Vai trò của hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới

Hoạt động hiệu quả của nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã và đang góp phần quan trọng thực hiện tiêu chí Hình thức tổ chức sản xuất trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Hoạt động hiệu quả của nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã và đang góp phần quan trọng thực hiện tiêu chí Hình thức tổ chức sản xuất trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Tham quan mô hình bí xanh của HTX Yến Dương (Ba Bể).
Tham quan mô hình bí thơm của HTX Yến Dương (Ba Bể).

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các HTX có vai trò hết sức quan trọng, không chỉ nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn thời kỳ hội nhập. Triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM, tỉnh Bắc Kạn xác định HTX chính là “cầu nối” đắc lực trong việc tập hợp nông dân tham gia vào kinh tế hợp tác. Toàn tỉnh hiện có 241 HTX với 2.014 thành viên, tổng vốn điều lệ 222 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước trung bình 1,3 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân của thành viên HTX đạt 45,6 triệu đồng/năm; thu nhập người lao động ước đạt 30 triệu đồng/năm.

Kinh tế tập thể, nòng cốt là các HTX đã góp phần tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đồng thời tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động trong tỉnh. Đến nay, các HTX trong tỉnh cơ bản hoạt động theo Luật HTX 2012. Một số HTX đã mạnh dạn mở rộng sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường, đầu tư máy móc và công nghệ mới, tiêu biểu như: HTX Tài Hoan (Na Rì), HTX Yến Dương (Ba Bể), HTX Nông nghiệp Tân Thành (TP. Bắc Kạn), HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố (Chợ Mới), HTX Cao Phong (Chợ Đồn); HTX Trần Phú (Na Rì); HTX chè Mỹ Phương (Ba Bể),...

Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, các HTX trên địa bàn tỉnh đã củng cố bộ máy, xây dựng phương án sản xuất, đầu tư máy móc, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, nhanh chóng thích nghi với cơ chế thị trường, tăng cường liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế trong hoạt động, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của địa phương.

Đồng chí Trần Ngọc Quang- Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Liên minh HTX Việt Nam và UBND tỉnh, chúng tôi tiếp tục chủ động khắc phục hạn chế nhằm thúc đẩy hoạt động HTX phát triển. Chủ động tăng cường phối hợp với các cấp, ngành, địa phương thực hiện tốt Đề án xây HTX kiểu mới trên địa bàn tỉnh; xây dựng HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, nông sản, hàng hóa có thế mạnh của địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng về phát triển HTX; đổi mới phương thức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý HTX theo hướng đào tạo từ thực tiễn; chú trọng phổ biến kinh nghiệm từ các mô hình HTX hoạt động hiệu quả; khuyến khích các HTX liên doanh, liên kết, xây dựng kế hoạch sản xuất khả thi để tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi... hướng tới phát triển ổn định, bền vững.

Tiêu biểu trong phát triển nâng cao giá trị nông sản địa phương, HTX Yến Dương (Ba Bể) thành lập và hoạt động với phương châm “Chung sức cùng làm và nâng cao giá trị nông sản địa phương”. Với mong muốn giúp đỡ người dân xóa đói, giảm nghèo nên các thành viên HTX chủ yếu là các hộ có kinh tế còn khó khăn (Trong 30 thành viên HTX chỉ có 12 hộ trung bình, còn lại là hộ cận nghèo, hộ nghèo, vừa thoát nghèo). Ngoài ra, HTX còn liên kết sản xuất với gần 200 hộ, phần lớn là hộ cận nghèo, hộ nghèo và vừa thoát nghèo. Những sản phẩm chủ yếu của HTX tập trung vào các sản phẩm thế mạnh địa phương như: Bí thơm, gạo Nếp Tài, miến tráng tay, đan lát truyền thống…

Huyện Bạch Thông hiện có 18 HTX đang hoạt động, trong đó có 03 HTX mới thành lập, 05 HTX hoạt động khá tốt, điển hình như: HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hợp Giang, HTX Đại Hà, HTX Hương Ngàn, HTX Thiên An, HTX Đức Mai… Các hợp tác xã này có doanh thu bình quân khoảng 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 40 lao động với mức thu nhập ổn định.

Hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, huyện Chợ Mới đã và đang thực hiện liên kết với doanh nghiệp để trồng, tiêu thụ nông sản, nhằm giải quyết “đầu ra” cho nông sản, nâng cao giá trị sản xuất, tăng lợi nhuận cho người nông dân. Theo đó, từ năm 2018 đến nay, huyện đã thực hiện ký kết hợp tác với một số doanh nghiệp như: Công ty TNHH thực phẩm Orion Vina; Công ty TNHH Việt Nam MISAKI; Công ty TNHH Dịch vụ nông nghiệp Thanh Nhàn... để trồng, bao tiêu sản phẩm củ khoai tây lòng trắng, củ khoai môn tím và quả mơ. Hình thức liên kết đa dạng, doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư, phân bón, tập huấn khoa học kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân.

Có thể nói, khu vực kinh tế hợp tác, HTX đang cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác xoá đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Thực tế trên địa bàn tỉnh đạt nhiều tiêu chí nông thôn mới và các xã đạt chuẩn xã nông thôn mới trong thời gian qua đều có sự đóng góp quan trọng của HTX. Các HTX đã phát huy vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất. Điều đáng ghi nhận là các HTX trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã làm tốt dịch vụ cho người dân, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và tích lũy từ hoạt động sản xuất để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Đây là một yếu tố và động lực quan trọng góp phần tạo nền tảng thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới./.

Bích Ngọc

Xem thêm