Gánh nặng "mang tiền về cho cha mẹ" của những học sinh nơi rẻo cao - Kỳ 1: Gánh trách nhiệm cơm áo gạo tiền

Gánh nặng "mang tiền về cho cha mẹ" của những học sinh nơi rẻo cao - Kỳ 1: Gánh trách nhiệm cơm áo gạo tiền

 

Mặc dù Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp giáo dục miền núi, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ học sinh ở những thôn bản đặc biệt khó khăn học tập, sinh hoạt nội trú, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, vì những toan tính của một số phụ huynh, ở một số xã vùng cao của tỉnh Bắc Kạn, có tình trạng học sinh không chịu vào ở nội trú, mặc dù được nhà trường bố trí mà phải ra ngoài thuê trọ trong điều kiện sinh hoạt vô cùng thiếu thốn, kham khổ.

 
 
 

Ngay sát cạnh dãy nhà bán trú của Trường Tiểu học và THCS Nam Mẫu (Ba Bể), có một khu nhà trọ khá chật chội, là nơi sinh hoạt của hơn 40 em học sinh cấp 2 của Trường Tiểu học và THCS Nam Mẫu. Học sinh chủ yếu là con các gia đình đồng bào dân tộc Mông, ở một số thôn vùng cao khó khăn bậc nhất của xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) như: Đán Mẩy, Nà Phại, Khau Qua.

Dãy nhà trọ có khoảng 10 phòng xây san sát, mỗi gian rộng chừng 10m2. Cách đó không xa còn có khu nhà gỗ tạm bợ cho học sinh ở. Các phòng không quạt, không chăn ấm; bên dưới sàn nhà, chủ khu trọ ghép mấy tấm gỗ kê làm giường. Vào bên trong những căn phòng này ai cũng có thể cảm nhận được sự khó khăn thiếu thốn của những cô bé, cậu bé mới 12, 13 tuổi tự lập khi phải xa gia đình đến đây trọ học.

Chiều muộn, chứng kiến cảnh từng tốp học sinh tất bật chui vào căn bếp tạm bợ, chuẩn bị bữa ăn mà thật chạnh lòng khi so sánh với cuộc sống của những đứa trẻ ở thành thị. Nhanh tay đảo mấy cọng rau muống đỏ quạch trong chảo và nồi cơm bên cạnh, Dương Thị Thùy Yến, học sinh lớp 9, nhà ở thôn Nà Phại không hề giấu giếm: “Từ năm lớp 6 tới năm lớp 9 cháu đều trọ ở đây. Bố mẹ không cho cháu đăng ký vào ở trong trường mà muốn ở ngoài. Vì ở ngoài, cuối học kỳ, khi nhà trường thanh toán tiền hỗ trợ thì bố mẹ mới được cầm số tiền ấy để trang trải cuộc sống gia đình”.

Khi được hỏi, bữa ăn hằng ngày của các cháu chỉ có vậy thôi sao? Yến trả lời: Cơm thì gạo Nhà nước cấp, mỗi tuần chúng cháu rủ nhau đi bộ 15km đường rừng về thăm nhà, tranh thủ lên rừng lấy rau đem xuống nhà trọ để ăn cả tuần. Tiền thì lúc có, lúc không, tùy thuộc vào bố mẹ. Nhưng tuần có thì được 20.000 đồng hoặc nhiều nhất 50.000 đồng, có tuần không có đồng nào. Chúng cháu chả bao giờ có tiền mua thịt, bữa ăn chỉ có cơm và rau. Ở nhà, bố mẹ cháu còn không có cơm mà ăn, nhiều lúc phải ăn mèn mén.

Ở cùng trọ với Yến còn có các bạn Giàng Thị Kia, Hoàng Thị Dậu ở thôn Nà Phại, Đán Mẩy cũng trong cảnh như vậy. Nhờ con đi học mà bố mẹ mới có một khoản tiền để chi phí mọi sinh hoạt của cả gia đình. Hoàng Văn Nó, cậu bé người Mông học lớp 8, nhà ở thôn Đán Mẩy có nước da rám nắng kể về hoàn cảnh gia đình: Cháu là con thứ hai của gia đình có 6 anh em. Ngoài 2 anh trai (một người học hết lớp 5, một người học hết lớp 9) đã lấy vợ, ở chung với bố mẹ, cháu có 1 em gái học lớp 7 cũng học tại đây. Nhà còn có 2 em nữa đang học lớp 3 và lớp 5 ở Điểm trường Đán Mẩy. Nhà nghèo, không có ruộng, chỉ có ít nương rẫy trồng ngô, ngoài ra không có thu nhập. Vậy nên 2 anh em cháu xuống đây học, bố mẹ không muốn cho vào trường ở, phải ở trọ, mới có tiền mang về cho bố mẹ.

 


Thắc mắc sao thuê trọ ở ngoài mà lại dư được gạo, tiền mang về cho gia đình? Cậu bé Hoàng Văn Nó giải thích: Chúng cháu ở đây mỗi tháng chỉ mất khoảng 100.000 đồng tiền thuê trọ. Nhà nước cấp gạo mỗi tháng 15kg, một năm học 9 tháng được 135kg. Với số gạo ấy, chúng cháu ăn không hết, số còn lại sẽ mang về cho gia đình sử dụng. Ngoài ra, Nhà nước còn hỗ trợ chi phí mua sách vở, đồ dùng học tập 150.000 đồng và ăn uống sinh hoạt 600.000 đồng/tháng. Tính các khoản hỗ trợ, mỗi năm học cháu được gần 7 triệu đồng. Nhà có 2 anh em đi học, mỗi năm đưa về cho bố mẹ khoảng 14 triệu đồng. Hằng tuần bố mẹ không cho đồng nào, vì vậy anh em cháu phải tự lo.

Cũng may, nơi các em trọ học ở gần khu nhà hàng cạnh hồ Ba Bể. Được biết,mỗi tối các em tự nguyện đến xin dọn dẹp kiếm chút thức ăn thừa về cùng chia nhau ăn. Bà chủ thương tình thỉnh thoảng cho ít tiền hoặc khách du lịch giúp đỡ. Thời điểm dịch Covid-19, nhà hàng không có khách, các em không xin được thức ăn thừa nên chẳng có gì ăn thêm ngoài cơm trắng và rau rừng.

 

Hầu Thị Xuyến, học sinh lớp 9, Trường PTDT bán trú Xuân Lạc (Chợ Đồn), nhà ở thôn Nà Bản, cách trường chính hơn chục cây số. Từ năm lớp 6 đến hết năm lớp 8 nhất định bố mẹ không cho ở tại trường mà bắt đi lại. Những hôm trời mưa, giá rét, đường trơn, em không thể đến lớp. Năm nay lên lớp 9, là năm cuối cấp, nhà trường vận động mãi bố mẹ mới cho con vào trường ở.

Hoàng Văn Hồng, học sinh lớp 7, nhà ở thôn Pù Lùng 1 thường xuyên nghỉ học, trốn tiết vì nhà quá xa. Quãng đường đến trường mất cả tiếng đồng hồ. Triệu Thừa Xương, học lớp 9, nhà ở thôn Nà Dạ cũng vậy, năm ngoái, hằng ngày em phải vượt cả chục cây số đến trường. Mặc dù rất muốn vào ở cùng các bạn, nhưng bố mẹ nhất quyết không cho. Xương thường xuyên đi học muộn, nhiều hôm nghỉ học không lý do, kết quả học tập không tốt.

 


Cô giáo Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Xuân Lạc (Chợ Đồn) cho biết: Năm 2014, Trường PTDT bán trú THCS Xuân Lạc được chuyển đổi từ Trường THCS Xuân Lạc. Tuy nhiên, để vận động được học sinh vào trường ở nội trú là cả một câu chuyện gian nan, vất vả. Những năm học trước đây, trường không bao giờ tuyển đủ số học sinh vào ở nội trú. Năm học đầu tiên khi thực hiện đón học sinh vào ở nội trú, chỉ có 40 em đăng ký. Đến năm 2019 - 2020 tăng lên 80 em, năm 2020 - 2021 dao động từ 90 - 92 em và năm học này tăng lên 103 em ở trong trường.

Toàn xã Xuân Lạc có 202 học sinh THCS đủ điều kiện để vào trường ở nội trú, hiện trường mới đáp ứng được chỗ ở, điều kiện sinh hoạt cho trên 100 em. Vừa qua, nhận được chủ trương của Nhà nước sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất cho đơn vị, đầu năm học, nhà trường đã tiến hành khảo sát nhu cầu. Nhưng qua khảo sát, đa số phụ huynh có con trong diện được ở nội trú mà hiện tại chưa vào ở đều không muốn sau này cho con vào ở, khi nhà trường được đầu tư thêm cơ sở vật chất. Tất cả những suy nghĩ ấy đều xuất phát từ tư tưởng “Con vào trường ở cha mẹ sẽ mất một khoản tiền hỗ trợ”.

Cô giáo Hằng cho biết thêm: Với mức hỗ trợ của Nhà nước như hiện nay, bảo đảm đủ điều kiện tối thiểu để học sinh vùng khó khăn yên tâm đi học, nhưng một số cha mẹ không lấy tiền đó để mua sách vở, đồ dùng học tập cho các em mà sử dụng vào việc tiêu dùng cá nhân. Có trường hợp, nhà trường phải can thiệp, giữ lại tiền để mua hộ thì các em mới có đồ dùng để học. Câu chuyện phụ huynh sốt ruột lên hỏi tiền chế độ hỗ trợ học tập của con để mang đi sắm Tết vào dịp cuối năm, hay mua vật tư, phân bón khi vào mùa vụ vẫn thường xuyên xảy ra, thậm chí có những ông bố vừa lĩnh gạo và tiền của con, ra đến cổng trường đã sà vào quán rượu tiêu hết sạch không còn đồng nào mang về. Đó là sự thật, tuy rất tế nhị nhưng vô cùng nhức nhối và đau lòng đã xảy ra nhiều năm nay ở một số nơi địa bàn vùng sâu, vùng xa như Nam Mẫu, Xuân Lạc và có thể còn ở nhiều nơi khác nữa./. (Còn nữa)

Phương Thảo

Xem thêm