Xây dựng nông thôn mới ở Bắc Kạn:

Kỳ 2: Khó khăn trong xây dựng nông thôn mới

Giao thông, thu nhập và hộ nghèo là những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, có vai trò thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nhưng đây cũng là các tiêu chí “khó” đối với tỉnh miền núi Bắc Kạn trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Mô hình trồng dưa lưới của HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố (Chợ Mới).
Mô hình trồng dưa lưới của HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố (Chợ Mới).

Kết quả xây dựng nông thôn mới của tỉnh mặc dù có những chuyển biến tích cực nhưng nhiều địa phương, nhất là các xã vùng đặc biệt khó khăn, xã thuộc huyện nghèo việc triển khai còn hạn chế, có sự chênh lệch khá lớn so với các xã có điều kiện thuận lợi hơn. Nhu cầu xây dựng nông thôn mới của các xã trong tỉnh là rất lớn, đặc biệt là xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên khả năng huy động nguồn lực còn hạn chế, ngân sách của tỉnh hạn hẹp, chủ yếu trông chờ từ Trung ương nên cũng ảnh hưởng phần nào đến việc hoàn thành mục tiêu xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn. Vốn huy động trong Nhân dân rất hạn chế do đời sống và thu nhập của người dân còn thấp, vốn tín dụng khó tiếp cận, vốn xã hội hóa không nhiều. Điều kiện, vị trí địa lý của một số xã vùng sâu, vùng xa quá khó khăn cho thực hiện các mô hình phát triển sản xuất, xây dựng hạ tầng đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, khó khăn trong việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách, trong khi ngân sách nhà nước phân bổ bình quân cho tất cả các xã nên việc hoàn thành tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng khó đạt…

Công tác giảm nghèo chưa bền vững, đời sống của một bộ phận người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Thu nhập khu vực nông thôn tuy có tăng nhưng vẫn ở mức thấp, khoảng cách chênh lệnh thu nhập giữa khu vực nông thôn và thành thị còn cao. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm, song chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo và phát sinh hộ nghèo còn cao...

Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, bên cạnh các tiêu chí như: Giao thông, Nhà ở, Cơ sở vật chất văn hóa thì tiêu chí số 10 Thu nhập được đánh giá khó thực hiện nhất trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới đối với các xã trên địa bàn tỉnh. Đến nay, còn nhiều xã chưa đạt tiêu chí này, với những xã đã đạt chuẩn nông thôn mới thì việc giữ vững tiêu chí này cũng còn nhiều khó khăn. Toàn tỉnh hiện có 16 xã đạt tiêu chí Thu nhập, 31 xã đạt tiêu chí Hộ nghèo. Nguyên nhân là do đời sống của người dân, nhất là Nhân dân vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, thiếu sinh kế bền vững, chịu nhiều rủi ro, thiên tai, dịch bệnh, biến động giá cả thị trường...

Tại huyện Ba Bể, sau hơn 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn vùng cao của huyện đã có sự thay đổi tích cực. Cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, các điều kiện về y tế, giáo dục, văn hóa và đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, chính quyền địa phương vẫn đang gặp “khó” với hai tiêu chí Thu nhập và Hộ nghèo. Hiện nay thu nhập bình quân khu vực nông thôn trên địa bàn huyện mới đạt 26 triệu đồng/người/năm, trong khi đó quy định về tiêu chí Thu nhập phải đạt từ 36 triệu đồng/người/năm trở lên. Đến nay toàn huyện mới có 3/14 xã đạt tiêu chí Thu nhập; 4/14 xã đạt tiêu chí Hộ nghèo.

Bí thư Đảng ủy xã Yến Dương Vi Văn Hữu cho biết: “Tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện còn 24%, thu nhập bình quân đạt hơn 21 triệu đồng/người/năm. Để tăng mức thu nhập cho người dân, thời gian qua xã đã tranh thủ các nguồn lực, hỗ trợ thực hiện các mô hình phát triển kinh tế như: Trồng bí xanh thơm, dong riềng, trồng rừng, chăn nuôi. Tuy nhiên quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán, thiếu ổn định, trình độ sản xuất của người dân không đồng đều, khả năng cạnh tranh kém, phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị còn hạn chế nên mới chỉ dừng lại ở việc giúp người dân có thêm nguồn thu nhập ổn định để cải thiện cuộc sống chứ chưa nâng cao mức thu nhập theo tiêu chí”.

Đối với tiêu chí Giao thông, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Dương Ngọc Thuyết cho biết: Ngành đã phối hợp với Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh góp ý vào dự thảo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao đối với tiêu chí Giao thông sát với điều kiện kinh tế, địa lý của tỉnh; hướng dẫn áp dụng thực hiện tiêu chí này phù hợp với đặc điểm của địa phương; góp ý sửa đổi một số nội dung về giao thông vào các văn bản, hướng dẫn do Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới ban hành. Đơn cử như: Hướng dẫn số 62/HD-VPĐP với các nội dung góp ý sửa đổi cụ thể là: “Đường ngõ xóm có chiều rộng mặt đường tối thiểu là 1,5m; đường ngõ, xóm được cứng hóa bằng các loại vật liệu sau: Rải bê tông, lát bằng gạch, đá xẻ hoặc rải các vật liệu có lu lèn bằng cấp phối sông suối, cấp phối đồi, đá dăm, gạch vỡ, vật liệu tận dụng kết cấu mặt đường cũ bóc đi, tỷ lệ cứng hóa 50% trở lên” thay vì những tiêu chí ban đầu khó thực hiện tại các địa phương vùng cao của tỉnh...

Huyện Bạch Thông là địa phương đạt được những kết quả khá toàn diện trong xây dựng nông thôn mới với 4 xã về đích. Tuy nhiên, thực tế cho thấy khi triển khai thực hiện Chương trình tại địa phương thì vẫn gặp một số khó khăn. Trong đó, tiến độ thực hiện còn chậm, tiêu chí về cơ sở hạ tầng của các xã hiện nay đạt thấp, nhất là đường giao thông nông thôn tỷ lệ cứng hóa đạt thấp; cơ sở vật chất văn hóa chưa đạt theo chuẩn, tiêu chí về môi trường đạt thấp và kém bền vững. Huyện vẫn còn 9 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 12%…

Đồng chí Quách Đăng Quý- Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Đối với tỉnh miền núi như Bắc Kạn, bên cạnh tiêu chí Giao thông thì khó khăn nhất vẫn là tiêu chí Thu nhập và Hộ nghèo. Đây là vấn đề cần có sự vào cuộc quyết liệt không những của chính quyền địa phương mà còn của người dân. Để nâng cao thu nhập cho người dân, hoàn thành tiêu chí Thu nhập, đòi hỏi chính quyền các địa phương cần tập trung xây dựng các mô hình phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất phù hợp. Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi, trồng trọt. Triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm thường xuyên cho lao động nông thôn... Cùng với đó, người dân cần nâng cao ý thức về tổ chức sản xuất hàng hóa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, giúp cho sản xuất bền vững, ổn định.../.

(Còn nữa)

BKĐT

Xem thêm