Xử lý các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp còn nhiều khó khăn    

BBK - Thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, lực lượng Kiểm lâm đã tích cực tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Tuy nhiên, việc xử phạt vi phạm hành chính gặp rất nhiều khó khăn.

Theo Báo cáo thẩm tra kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 của HĐND tỉnh cho thấy, nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp được ban hành nhưng không thu được tiền phạt. Tính từ đầu năm đến tháng 7/2022, có 189/345 quyết định xử phạt chưa chấp hành với số tiền hơn 5,5 tỷ đồng. Cùng với đó, việc bảo quản tang vật vi phạm là gỗ còn gặp nhiều khó khăn do thiếu nhà kho bảo quản nên tang vật, phương tiện vi phạm phải để ngoài trời dễ bị hư hỏng, giảm chất lượng gây lãng phí.

Các vụ phát, phá rừng trái phép rất khó xử phạt vi phạm hành chính vì đối tượng vi phạm thường là người dân nghèo.
Các vụ phát, phá rừng trái phép rất khó xử phạt vi phạm hành chính vì đối tượng vi phạm thường là người dân nghèo.

Nguyên nhân chưa thu được là do các đối tượng vi phạm chủ yếu là những người dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số không có đất sản xuất, cuộc sống rất khó khăn nên không đủ khả năng nộp phạt, không có tài sản thuộc diện kê biên. Ngoài ra, còn nhiều đối tượng cố tình chây ỳ, trốn tránh không chịu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của các cấp chính quyền.

Hầu hết các vụ khai thác, phát phá rừng trái phép có mức phạt từ vài chục triệu đồng tới hàng trăm triệu đồng đều khó thực hiện hoặc thực hiện đạt mức độ rất thấp. Ông Vũ Văn Thịnh, quyền Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chợ Đồn cho biết: Các vụ phát phá cải tạo rừng trái phép trong mấy năm qua bị cơ quan chức năng xử phạt nhưng các đối tượng không chấp hành hình phạt. Lực lượng chức năng tuy đã tiến hành kê biên tài sản nhưng hầu hết các đối tượng vi phạm đều thuộc diện hộ nghèo, khó khăn nên rất khó xử phạt hành chính.

Ngoài ra, công tác quản lý tang vật là gỗ gặp nhiều vướng mắc, khó khăn. Cụ thể như, nhiều loại gỗ tang vật khi bị lực lượng chức năng phát hiện nằm ở rừng rất xa, địa hình hiểm trở, rất khó quản lý. Theo quy định, gỗ tang vật thì phải vận chuyển về kho để quản lý nhưng kinh phí bốc vác, vận chuyển rất cao so với quy định, gây áp lực rất lớn lên lực lượng kiểm lâm.

Đối với các khu bảo tồn, rừng quốc gia thì khi phát hiện các vụ việc liên quan tới khai thác gỗ quý trái phép mà tang vật còn nguyên cây thì chỉ thống kê, quản lý hiện trường mà không được phép vận chuyển về kho. Đây cũng là một bất cập vì hầu hết khối lượng tang vật vẫn ở trong rừng sâu, liên tục mất dần mà chưa có cuộc thanh, kiểm tra nào về loại gỗ quý là tang vật phải giữ nguyên ở hiện trường. Còn tang vật đã xẻ thành phẩm như khuôn cửa, ván, dạng thớt, dạng cột nhà… thì lực lượng Kiểm lâm phải bốc vác, vận chuyển về kho để bảo quản. Tuy nhiên, cước vận chuyển được tính dựa theo trọng lượng, cự ly vận chuyển là giá thành theo quy định của ngành Tài chính nhưng thực tế là khi thuê bốc vác, vận chuyển gỗ từ rừng núi đá về kho, giá cước vận chuyển có thể cao gấp 3 – 4 lần theo quy định nên rất khó thanh toán.

Có thể nói, những khó khăn, bất cập về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp rất cần được các cấp, ngành chức năng sớm có giải pháp tháo gỡ, để phù hợp với tình hình thực tiễn, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ rừng./.

                                                               Phan Quý

Xem thêm