng của người Tày với các làn điệu sli, lượn và ẩm thực bản địa. Đồng bào nơi đây còn giữ được một số ngôi nhà sàn cổ và nhận thức khá tốt về phát triển du lịch cộng đồng, biết tạo cảnh quan, có ý tưởng tạo ra các sản phẩm phục vụ du lịch. Từ năm 2017 đến nay, một số công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành đã đưa khách du lịch đến thôn trải nghiệm, tìm hiểu về phong tục tập quán của người Tày. Du khách được trực tiếp cùng người dân chế biến những món ăn truyền thống, làm các loại bánh; cày, cấy và thu hoạch lúa, ngô, trồng rau, đan lát một số vật dụng gia đình...

Cùng với đó, tỉnh đang tích cực kêu gọi, khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất du lịch chất lượng cao tại các khu, điểm du lịch trọng tâm như: Khu du lịch Ba Bể; khu sinh thái, nghỉ dưỡng Đồn Đèn; khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng hồ Nặm Cắt; khu du lịch sinh thái, nông thôn gắn với lịch sử ATK Chợ Đồn; khu di tích lịch sử Phja Khao; thác Nà Khoang; hồ Bản Chang...

Trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều khu dân cư, làng bản có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn. Giai đoạn 2021-2025 tỉnh dự kiến đầu tư cho một số thôn, bản để xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng. Việc xây dựng các mô hình điểm du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM không chỉ góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế khu vực nông thôn, mà còn từng bước đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, tạo ra sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng, có thương hiệu, sức cạnh tranh, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử văn hóa dân tộc.

Xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc

Quan điểm của tỉnh trong suốt quá trình thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới thể hiện rõ: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chiến lược, xây dựng nông thôn mới là căn bản, tái cơ cấu nông nghiệp là then chốt, người nông dân là chủ thể” và “Xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh chủ trương phát huy kết quả đạt được của giai đoạn 10 năm qua đề ra chương trình, mục tiêu cụ thể sát với tình hình thực tế, tập trung xây dựng thôn nông thôn mới ở các xã khó khăn; phát động các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, xác định tiêu chí, nhiệm vụ cụ thể. Trong đó cần xuất phát từ mục tiêu cốt lõi nhất của Chương trình đó là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân từ tổ chức sản xuất, giảm nghèo, tăng thu nhập, cải thiện môi trường sống. Bên cạnh đó, cần có giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém, khơi dậy tiềm năng, lợi thế, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, nhất là ở cơ sở, huy động các nguồn lực, đặc biệt là sự hỗ trợ của Trung ương để tạo động lực phát triển.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh dự kiến cần khoảng 8.200 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước; vốn lồng ghép các chương trình, dự án khác; vốn doanh nghiệp, hợp tác xã; vốn huy động từ người dân và cộng đồng... để thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; bảo vệ môi trường sinh thái; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, tạo tiền đề vững chắc cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

Giai đoạn 2021-2025 tỉnh phấn đấu có thêm 01 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; thêm 41 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trung bình mỗi năm phấn đấu từ 8-9 xã đạt chuẩn nông thôn mới; ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã dưới 10 tiêu chí. Phấn đấu có 60% số thôn của các xã thuộc phạm vi Đề án 1385 được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 30% số thôn thuộc các xã khác được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020 (tương đương 54 triệu đồng/người/năm).

Để cụ thể hóa mục tiêu trên, tỉnh đề ra một số giải pháp căn bản, đó là: Tiếp tục quán triệt và triển khai các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới với phương châm “Xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”. Do đó phải thực chất, lấy việc nâng cao đời sống của người dân làm mục tiêu; xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị, cần kiên trì, tập trung cao lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả thực hiện, xác định đây là thước đo sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với đời sống người dân.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân để khơi dậy tiềm năng, lợi thế của địa phương. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách thực hiện chương trình về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, xây dựng nông thôn mới, OCOP..., điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất, nhất là hợp tác xã nông nghiệp, ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp, chú trọng phát triển lâm nghiệp gắn với giảm nghèo bền vững, phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới…

Xây dựng nông thôn mới tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể tỉnh Bắc Kạn trong thời gian tiếp theo. Đây là một chương trình liên tục và không có điểm dừng với mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống của người dân, xây dựng kết cấu hạ tầng, cải thiện môi trường nông thôn để không chỉ có một khu vực nông thôn phát triển bền vững mà còn hướng tới xây dựng từng thôn, xã nông thôn mới đáng sống./.

Hết

BKĐT

Xem thêm