Những mái ấm nghĩa tình của nạn nhân chất độc da cam

Mang trong mình chất độc hóa học, sức khỏe yếu, điều kiện sống khó khăn nên có một mái nhà kiên cố là mong ước tưởng chừng xa vời đối với nhiều nạn nhân chất độc da cam. Thấu hiểu hoàn cảnh đó, những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động các nguồn lực hỗ trợ xây dựng và sửa chữa những mái ấm “da cam”.

Giờ đây ông Trần Minh Tuyên đã không còn nỗi lo về căn nhà xuống cấp
Ông Trần Minh Tuyên, phường Sông Cầu (TP. Bắc Kạn) trong căn nhà tình nghĩa.

Ông Phùng Quốc Việt, thôn Nà Đúc II, xã Địa Linh (Ba Bể) có gia cảnh hết sức khó khăn, sinh được 6 người con, nhưng chỉ nuôi được 5 và 2 trong số đó bị nhiễm chất độc da cam. Trở về từ chiến trường, ông phấn khởi bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới. Nỗi đau đến khi đứa con đầu tiên ra đời nhưng vì ảnh hưởng của chất độc quái ác nên đã không giữ được. Người con thứ hai, thứ ba, thứ sáu đều là khỏe mạnh. Nhưng đến người con thứ tư, thứ năm (sinh năm 1982 và 1988) lại bị liệt, chỉ chống được hai tay. Dù tuổi đã cao, nhưng hai ông bà vẫn phải đi làm để lo cái ăn, chăm sóc, lo sinh hoạt hằng ngày cho những người con tật nguyền. Cả gia đình sống trong căn nhà sàn xuống cấp từ thời ông bà để lại, kinh tế trông chờ vào đồng ruộng, nhiều năm liền thuộc diện hộ nghèo. Trước hoàn cảnh đó, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã hỗ trợ gia đình ông Việt 50 triệu đồng tiền mặt, cùng với sự giúp đỡ ngày công lao động từ chính quyền địa phương và bà con nhân dân để xây được căn nhà kiên cố.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự là gia đình ông Trần Minh Tuyên (Thưa) ở phường Sông Cầu (thành phố Bắc Kạn). Năm 1964, người thanh niên với tên thường gọi là Thưa viết đơn xin đi thanh niên xung phong. Đến năm 1966, ông chính thức trở thành người lính Cụ Hồ, theo đơn vị vào chiến trường miền Nam. Sau một thời gian do bị sốt rét quá nhiều, ông không đủ khả năng chiến đấu nên trở về quê hương. Đến khi lập gia đình, do sức khỏe yếu nên cuộc sống của hai vợ chồng hết sức khó khăn, thêm vào đó là những lo lắng khi vợ ông sinh ra những đứa con không được bình thường như bao người khác. Người thì mãi mới mọc được tóc, người thì chân tay phát triển rất chậm và yếu, nhưng may mắn thay, dần dần các con ông lại phát triển bình thường. Thế nhưng, di chứng do chất độc từ thời chiến tranh nên khiến sức khỏe của ông ngày càng yếu đi. Khi chúng tôi đến, dù trời nắng nóng như đổ lửa, ông vẫn mặc quần nỉ, chân đi tất, khuôn mặt xanh xao, yếu ớt. Ông nghẹn ngào: "Điều kiện ngặt nghèo như vậy nên dù nhà đã xuống cấp, xập xệ nhưng tôi không dám nghĩ đến làm một ngôi nhà kiên cố. May mắn là Hội đã vận động, hỗ trợ 50 triệu đồng cho gia đình để xây dựng một căn nhà  khang trang hơn".

Ông Trần Quang Vũ (Bạch Thông) nhập ngũ năm 1968, bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học khiến cho sức khỏe suy giảm khả năng lao động 81%. Đau đớn hơn, ông sinh được 5 người con, thì 3 người đều mất sớm, người mất trẻ nhất khi mới 3 tuổi, có người đến 27 tuổi cũng ra đi. Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, sống trong căn nhà xây tường vôi từ năm 1982 xuống cấp. Chia sẻ với gia đình, Hội đã hỗ trợ 55 triệu đồng để xây dựng căn nhà mới.

Còn nhiều gia đình thuộc đối tượng chính sách khác là hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn như: Ông Dương Văn Ly (Ba Bể), ông Hoàng Đức Đoàn (Ngân Sơn), ông Nông Ngọc Như (Chợ Đồn)... đã được hỗ trợ 50 triệu đồng làm nhà. Những căn nhà tình nghĩa đó là động lực rất lớn, thể hiện sự quan tâm của cộng đồng đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh.

Từ năm 2016 đến nay, bằng nhiều nguồn vận động trong và ngoài tỉnh, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 11 ngôi nhà với tổng số tiền hơn 335 triệu đồng. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất nhiều gia đình nạn nhân chất độc da cam cần đến sự chung tay, giúp đỡ của cộng đồng xã hội để có được mái nhà vững chắc./.

Bích Phượng

Xem thêm