Chuyển đổi số cho sản phẩm OCOP

BBK- Chuyển đổi số thông qua sản phẩm OCOP là chiến lược trọng tâm giúp Hợp tác xã Yến Dương, xã Yến Dương (Ba Bể) mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm.

Sản phẩm ocop được tiếp cận thị trường thông qua chuyển đổi số
Sản phẩm OCOP tiếp cận thị trường thông qua chuyển đổi số,

HTX Yến Dương hiện có 45 thành viên và hơn 300 hộ liên kết sản xuất. Qua hơn 4 năm đi vào hoạt động, HTX từng bước khẳng định hiệu quả. HTX đã phối hợp triển khai các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm để thành viên và người dân tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Từ năm 2021 đến nay có 320 hộ liên kết sản xuất với HTX, điển hình là sản phẩm bí thơm với diện tích liên kết 30ha, trong đó 10ha đạt chuẩn hữu cơ PGS. Sản phẩm bí thơm của HTX đã đạt OCOP 4 sao, hằng năm tiêu thụ hơn 500 - 700 tấn.

Sản phẩm gạo nếp Tài liên kết trồng 30ha, trong đó có 15ha đạt chuẩn hữu cơ PGS, diện tích còn lại đang trong quá trình chuyển đổi hữu cơ, sản lượng tiêu thụ gạo khoảng 30 tấn/năm.

Ngoài ra HTX còn liên kết sản xuất các sản phẩm theo mùa vụ, đan lát thủ công mỹ nghệ truyền thống, sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái…Doanh thu HTX đạt bình quân 1,2 tỷ đồng/năm; tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên, 15 lao động thời vụ, thu nhập bình quân hơn 30 triệu đồng/người/năm.

Để nâng cao giá trị các sản phẩm nông sản, HTX Yến Dương đã tích cực tham gia Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, đăng ký mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm đẹp. Hiện nay, HTX đã có 02 sản phẩm là gạo nếp Tài và miến dong được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh; 01 sản phẩm là bí thơm được phân hạng 4 sao OCOP.
Ban đầu HTX gặp nhiều khó khăn trong việc đưa các sản phẩm tiếp cận thị trường do số lượng hạn chế, sản xuất thủ công, thiếu phương tiện vận chuyển, chưa biết cách quảng bá sản phẩm, chưa xác định được nhóm khách hàng mục tiêu và khách hàng tiềm năng nên số lượng sản phẩm bán ra còn hạn chế.
Xác định tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm là việc làm cần thiết, vì vậy các thành viên HTX đã họp bàn, thống nhất, lựa chọn ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng trang cá nhân, website, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để bán buôn, bán lẻ. Thông qua hình thức quảng cáo, bán hàng trực tuyến, HTX đã kết nối tiêu thụ sản phẩm với nhiều chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, ký hợp đồng tiêu thụ với siêu thị lớn như Big C và đã có sản phẩm được bán trên một số sàn thương mại điện tử.

Thông qua ứng dụng chuyển đổi số, sử dụng mạng xã hội, xây dựng website bán hàng, tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử đã giúp HTX "rộng cửa" để quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm thị trường.

Chị Ma Thị Ninh, Giám đốc HTX Yến Dương cho biết: “Thời gian tới, HTX tiếp tục chủ động ứng dụng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, thông qua việc sử dụng mạng xã hội, xây dựng website, tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử để tìm đầu ra cho sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế. Duy trì hình thức quảng cáo, bán hàng trực tuyến, trên cơ sở đó tiếp cận các điểm bán hàng mới tại các khu chung cư, khu đô thị như Ecopark, Ciputra... Hướng tới tiếp cận các đối tác khách hàng tiềm năng, dần từng bước đưa sản phẩm xuất khẩu”./.

Trần Tuyến - Ngọc Điểm

Xem thêm