Sức dân ở Lủng Mình

Là thôn vùng cao còn nhiều khó khăn, nhưng đồng bào dân tộc Dao thôn Lủng Mình, xã Đồng Phúc (Ba Bể) không ngần ngại đóng góp công sức, hiến đất, tiền của để mở đường vào thôn phục vụ nhu cầu đi lại và thông thương phát triển kinh tế.

Là thôn vùng cao còn nhiều khó khăn, nhưng đồng bào dân tộc Dao thôn Lủng Mình, xã Đồng Phúc (Ba Bể) không ngần ngại đóng góp công sức, hiến đất, tiền của để mở đường vào thôn phục vụ nhu cầu đi lại và thông thương phát triển kinh tế.

Đường vào thôn Lủng Mình đã được bê tông hóa.
Đường vào thôn Lủng Mình đã được bê tông hóa.

Vượt quãng đường hơn 30km từ trung tâm huyện Ba Bể, chúng tôi đến xã Đồng Phúc vào một chiều mưa. Biết chúng tôi có ý định lên thôn vùng cao Lủng Mình để tìm hiểu về cách người Dao nơi đây làm đường giao thông nông thôn, đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Quỳnh hồ hởi dẫn đường.

Lủng Mình cách trung tâm xã hơn 4km, đi qua khu vực Nhà máy thủy điện Tà Làng rồi ngược lên núi. Thôn nằm lưng chừng núi, phía dưới là những thửa ruộng bậc thang, hai bên có những vạt rừng keo, mỡ xanh ngát. Là thôn vùng cao khó khăn của xã với 40 hộ đồng bào dân tộc Dao sinh sống, người dân Lủng Mình chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 50%.

Từng có nhiều năm làm Trưởng thôn, Bí thư chi bộ, người có uy tín ở Lủng Mình, ông Triệu Khải Sinh không bao giờ quên những ngày tháng trực tiếp đi khảo sát rồi tuyên truyền, vận động bà con phá đá mở đường vào thôn. Ông cho biết, người dân trong thôn chung sức mở đường từ khoảng năm 2003, trước cả khi Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới được triển khai.

Khoảng chục năm về trước, đường vào thôn vô cùng gian nan, là con đường mòn toàn đá hộc, nhiều tảng đá to chắn ngang đường khiến đường lên thôn chỉ vừa người đi bộ. Vận chuyển hàng hóa bằng xe máy và phương tiện khác là điều vô cùng khó khăn. Nhận thấy việc mở đường là vô cùng quan trọng, năm 2003 ông Sinh lúc bấy giờ đang là Trưởng thôn đã vận động bà con đóng góp tiền, huy động quỹ của thôn và vay thêm ngân hàng được tổng số tiền 40 triệu đồng để thuê máy xúc san gạt mở 600m đường vào thôn. Nhiều đoạn đi qua phần đất của thôn bên cạnh, bà con cũng bàn bạc, thống nhất đóng góp tiền để mua đất mở rộng đường. Ông Sinh vẫn nhớ có những ngày bà con trong thôn làm 3 ca, có ngày 4 ca khoan phá đá, đưa máy ủi vào san gạt, lúc đó thôn Lủng Mình như một công trường.

Những năm sau đó, với sự đóng góp của con em địa phương công tác xa nhà, sự đóng góp của các chi hội, đoàn thể, nguồn xã hội hóa và các chương trình, dự án hỗ trợ, bà con lại tiếp tục mở các đoạn tiếp theo. Sau nhiều năm, thôn Lủng Mình đã mở rộng được gần 4km đường nội thôn, mặc dù là đường đất nhưng đã giúp bà con đi lại thuận tiện hơn.

Nhờ có sự chung sức, đồng lòng của bà con trong việc mở rộng mặt bằng nên đến cuối năm 2020 Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình 30a đã hỗ trợ bê tông hóa đường vào thôn một cách nhanh chóng và thuận tiện. Trong đó, bà con nhân dân thôn Lủng Mình đóng góp hơn 300 công lao động với phương châm "Nhà nước và Nhân dân cùng làm". Đến tháng 01/2021 tuyến đường nội thôn bê tông hóa đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Không chỉ mở đường nội thôn, bà con nhân dân còn mở đường vào khu sản xuất phục vụ cho phát triển kinh tế.

Trưởng thôn Triệu Xuân Phương cho biết: Trong quá trình mở đường giao thông, công tác tuyên truyền, vận động khá thuận lợi, bà con chung sức, đồng lòng trong việc phá đá mở rộng đường, tạo điều kiện thuận lợi để bê tông tuyến đường về sau này. Hiện, tuyến đường vào trung tâm thôn đã được bê tông hóa, ai nấy đều phấn khởi, vì từ nay việc đi lại, thông thương phát triển kinh tế thuận lợi.

Thôn Lủng Mình có khoảng 300ha rừng sản xuất, diện tích đất trồng lúa 2 vụ hơn 20ha, 12ha chè Shan tuyết. Việc mở đường vào thôn có ý nghĩa rất quan trọng giúp nông, lâm sản làm ra tiêu thụ, vận chuyển thuận lợi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Đồng chí Hoàng Văn Quỳnh- Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Phúc cho biết: Những năm gần đây Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới của địa phương đã đạt được những kết quả nhất định. Đặc biệt là vai trò của Chi bộ, Ban Công tác Mặt trận, các đoàn thể và bà con nhân dân trong việc góp công, góp sức phát triển kinh tế, hiến đất, giải phóng mặt bằng, xây dựng công trình dân sinh, làm thay đổi diện mạo nông thôn. Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ phối hợp triển khai các dự án phát triển kinh tế phù hợp để bà con thôn Lủng Mình tăng thu nhập, giảm nghèo./.

Hà Thanh

Xem thêm