Mỹ Thanh xây dựng nông thôn mới

Là xã có điểm xuất phát thấp, nhưng với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, xã Mỹ Thanh đã có những kết quả quan trọng sau 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Là xã có điểm xuất phát thấp, nhưng với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, xã Mỹ Thanh đã có những kết quả quan trọng sau 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Xã Mỹ Thanh (Bạch Thông) có tổng diện tích đất tự nhiên 3.323,59ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp 259,37ha. Toàn xã có 539 hộ với 2.139 nhân khẩu gồm 5 dân tộc Tày, Nùng, Dao, Kinh, Sán Chí cùng sinh sống tại 9 thôn bản. Với xuất phát điểm tương đối thấp nên khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới xã chỉ đạt 3/19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới. Đời sống kinh tế của Nhân dân còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 38,03%, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 11 triệu đồng/người/năm.

<span style="font-size:14pt"><span style="line-height:normal"><span style="font-family:&quot;Times New Roman&quot;,serif">Diện mạo kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được đầu tư phát triển.</span></span></span>
Hạ tầng kinh tế - xã hội của xã từng bước được đầu tư.

Ngay sau khi được quán triệt chủ trương, nghị quyết, kế hoạch và các văn bản hướng dẫn từ Trung ương, tỉnh, huyện về xây dựng nông thôn mới, HĐND xã ban hành các nghị quyết thông qua Đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới xã Mỹ Thanh giai đoạn 2011 - 2020, Đề án xây dựng nông thôn mới xã Mỹ Thanh giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020. Hằng năm, UBND xã chủ động xây dựng và ban hành kế hoạch để tổ chức thực hiện trong từng năm; thường xuyên chủ động rà soát đánh giá, kết quả thực hiện các tiêu chí.

Đến nay, xã đã đạt 10/19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới. Diện mạo kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn phát triển, nổi bật nhất là hệ thống kênh mương, 02 trường học, các thiết chế văn hóa, thể thao, tạo ra diện mạo mới cho khu vực nông thôn của xã. Cơ cấu kinh tế nông thôn tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, một số cây trồng, vật nuôi chuyển đổi có hiệu quả cao như: Mô hình chăn nuôi trâu sinh sản, trồng cây ăn quả. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng được đẩy mạnh, chất lượng giáo dục ngày càng tăng. Công tác phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân đạt kết quả tốt, tỷ lệ người dân tham gia BHYT ngày một tăng.

Triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều cách làm hay ở địa phương như: Làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa thôn... Ban phát triển thôn đều tổ chức họp dân bàn bạc cách làm, đóng góp của Nhân dân, phân công các thành viên Ban phát triển thôn làm tổ trưởng phụ trách các tổ thi công các công trình trên địa bàn, qua đó đã đẩy nhanh tiến độ thi công, chất lượng các công trình. Phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM đã mang lại nhiều kết quả, góp phần quan trọng vào kết quả xây dựng NTM của xã. Người dân đã tích cực hiến đất, đóng góp công lao động để làm đường giao thông, kênh mương thủy lợi và các công trình phúc lợi xã hội. Hầu hết các công trình giao thông, thủy lợi đều được người dân hiến đất, công sức để xây dựng. Nhờ đó, việc giải phóng mặt bằng khá thuận lợi, rút ngắn thời gian thi công, tiết kiệm kinh phí. Trong số các cá nhân, hộ gia đình đóng góp xây dựng NTM, có nhiều hộ tiêu biểu, điển hình như các hộ: Đàm Văn Trung, thôn Cây Thị hiến đất làm nhà văn hóa thôn; Ninh Thị Hà hiến đất làm nhà họp thôn Bản Luông 2. Trong 10 năm qua, UBND xã đã khen thưởng 8 tập thể và 7 cá nhân có thành tích tốt trong thực hiện xây dựng NTM.

Bên cạnh những thuận lợi, xã vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới. Do xuất phát điểm thấp, cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp với quy mô nhỏ lẻ; kết cấu hạ tầng còn kém đồng bộ và chưa hoàn chỉnh; việc áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế của Nhân dân còn hạn chế. Chất lượng một số tiêu chí NTM tại xã còn hạn chế. Cảnh quan môi trường nông thôn chưa thật sự xanh - sạch - đẹp. Tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn có xu hướng ngày một gia tăng. Kinh tế hợp tác có phát triển, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu tổ chức lại sản xuất. Liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ còn hạn chế. Việc huy động nguồn lực cho xây dựng NTM còn gặp nhiều khó khăn. Vốn ngân sách nhà nước (kể cả vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác) còn quá thấp so với yêu cầu; vốn huy động trong dân rất hạn chế do thu nhập của người nông dân còn thấp; vốn huy động từ các doanh nghiệp không có. Các giải pháp để đảm bảo tính ổn định, phát triển bền vững, lâu dài còn hạn chế; việc phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả nhằm nâng cao thu nhập cho Nhân dân còn ít.

Nhằm tiếp tục duy trì nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt trong giai đoạn đầu (2010 - 2020), đảm bảo thực sự nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, hướng tới xây dựng nông thôn văn minh. Với mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025 số thôn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới có 02/9 thôn. Số tiêu chí đạt chuẩn là 14/19. Giai đoạn 2025-2030 có 90% số thôn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Số tiêu chí đạt chuẩn là 19/19.

Đồng chí Trịnh Tiến Sơn- Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Thanh cho biết: Trong thời gian tới, xã có những giải pháp nhằm tập trung mọi nguồn lực để đổi mới căn bản hình thức tổ chức sản xuất; xác định rõ tiềm năng, thế mạnh của địa phương để xây dựng sản phẩm chủ lực phù hợp với yêu cầu của sự phát triển. Tăng cường đảm bảo vệ sinh môi trường, sinh thái; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân cùng chung tay, chung sức, đồng lòng trong xây dựng nông thôn mới./.

Bích Ngọc

Xem thêm