TP. Bắc Kạn nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

Xác định Chương trình OCOP là hướng đi bền vững cho ngành Nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua các cấp, ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất các sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố Bắc Kạn đã chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Chị Hà Minh Đợi- Giám đốc Công ty TNHH Hà Diệp với sản phẩm Trà Hoa Vàng Bắc Kạn
Chị Hà Minh Đợi- Giám đốc Công ty TNHH Hà Diệp với sản phẩm Trà Hoa Vàng Bắc Kạn

Dù mới tham gia vào phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố Bắc Kạn, tuy nhiên, Công ty TNHH Hà Diệp đã đi tắt đón đầu, đầu tư cơ sở vật chất, máy móc hiện đại để đưa sản phẩm OCOP trà hoa vàng chất lượng cao ra thị trường. Chị Hà Minh Đợi cho biết: “Sau lần tham quan mô hình trà hoa vàng tại các tỉnh Ninh Bình và Quảng Ninh, nhận thấy đây là loại cây trồng có giá trị kinh tế và hiệu quả cao, tôi đã mạnh dạn đầu tư máy sấy trà hoa vàng với trị giá gần 1 tỷ đồng. Đến nay sản phẩm “Trà Hoa Vàng Bắc Kạn” của Công ty chúng tôi đã được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, được nhiều khách hàng lựa chọn tin dùng”. Hiện Công ty tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, máy móc, kỹ thuật, mở rộng vùng trồng nguyên liệu..., phấn đấu đưa sản phẩm Trà Hoa Vàng Bắc Kạn đạt OCOP 5 sao, vươn xa trong thời gian tới.

Thành phố Bắc Kạn hiện có 32 sản phẩm OCOP, trong đó có 11 sản phẩm đạt 4 sao, 21 sản phẩm đạt 3 sao. Để đạt được kết quả này, UBND thành phố đã chỉ đạo sát sao, bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Bắc Kạn, phối hợp với các sở, ngành hỗ trợ nguồn lực cho các HTX, doanh nghiệp, các chủ thể tham gia Chương trình OCOP phát triển sản phẩm.


Đồng chí Nguyễn Duy Diệp– Phó Chủ tịch UBND thành phố: “Những năm qua, thành phố đã chú trọng xây dựng mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) nhằm thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng phát triển nội lực, gia tăng giá trị sản phẩm gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Chương trình OCOP trên địa bàn thành phố giải quyết các vấn đề về sản xuất nông nghiệp, nông thôn như: Đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp; ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong sản xuất; thực hiện các chương trình khuyến nông, khuyến công. Từ đó, tập thể, cá nhân có thêm điều kiện để tạo ra sản phẩm OCOP năng suất cao, chất lượng tốt”.


Năm 2022, UBND thành phố Bắc Kạn tập trung phát triển 04 sản phẩm mới đạt OCOP 3 sao trở lên. Phát triển 01 tổ chức kinh tế mới tham gia Chương trình OCOP. Củng cố nâng cao chất lượng 04 sản phẩm OCOP đã được công nhận. Nâng cao chất lượng 01 điểm bán hàng OCOP. Củng cố 02 sản phẩm có truy xuất nguồn gốc quy trình sản xuất (sản phẩm Vi-cumax Nano Curcumin, Công ty Cổ phần Curcumin Bắc Hà và sản phẩm Tinh bột nghệ cao cấp, của HTX Nông nghiệp Tân Thành). 02 sản phẩm sản xuất theo chuỗi giá trị (các sản phẩm nấm ăn, nấm dược liệu: Nấm sò, mộc nhĩ, nấm hương, linh chi của HTX Minh Anh và sản phẩm Tinh bột nghệ cao cấp: Nghệ nếp đen, nghệ nếp đỏ của HTX Nông nghiệp Tân Thành).

Để hoàn thành mục tiêu đó, trong thời gian tới, UBND thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng dẫn các chủ thể tham gia Chương trình OCOP hoàn thiện sản phẩm, hồ sơ dự thi vào cuối năm. Thành phố sẽ dành nguồn lực để hỗ trợ cho các chủ thể tham gia, tập trung vào các khâu còn yếu của sản phẩm như: Nâng cấp bao bì, nhãn mác; mở rộng quy mô nhà xưởng; đầu tư máy móc nâng cao chất lượng sản phẩm, bên cạnh đó xây dựng vùng nguyên liệu sạch an toàn vệ sinh thực phẩm; sản phẩm được cấp chứng nhận VietGAP, hữu cơ… gắn với nâng cao thu nhập cho người dân./.

Duy Khánh

Xem thêm