Xây dựng nông thôn mới ở Bắc Kạn:

Kỳ 1: Chặng đường 11 năm xây dựng nông thôn mới

Với quan điểm xây dựng nông thôn mới là một chương trình liên tục và không có điểm dừng, với mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống của người dân nông thôn, xây dựng kết cấu hạ tầng, cải thiện môi trường nông thôn để không chỉ có một khu vực nông thôn phát triển bền vững mà còn hướng tới xây dựng từng thôn, xã nông thôn mới đáng sống và là nơi muốn trở về, sau hơn 11 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Bắc Kạn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên.



Các sản phẩm nông sản của Bắc Kạn được bày bán tại một số siêu thị trong và ngoài tỉnh.
Các sản phẩm nông sản của Bắc Kạn được bày bán tại một số siêu thị trong và ngoài tỉnh.

Từ chủ trương đến thực tiễn

Thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (Chương trình) giai đoạn 2010 - 2020, ngày 12/5/2011, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2020. Khi bắt đầu triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới tại 112 xã, lúc đó tỉnh Bắc Kạn có xuất phát điểm các xã thấp, số tiêu chí bình quân mới đạt 2,94 tiêu chí/xã, 100% số xã đạt dưới 07 tiêu chí, có 93 xã đạt dưới 05 tiêu chí.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình, Tỉnh ủy tiếp tục ban hành các văn bản như: Công văn số 2505, 381, 2656(1). Theo đó, phân công các sở, ngành, đơn vị giúp đỡ các xã khó khăn trong xây dựng nông thôn mới. UBND tỉnh phát động phong trào “Bắc Kạn chung sức xây dựng nông thôn mới”; Ban Chỉ đạo của tỉnh, huyện đã kịp thời chỉ đạo, ban hành các văn bản, hướng dẫn triển khai và tổ chức thực hiện các nội dung của Chương trình. Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong việc tham mưu ban hành các cơ chế chính sách, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các nội dung chương trình, phân bổ nguồn vốn và công tác kiểm tra, giám sát, nắm tình hình việc thực hiện xây dựng nông thôn mới tại cơ sở được quan tâm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Cùng với đó, là sự vào cuộc tích cực của Ủy ban MTTQ các cấp, các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở bằng các phong trào thi đua, các cuộc vận động hướng vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng”; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn hóa”, “Cựu chiến binh thi đua làm kinh tế giỏi”; xây dựng công trình “Thắp sáng đường quê”, “Tuổi trẻ Bắc Kạn chung tay xây dựng nông thôn mới”... Các phong trào, các cuộc vận động đã góp phần tích cực xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, xây dựng các thiết chế văn hóa, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cải thiện mức sống của người dân tại khu vực nông thôn.

Giai đoạn 2011-2020, tổng vốn huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới là hơn 16.692 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hơn 1.243 tỷ đồng; ngân sách địa phương hơn 167 tỷ đồng, vốn lồng ghép các chương trình, dự án khác hơn 827 tỷ đồng; vốn tín dụng hơn 14.116 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp hơn 5,5 tỷ đồng; vốn huy động từ người dân và cộng đồng hơn 322 tỷ đồng; vốn khác gần 10 tỷ đồng. Từ các nguồn vốn này, toàn tỉnh đã thực hiện cứng hóa được hơn 1.000km đường trục thôn, liên thôn; cứng hóa hơn 430km đường ngõ, xóm...; đến nay có 36 xã đã hoàn thành tiêu chí Giao thông; hoàn thiện hơn 1.100km kênh mương thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp...; các tiêu chí khác được quan tâm đầu tư thực hiện bảo đảm đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở các địa phương.

Từ chủ trương đúng đắn, cấp ủy, chính quyền Nhân dân trong toàn tỉnh đã đồng tình hưởng ứng thực hiện chương trình, một số địa phương đã phát huy được tiềm năng, lợi thế, tập hợp được sức mạnh toàn dân, chung tay thực hiện và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đến hết năm 2020, thu nhập bình quân của tỉnh đạt trên 40 triệu đồng/người/năm.  Cụ thể, các xã đã thực hiện hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao như: Xã Quang Thuận, Cẩm Giàng, Dương Phong (Bạch Thông); xã Kim Lư (Na Rì); xã Đồng Thắng, Yên Thượng (Chợ Đồn); xã Nông Thượng, Dương Quang (TP. Bắc Kạn)... 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là Quang Thuận (Bạch Thông), Kim Lư (Na Rì). Nhiều địa phương đã cụ thể hóa các chính sách của Trung ương, của tỉnh, chủ động ban hành cơ chế, chính sách, lồng ghép các nguồn vốn phù hợp với điều kiện của từng nơi. Nhờ vậy, điều kiện sống cả về vật chất lẫn tinh thần của đại bộ phận người dân ở nông thôn được nâng cao rõ rệt.

Thúc đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH nông thôn

Để nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển nhanh và bền vững, tỉnh Bắc Kạn tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường; tập trung trồng rừng gắn với công nghiệp chế biến gỗ để nâng cao giá trị kinh tế rừng(2). Theo đó, tỉnh tập trung phát triển một số cây trồng có thế mạnh như: Các giống lúa địa phương Bao thai, Khẩu Nua Lếch; cây dong riềng, cây thuốc lá; đầu tư thâm canh, tăng năng suất số diện tích cây ăn quả cam, quýt, hồng không hạt; phát triển chăn nuôi lợn theo hướng gia trại, trang trại gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; phát triển lâm nghiệp gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trong đó ưu tiên phát triển trồng rừng gỗ lớn và cải tạo diện tích rừng kinh doanh gỗ nhỏ thành rừng kinh doanh gỗ lớn. Tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư chế biến tinh các sản phẩm lâm sản sử dụng hết nguồn nguyên liệu tại địa phương... Nhờ đó đã góp phần quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác.

Đến nay Bắc Kạn đã có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; bình quân cả tỉnh đạt 12,25 tiêu chí/xã, tăng 7,89 tiêu chí so với năm 2010; tăng 2,85 tiêu chí so với năm 2015; có 28 thôn đạt Bộ tiêu chí thôn nông thôn mới cấp thôn; thành phố Bắc Kạn đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, toàn tỉnh đã từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển nhãn hiệu hàng hóa theo chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Điển hình như: Nhãn hiệu tập thể gạo Bao thai, chè Shan tuyết Chợ Đồn; miến dong Bắc Kạn; gạo nếp Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn và chứng nhận chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm quýt Bắc Kạn, hồng không hạt… Giá trị từ sản xuất nông nghiệp được nâng cao, bình quân giá trị sản xuất theo giá so sánh giai đoạn 2016-2020 đạt 3.465 tỷ đồng, tăng 646 tỷ đồng so với giai đoạn 2011-2015.

Thực hiện Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP), gắn với giảm nghèo và tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thu nhập của người dân ngày một nâng cao, phát triển bền vững. Đề án OCOP đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức kinh tế hưởng ứng, nhiệt tình tham gia. Đến nay, toàn tỉnh có 131 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó, 1 sản phẩm được công nhận 5 sao cấp quốc gia, 12 sản phẩm 4 sao, 118 sản phẩm 3 sao, đã có sản phẩm xuất khẩu sang châu Âu và Nhật Bản như miến dong, mơ, gừng. Đặc biệt, Bắc Kạn là tỉnh đầu tiên của cả nước đã thành lập được Hội Doanh nhân OCOP với hơn 90 hội viên tham gia.

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn Bắc Kạn được nâng lên, an ninh nông thôn được bảo đảm, diện mạo nông thôn khởi sắc. Nhận thức của đại bộ phận người dân đã thay đổi, thấy được nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới; coi xây dựng nông thôn mới là việc của chính mình, gia đình mình, mình làm cho mình; bản thân, gia đình mình trực tiếp hưởng lợi, cộng đồng hưởng lợi và chủ động tham gia thực hiện. Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giảm tỷ lệ nghèo của tỉnh từ 32,13% (năm 2010) xuống còn 18,51% (năm 2020) theo chuẩn nghèo đa chiều.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa: Ngoài những kết quả đã đạt được, việc thực hiện Chương trình cũng còn nhiều khó khăn thử thách như: Các xã ở vùng đặc biệt khó khăn, xã thuộc huyện nghèo, việc triển khai xây dựng nông thôn mới chưa đạt được như mong muốn; nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất ở các xã còn mang tính nhỏ lẻ, hỗ trợ đầu tư dàn trải, chưa thực sự phát huy được lợi thế của địa phương, chưa tạo ra được các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa; quy mô sản xuất còn manh mún, phân tán, tự phát, thiếu ổn định; trình độ sản xuất không đồng đều; khả năng cạnh tranh kém; phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị còn hạn chế.../.

(1) Công văn số 2505-CV/TU ngày 20/5/2015 về việc giúp đỡ xã khó khăn xây dựng nông thôn mới; Công văn số 381-CV/TU ngày 09/9/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc phân công các đơn vị giúp đỡ xã khó khăn xây dựng nông thôn mới; Công văn số 2656-CV/TU ngày 26/4/2019 về việc giúp đỡ xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2019-2020.

(2) Đề án phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường; tập trung trồng rừng gắn với công nghiệp chế biến gỗ để nâng cao giá trị kinh tế rừng tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2016 - 2020./.

(Còn nữa)

BKĐT

Xem thêm