Bài dự thi Giải báo chí Búa liềm vàng: Xuất khẩu nông sản - kỳ vọng đột phá cho ngành nông nghiệp ở Na Rì

Kỳ cuối: Giải pháp tạo đột phá cho xuất khẩu miến dong hướng bền vững

Với mục tiêu xây dựng sản phẩm chất lượng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh trên thị trường, nâng mức thu nhập cho người dân, huyện Na Rì đã ban hành nghị quyết và nhiều đề án, kế hoạch, cùng những chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất tạo sức bật cho sản phẩm miến dong.

Lãnh đạo huyện Na Rì thăm cánh đồng trồng cây dong riềng của bà con thôn Chè Cọ, xã Côn Minh.
Lãnh đạo huyện Na Rì thăm cánh đồng trồng cây dong riềng của bà con thôn Chè Cọ, xã Côn Minh.

Tiếp tục đổi mới tư duy, tạo đột phá

Bám sát Kế hoạch đầu tư chiến lược phát triển chuỗi giá trị dong riềng tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2023, với mục tiêu xây dựng chuỗi liên kết để phát triển bền vững, ổn định, lâu dài với quy mô sản xuất tập trung, chuyên canh trên cơ sở khai thác các lợi thế về điều kiện tự nhiên. Điểm nhấn là sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái, từng bước xây dựng các mô hình sản xuất dong riềng hữu cơ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX xây dựng chiến lược xuất khẩu.

Theo đó, huyện Na Rì xác định mục tiêu cốt lõi là chuyển đổi tư duy và phương pháp sản xuất của nông dân. Việc chỉ đạo, định hướng có sự thống nhất từ huyện đến các xã, thị trấn, nông hộ, để nông dân ngày càng có tư duy tiến bộ, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, coi trọng việc liên kết để tạo ra vùng sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu và phù hợp với thị trường trong nước, xuất khẩu… Để làm được điều đó, trước hết phải đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo; nâng cao tình thần, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chuyên môn; đồng thời thay đổi tư duy, nhận thức và trình độ canh tác của người dân từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến dong riềng.

Sản phẩm miến dong của HTX Tài Hoan bước vào thị trường châu Âu năm 2020 là thành quả của sự phấn đấu nỗ lực của các cấp, ngành trong bước đồng hành cùng người dân, HTX. Mặc dù còn khiêm tốn nhưng là một sự đột phá đáng mừng, tạo thêm động lực cho huyện Na Rì tự tin tiến bước trên chặng đường xây dựng sản phẩm nông nghiệp theo hướng bền vững.

Giải pháp và những kỳ vọng

Tại Kế hoạch phát triển, chế biến sản phẩm chè, miến dong trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu mục tiêu đến hết năm 2025, xây dựng thành công thương hiệu miến dong Bắc Kạn. Theo đó, tỉnh tiếp tục khuyến khích ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và khoa học công nghệ trong trồng trọt, chế biến, phấn đấu 100% sản lượng củ dong riềng được chế biến thành các sản phẩm miến dong, viên nang miến dong, miến dong ăn liền… Áp dụng các tiêu chuẩn trong sản xuất để 100% sản phẩm miến dong đạt các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, có nhãn mác, bao bì và truy xuất nguồn gốc, phấn đấu đến năm 2025, có 30% sản phẩm miến đạt tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ.

 Công nhân HTX Tài Hoan sản xuất miến dong phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
 HTX Tài Hoan sản xuất miến dong phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đồng chí Hoàng Văn Thiên, Bí thư huyện ủy Na Rì cho biết: “Bám sát các kế hoạch của cấp trên, Đảng bộ huyện Na Rì đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/HU ngày 15/10/2021 về phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết sản xuất giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu hoàn thiện và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm dong riềng một cách hiệu quả, bền vững; phát triển vùng nguyên liệu ổn định 300ha/năm, trong đó, diện tích chứng nhận hữu cơ/ATTP 200ha, đáp ứng nguồn nguyên liệu ổn định cho các cơ sở chế biến tinh bột, miến phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong kế hoạch phát triển sản phẩm miến dong giai đoạn 2020 - 2025, huyện cũng đề ra các giải pháp: Xây dựng và quản lý thương hiệu miến dong Bắc Kạn; tăng cường công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, nâng cao hiệu quả hoạt động, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân xây dựng và phát triển thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu tập thể miến dong với một số thị trường nước ngoài tiềm năng để xây dựng chiến lược xuất khẩu sản phẩm miến dong sang các thị trường nước ngoài lâu dài và bền vững”.

Bên cạnh đó, huyện tiếp tục quan tâm chính sách thu hút doanh nghiệp, nhân lực về địa phương, tạo điều kiện thuận lợi về môi trường sản xuất, kinh doanh; tập trung phát triển HTX để xây dựng các chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo sự liên kết giữa vùng nguyên liệu - sản xuất - tiêu thụ, giúp người dân yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập; phát triển các HTX ứng dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chương trình OCOP; hỗ trợ các HTX ứng dụng chuyển đổi số… Đây cũng là những giải pháp mở ra cơ hội, triển vọng cho lĩnh vực kinh tế tập thể mà nòng cốt là các HTX chế biến từ củ dong riềng bứt phá đi lên, đưa sản phẩm miến dong vào được thị trường lớn nhiều hơn, phát triển bền vững cho cây dong riềng./. (Hết)

Tùng Vân

Xem thêm