Xây dựng nông thôn mới ở Bắc Kạn:

Kỳ 3: Bài học kinh nghiệm rút ra

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên, an ninh được bảo đảm, diện mạo nông thôn vùng cao có nhiều khởi sắc. Qua quá trình triển khai, thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, tỉnh rút ra một số bài học kinh nghiệm.

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên, an ninh được bảo đảm, diện mạo nông thôn vùng cao có nhiều khởi sắc. Qua quá trình triển khai, thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, tỉnh rút ra một số bài học kinh nghiệm.

Người dân Pác Nặm chung sức xây dựng nông thôn mới.
Người dân Pác Nặm chung sức xây dựng nông thôn mới.

Làm tốt công tác định hướng, vận động Nhân dân

Qua tổng kết, đúc rút kinh nghiệm hơn 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010-2020, với một số yếu tố chính mang lại thuận lợi trong quá trình xây dựng NTM ở Bắc Kạn, đó là: Sự vào cuộc quyết liệt, sáng tạo của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; làm tốt công tác định hướng, vận động quần chúng nhân dân đồng thuận tham gia xây dựng NTM với quan điểm: Xây dựng NTM chính là làm cho người dân và vì người dân nông thôn; cộng đồng dân cư được xác định vừa là chủ thể, vừa là nguồn lực, cũng vừa là đối tượng được thụ hưởng khi xây dựng NTM theo phương châm “Dân biết - dân bàn - dân làm - dân kiểm tra”.

Chương trình nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, công tác chỉ đạo quyết liệt, công tác kiểm tra được thực hiện thường xuyên, kịp thời. Ngay từ năm đầu giai đoạn, các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện chương trình. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai Chương trình.

Tỉnh ủy quan tâm, phân công các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị của tỉnh có kế hoạch, nội dung công việc cụ thể giúp đỡ các xã khó khăn xây dựng nông thôn mới. UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nội dung để nâng cao hiệu quả, chất lượng trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới... Các địa phương triển khai lồng ghép có hiệu quả chính sách, cơ chế hỗ trợ của tỉnh như: Hỗ trợ xi măng cứng hóa đường giao thông nông thôn, phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ doanh nghiệp khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp…

Đề cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên

Xác định xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, là một chương trình tổng hợp bao trùm tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội ở nông thôn, đồng thời là chương trình thiết thực, hiệu quả và có tính nhân văn cao. Theo đó chương trình chính là của dân, vì dân và do chính người dân là chủ thể thực hiện. Để thực hiện có hiệu quả các nội dung của chương trình, công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn có vai trò hết sức quan trọng. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong triển khai Chương trình trên toàn tỉnh. Đề cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành. Công tác lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp phải thật sự chủ động, sáng tạo, quyết liệt; lựa chọn các phần việc mang tính đột phá để tập trung chỉ đạo thực hiện, xây dựng mô hình điểm để nhân rộng; chú trọng việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và gắn với công tác thi đua, khen thưởng.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, Nhân dân trên toàn tỉnh đã hiến hơn 300.000m2 đất để thực hiện các công trình phúc lợi, đóng góp ngày công và hiện vật trị giá trên 250 tỷ đồng. Hơn 10 năm qua, hội viên nông dân trên toàn tỉnh đã đóng góp gần 10 tỷ đồng, hơn 614.000 công lao động để làm mới, sửa chữa gần 1.800km kênh mương, trên 1.300km đường giao thông nông thôn, tu sửa, làm mới 219 cầu, cống, 368 phòng học, nhà họp thôn và các công trình phúc lợi khác ở nông thôn.

Cuộc vận động “Tuổi trẻ Bắc Kạn chung tay xây dựng nông thôn mới” đã được các cấp bộ Đoàn trong tỉnh triển khai sâu rộng, đạt được kết quả tích cực với nhiều công trình, phần việc cụ thể như: Huy động nguồn lực xây dựng 11.257 công trình, phần việc thanh niên trị giá trên 9 tỷ đồng; làm mới, nâng cấp, sửa chữa 670km đường liên thôn, nạo vét hơn 520km kênh mương; xây dựng mới 56 nhà văn hoá thôn, nhà nhân ái; đảm nhận thực hiện 105 tuyến đường thanh niên tự quản, đoạn đường xanh - sạch - đẹp; xây dựng hơn 30km công trình “Thắp sáng đường quê”, lắp 2.580 bóng đèn chiếu sáng tại các ngõ hẻm...

Nhiều cá nhân tiêu biểu về hiến đất để làm và xây dựng các công trình phúc lợi đã được UBND tỉnh biểu dương, khen thưởng như: Ông Hoàng Thanh Kim, xã Xuân La (Pác Nặm); tập thể thôn Bản Chang, xã Đức Vân (Ngân Sơn); ông Lý Tiến Kim, xã Nghĩa Tá (Chợ Đồn); ông Triệu Văn Thiên, xã Thượng Giáo (Ba Bể)…

Hơn 10 năm qua, thầy và trò Điểm trường Bản Sáp, xã Xuân La (Pác Nặm) không còn nơm nớp lo sợ mỗi khi mùa mưa đến, bởi nghĩa cử cao đẹp của ông Hoàng Thanh Kim. Thời điểm là Chủ tịch UBND xã Xuân La, ông Kim đã tự nguyện hiến toàn bộ đất mình đang ở tại thôn Bản Sáp cho địa phương để xây dựng điểm trường, còn gia đình ông tìm chỗ đất khác để làm nhà.

Ông Hoàng Thanh Kim chia sẻ: Điểm trường Bản Sáp khi đó hằng năm có trung bình từ 17 đến 18 học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 theo học. Để đến trường học, mỗi ngày các cháu phải đi qua con suối nước chảy xiết, đặc biệt nguy hiểm vào mùa mưa lũ. Khi Nhà nước có chủ trương đầu tư xây cho thôn điểm trường mới nhưng chưa tìm được địa điểm để triển khai, tôi đã bàn với gia đình hiến toàn bộ diện tích đất đang ở rộng khoảng hơn 200m2 để xây dựng điểm trường.

Cũng như ông Kim, ông Ma Văn An, thôn Nà Muồng, xã Giáo Hiệu (Pác Nặm) đã tình nguyện hiến gần 200m2 đất để làm nhà họp thôn; ông Lý Văn Tu, dân tộc Mông ở thôn Phja Đeng, xã Nghiên Loan (Pác Nặm) sẵn sàng dùng máy xúc của gia đình giúp đỡ đồng bào khai hoang ruộng bậc thang, mở đường đến các khu dân cư trong thôn với suy nghĩ giản đơn “Giúp đỡ đồng bào trong bản mình cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới”...

Xã hội hóa nguồn lực thực hiện Chương trình

Công tác xã hội hóa các nguồn lực xây dựng NTM được tỉnh chú trọng thực hiện, bởi  nguồn thu thấp, nếu chỉ dựa vào ngân sách nhà nước sẽ không hoàn thành được mục tiêu xây dựng NTM. Đây là bài toán khá nan giải, tuy nhiên với cách thức vừa học, vừa làm, vừa đúc rút kinh nghiệm, vừa tổng kết thực tiễn, tỉnh đã sớm đề ra quan điểm: Xây dựng nông thôn mới trước hết phải xuất phát từ việc khai thác nội lực, từ chính cộng đồng dân cư, với phương châm “Người dân là chủ thể xây dựng NTM”; Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ, các xã, thị trấn, các thôn, bản và người dân nông thôn phải chủ động trong xây dựng NTM, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Tỉnh đã phân công các sở, ngành, đơn vị giúp đỡ các xã khó khăn xây dựng nông thôn mới; vận động các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn đóng góp tiền, công trình; tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân đóng góp tiền, đất đai, ngày công lao động. Giai đoạn 2011-2020, tổng vốn huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới là hơn 16.692 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hơn 1.243 tỷ đồng; ngân sách địa phương hơn 167 tỷ đồng, vốn lồng ghép các chương trình, dự án khác hơn 827 tỷ đồng; vốn tín dụng hơn 14.116 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp hơn 5,5 tỷ đồng; vốn huy động từ người dân và cộng đồng hơn 322 tỷ đồng; vốn khác gần 10 tỷ đồng.

Tại huyện vùng cao Pác Nặm, thời gian qua, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào lớn, có sức lan tỏa mạnh mẽ và được Nhân dân đồng tình ủng hộ. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được chú trọng đầu tư, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất được người dân quan tâm… Đặc biệt, những năm qua, huyện đã thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án như: Chương trình 30a, 135, CSSP… qua đó góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng cao.

Đồng chí Đào Duy Hưng- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Pác Nặm cho biết: Đến nay huyện Pác Nặm có 2 xã đạt từ 15 - 19 tiêu chí (Bộc Bố, Giáo Hiệu); 1 xã đạt 14 tiêu chí, 7 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí. Riêng xã Bộc Bố phấn đấu về đích nông thôn mới trong năm 2021, hiện đang rà soát để công nhận đạt chuẩn theo quy định. Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo các địa phương tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với điều kiện thực tế. Mục tiêu đề ra đến hết năm 2021, bình quân toàn huyện đạt 12,1 tiêu chí/ xã.../.

(Còn nữa)

BKĐT

Xem thêm