Gánh nặng "mang tiền về cho cha mẹ" của những học sinh nghèo nơi rẻo cao- Kỳ 2: Đừng vì cảnh nghèo mà bắt con chịu khổ

Gánh nặng "mang tiền về cho cha mẹ" của những học sinh nghèo nơi rẻo cao- Kỳ 2: Đừng vì cảnh nghèo mà bắt con chịu khổ

 
 

Nà Phại là một trong những thôn khó khăn nhất của xã Nam Mẫu huyện Ba Bể. Để đến được nơi đây có nhiều cách, nếu đi từ xã Xuân Lạc (Chợ Đồn) vòng sang khoảng 35km, nếu đi theo hướng từ thác Đầu Đẳng lên chỉ 5km nhưng phải vượt rừng và những con dốc dựng đứng, đi bộ khoảng nửa ngày. Chúng tôi chọn hướng xuất phát từ đầu thôn Cốc Tộc, bờ Bắc hồ Ba Bể rẽ lên. Thầy giáo Đào Thiện Khiêm, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Tiểu học và THCS Nam Mẫu dẫn đường.

Dù khoảng cách chỉ 15km từ hồ Ba Bể lên thôn nhưng phải mất hơn 1 tiếng mới tới Nà Phại. Men theo những lối mòn chỉ vừa bánh xe máy, luồn lách qua những tán rừng, bám sát vào vách núi mà đi. Sáng sớm trời còn hơi sương nên đường khá trơn. Mặc dù được thầy Khiêm trấn an nhưng nhiều phen chúng tôi cũng cảm thấy “đứng tim” bởi vượt qua những đoạn dốc đá cheo leo, dựng đứng một bên là vực sâu thăm thẳm. Hôm chúng tôi đến vào đúng ngày chợ phiên xã Nam Cường (Chợ Đồn), người dân các thôn đi chợ khá đông, các xe máy tránh nhau chỉ trực đổ kềnh. Thầy Khiêm cố hết sức ghì tay lái thật vững mỗi khi gặp xe ngược chiều. Chỉ bất cẩn một chút rất có thể cả người và xe bay luôn xuống vực. Con đường này hằng ngày chỉ có người dân và thầy, cô giáo lên điểm trường dạy học, người ngoài hầu như chẳng mấy khi lặn lội vào đây. Trên đường chỉ thấy núi đá, vực sâu và lau lách, vài nếp nhà lưng chừng núi, không thấy bóng dáng của hoạt động sản xuất của người dân. Gần đến thôn, chúng tôi mới thấy mấy mẹ con người dân tộc Mông đang vun ngô.

Chúng tôi tìm đến nhà Bí thư Chi bộ thôn Nà Phại Hoàng Văn Minh. Anh là người dân tộc Mông, xuất ngũ về địa phương, được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn. Thôn Nà Phại có 74 hộ đồng bào dân tộc Mông, sống rải rác khắp triền núi. Đường đến thôn đã khó nhưng đến từng hộ còn vất vả hơn nhiều, chủ yếu phải đi bộ. Mặc dù điện lưới đã được Nhà nước đầu tư về đến trung tâm thôn nhưng hầu như người dân không có tiền mua dây kéo điện về nhà. Cả thôn chỉ có 17ha trồng ngô, 5ha trồng lúa.

Thật bất ngờ với những thông tin mà Bí thư Chi bộ Hoàng Văn Minh nói với chúng tôi: Cả thôn đều là hộ nghèo, nhiều hộ phải cứu đói giáp hạt. Thôn có 74 hộ nhưng chỉ 7-8 hộ là có 2 con, còn lại đều có từ 3 con trở lên, nhiều hộ có tới 5- 6 con, thậm chí 7-8 con. Tổng số dân của thôn hiện nay là 439 người.Thực tế khi chúng tôi phỏng vấn học sinh cấp 2 trọ học ở Nam Mẫu đều nói gia đình mình có 5-6 anh, chị em. Quả thực cảm nhận các hộ dân ở đây đa số chẳng có gì ngoài đông con.

 
 

Bí thư Chi bộ thôn Hoàng Văn Minh đưa chúng tôi đến nhà chị Vàng Thị Tồng và anh Vàng Văn Dinh, phụ huynh của 2 học sinh Vàng Văn Khải và Vàng Văn Đức. Vàng Văn Khải lẽ ra năm nay lên lớp 9 nhưng đúp 2 năm, giờ học cùng em trai lớp 7. Gia đình còn có thêm một cháu mới 2 tuổi. Nhà chị Tồng không có bung ruộng nào, chỉ có ít ngô trên nương. Mỗi vụ trồng ngô, gia đình chị sử dụng giống địa phương để từ vụ trước lại, không có tiền mua giống lai năng suất cao. Vì vậy, sản lượng mỗi vụ thu về chẳng đáng là bao, chủ yếu để ăn. “Năm ngoái tôi được Nhà nước tạo điều kiện cho vay vốn để mua trâu sinh sản, khổ nỗi thời điểm mua giá trâu đắt hơn 35 triệu đồng/con, giờ trâu xuống giá chỉ còn khoảng 25 triệu đồng/con, không biết sau này bán đi lấy gì trả nợ ngân hàng”, Tồng thở dài.

Chồng đi vắng, chị Tồng và cháu bé 2 tuổi quanh quẩn ở nhà, đã giữa trưa cháu bé quấy khóc. Tôi hỏi: “Mấy mẹ con đã ăn cơm chưa”? Tồng ngại ngần không nói, nhưng nhìn thấy cảnh cháu bé ăn ngấu nghiến mấy chiếc bánh ngọt mà tôi đưa cho đủ biết là cháu đang rất đói. Khi được hỏi: “Vì sao chị không cho 2 con vào ở nội trú”?

“Gia đình nghèo không làm gì ra tiền, chỉ trông chờ vào tiền của các con sau mỗi học kỳ được nhà trường phát. Gạo Nhà nước cấp các con ăn không hết để cho bố mẹ và em ở nhà sử dụng, cộng với mèn mén nữa mới tạm no cái bụng. Để các con ở trọ bên ngoài biết là chúng sẽ khổ hơn các bạn sinh hoạt trong trường, học hành không được như các bạn, nhà không có điều kiện đành phải làm như vậy”, chị Tồng  phân trần.

“Trong trường, cuối tuần gia đình phải đón các cháu về, nếu không phải đóng tiền để nhà trường nấu cơm cho cháu, nhà không có xe máy và neo người nên tôi không có thời gian đưa đón con. Ở lại cũng không có tiền để đóng tiền ăn cho con ăn trong 2 ngày nghỉ cuối tuần. Các con trọ ở ngoài có thể tự nấu ăn, thiếu thốn cũng đành chịu”, chị Tồng ứa nước mắt cho biết thêm.

Sang bên kia đỉnh dốc chúng tôi tìm đến gia đình anh Hoàng Văn Dinh, sinh năm 1986 nhưng có 07 người con. Hiện con gái anh là Hoàng Như Nguyệt đang học lớp 7, Trường Tiểu học và THCS Nam Mẫu cũng trọ học bên ngoài. Gần nhà anh Dinh có gia đình anh Hoàng Văn Tú và vợ là Sùng Thị Đơ, cả hai vợ chồng đều sinh năm 1991 nhưng đã có tới 05 người con. Trong đó con Hoàng Văn Vinh học lớp 9 và Hoàng Thị Hương học lớp 6. Qua tìm hiểu thực tế tất cả các gia đình này đều không muốn con vào ở nội trú vì lý do nhà nghèo, khó khăn, muốn con bớt ăn, bớt tiêu để dành khoản tiền hỗ trợ của Nhà nước chia sẻ với gia đình.

Bí thư Chi bộ Hoàng Văn Minh còn tiết lộ: “Nhiều gia đình ở đây còn có tư tưởng muốn con “đúp” không lên lớp trong vài năm để chính sách hỗ trợ kéo dài thêm năm nào hay năm ấy. Vì thế có những em lưu ban tới 2 năm gia đình coi đó vẫn là chuyện bình thường, không lo lắng. Nhiều nhà bố nghiện rượu, chờ đến lúc nhà trường phát gạo, phát tiền là đi lấy, gạo bán luôn tại cổng trường, không có kế hoạch dành cho con học tập. Còn có bố mẹ khi nhận được tiền hỗ trợ của con, thích điện thoại là mua ngay hoặc đem tiền đi trả các khoản nợ từ trước, đến khi con đi học chẳng cho đồng nào, ăn uống khổ sở để đem tiền về cho gia đình”.

 

Bên cạnh những cha mẹ không muốn con vào ở nội trú thì vẫn có những phụ huynh tiến bộ, tạo điều kiện tốt nhất để con được tới trường. Bí thư Chi bộ Hoàng Văn Minh cũng có 02 con gái là Hoàng Xuân Mai, học lớp 8 và Hoàng Đơn Phương, học lớp 6 ngay từ đầu gia đình đã đăng ký cho con vào ở nội trú. Cuối tuần anh Minh tranh thủ đón con về nhà, chiều Chủ nhật lại đưa xuống. “Ở trong trường gia đình rất yên tâm, con cái được học hành, vui chơi, các thầy cô chăm sóc tận tình, ăn uống đầy đủ hơn ở nhà”, anh Minh chia sẻ.

Là Bí thư Chi bộ, anh Minh nhiều lần vận động các hộ dân trong thôn nên cho vào ở trong trường. Ban đầu nhiều người không nghe, nhưng dần dần đã có sự chuyển biến, điển hình như hộ Hoàng Văn Sình, có con trai là Hoàng Đức Vinh, học lớp 8; Lò Văn Và có con là Lò Minh Ngoãn, học lớp 6 đã ở nội trú dù hoàn cảnh gia đình còn rất khó khăn. Họ mong con cái học hành tử tế, mở mang kiến thức, có điều kiện ra ngoài làm, thay đổi cuộc sống hiện tại, không nghèo như cha mẹ. Nhiều em ở trọ bên ngoài, không có ai quản lý, sinh hoạt không có nền nếp, chịu sự quản lý của cha mẹ, thầy cô sẽ có nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh. Nhiều học sinh THCS ở trọ bên ngoài có tình cảm với nhau, sẵn sàng bỏ học, rủ nhau về quê làm đám cưới khiến học hành dang dở, cái vòng luẩn quẩn thất học - đói nghèo cứ lặp đi, lặp lại y như cha mẹ của các em chẳng thể nào thoát ra được.

Anh Hoàng Văn Minh có quan điểm rất tiến bộ: “Nhà nước hỗ trợ cho các con thì chúng phải được hưởng, bố mẹ có đói thì tự đi kiếm tiền mà trang trải cuộc sống. Nếu làm ruộng nương khó khăn thì có thể tính đến việc vay vốn đi xuất khẩu lao động, học nghề ra ngoài làm… Các con sẽ lớn, ra trường làm sao trông cậy Nhà nước hỗ trợ mãi được. Bản thân anh Minh cũng đang tính học nghề hoặc tìm hướng đi lao động có thời hạn ở nước ngoài”.

Rời Nà Phại khi vạt nắng yếu ớt cuối ngày đã tắt, trời nhá nhem, con đường men theo vách núi dẫn chúng tôi quay trở lại nơi xuất phát không còn khiến chúng tôi bận tâm. Bản thân tôi lúc đó đang hiện hữu vô vàn những nghĩ suy trăn trở để làm sao nói lên tất cả thực tế đang diễn ra trong đời sống xã hội của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở nơi đặc biệt khó khăn này, với mong muốn góp phần làm thay đổi những tư tưởng, suy nghĩ của họ, từ bỏ những toan tính trước mắt, hãy nghĩ về tương lai của các con- những đứa trẻ có quyền được vui chơi, học hành./.(Còn nữa)

Phương Thảo

Xem thêm