Kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2021)

Những đôi chân “lăn tròn”

Thấu hiểu mong muốn của các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học, những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp đã tuyên truyền, vận động và phối hợp trao tặng nhiều chiếc xe lăn đến các đối tượng khó khăn. Những chiếc xe mang nặng nghĩa tình đã góp phần giúp nhiều mảnh đời bất hạnh vơi bớt khó khăn trong sinh hoạt.

Ông Nguyễn Công Thăng phấn khởi với chiếc xe lăn mới được trao tặng.
Ông Nguyễn Công Thăng phấn khởi với chiếc xe lăn mới được trao tặng.

Theo thống kê chưa đầy đủ, tỉnh Bắc Kạn hiện có hơn 3.000 người bị phơi nhiễm chất độc da cam, trong đó có hơn 200 trường hợp là trẻ em. Phần lớn các đối tượng đều đang nỗ lực vươn lên hòa nhập với cộng đồng. Tuy nhiên còn có những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do chất độc da cam gây ra, nhiều nạn nhân bị ảnh hưởng sức khỏe, dị tật nên đôi chân không thể đi lại. Thấu hiểu được nỗi đau, vất vả đó, những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp đã huy động các nguồn lực, kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng và xã hội để trao tặng những chiếc xe lăn đến tay người cần.

Đến thăm gia đình ông Nguyễn Công Thăng, phường Nguyễn Thị Minh Khai (TP. Bắc Kạn), chúng tôi cảm nhận được niềm vui từ món quà mà ông mới được trao tặng cách đây không lâu. Đưa tay đẩy nhẹ những vòng xe quanh nhà, ông Thăng cười: "Nằm yên trên giường nửa năm, tôi chỉ mong sao có thể ra ngoài cổng để thấy người đi lại. Mới được tặng xe lăn hơn 1 tháng, tôi đã được cháu trai đẩy ra tận đường to để cắt tóc, khát nước cũng tự đi lấy được không phải ngồi chờ nữa. Tôi vui lắm, cảm ơn Hội đã quan tâm, chia sẻ khó khăn với chúng tôi". 

Tham gia quân ngũ từ năm 1959, đến năm 1968 ông Thăng tham gia chiến đấu ở tỉnh Tây Ninh và tỉnh Kiên Giang. Đến năm 1976, ông ra quân và trở về quê hương. Do di chứng chất độc da cam, ông thường xuyên bị viêm xoang và đau nhức toàn thân. Khi tuổi cao, sức khỏe ông bị ảnh hưởng nhiều hơn, đến cuối năm 2019, ông phải chống nạng mới có thể đi lại quanh nhà. Đầu năm 2021, do ảnh hưởng cột sống nên ông Thăng chỉ có thể nằm tại nhà, không thể đi lại được. Tháng 6 vừa qua, ông phấn khởi khi nhận được chiếc xe lăn từ Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin trao tặng.

Chiếc xe lăn là cả niềm vui lớn với chị Nguyễn Thùy Duyên.
Chiếc xe lăn là cả niềm vui lớn với chị Nguyễn Thùy Duyên.

Còn với gia đình bà Vũ Thị Đào ở phường Phùng Chí Kiên (TP. Bắc Kạn), thì chiếc xe lăn có ý nghĩa rất lớn. Con gái bà là chị Nguyễn Thùy Duyên do bị ảnh hưởng chất độc hóa học từ bố nên bị bại não, dị tật bẩm sinh. “Cháu nằm từ bé, đến khi được tặng xe lăn là niềm vui lớn lắm. Những năm trước, tôi đẩy con đi trên đường, được xem múa sư tử. Thời gian gần đây mỗi ngày đều đẩy con ra cửa, để tự ngồi xe lăn và ngắm xe đi lại cả buổi…”, bà Đào chia sẻ.

Những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm giúp đỡ, hỗ trợ cho các nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc hóa học. Từ năm 2016 đến nay, 45 chiếc xe lăn với tổng kinh phí gần 100 triệu đồng đã được trao tặng đến các nạn nhân không tự vận động được. Ngoài ra, các cấp Hội còn có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa khác hướng đến các đối tượng bị nhiễm chất độc da cam như: Tổ chức cho 327 nạn nhân đi xông hơi giải độc với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng; trao tặng 05 học bổng với tổng số tiền hơn 60 triệu đồng; tổ chức cho 30 nạn nhân đi tham quan chiến trường xưa với số tiền hơn 255 triệu đồng…

Có thể thấy, chiếc xe lăn có ý nghĩa rất lớn với những nạn nhân không tự vận động được, giống như đôi chân “lăn tròn” giúp cuộc sống của họ vơi bớt đi những nỗi buồn và sự mặc cảm. Thời gian tới, Hội Nạn nhân Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh mong muốn nhận được nhiều hơn nữa sự chung tay, góp sức của các tập thể, cá nhân để có thể mang đến nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa cho những nạn nhân da cam…/.

Bích Phượng

Xem thêm