Bắc Kạn phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững:

Nông nghiệp là trọng tâm để thúc đẩy nền kinh tế - Bài 1

Ngay sau khi Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được Trung ương Đảng ban hành, ngày 16/6/2022, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết với những mục tiêu cụ thể.

Kỳ 1: Phát triển nông nghiệp làm trọng tâm để thúc đẩy nền kinh tế

Nghị quyết số 19-NQ/TW đã nêu bật những thành tựu to lớn của toàn Đảng, toàn dân ta sau gần 15 năm (2008 - 2022) thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW. Đồng thời, Nghị quyết 19-NQ/TW đề ra những quan điểm phát triển theo hướng nông nghiệp sinh thái, kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Nhanh chóng nắm bắt tinh thần, mục tiêu của Nghị quyết 19-NQ/TW, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện trong lĩnh vực nông nghiệp với mục tiêu tập trung phát triển ngành Nông nghiệp làm trọng tâm để thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh; khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế tài nguyên đất đai, khí hậu, nguồn nước sạch, đa dạng sinh học để sản xuất hàng hóa nông sản theo hướng tập trung, quy mô sản xuất ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Mở rộng liên kết sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ cao và đổi mới quan hệ sản xuất, kinh doanh để nâng cao chuỗi giá trị, tăng thu nhập, tạo tích lũy, thúc đẩy phát triển nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển nông - lâm nghiệp gắn với hoạt động du lịch; phát triển các sản phẩm đặc sản bản địa, sản phẩm chủ lực, OCOP, sản phẩm hữu cơ.

Cụ thể, mục tiêu đến năm 2030, giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 3,5%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân từ 5,5 - 6%/năm. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn phấn đấu đạt bình quân trên 10%/năm. Tỷ lệ che phủ rừng đạt tối thiểu 72%, nâng cao năng suất, chất lượng rừng; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định đạt trên 90%.

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là mục tiêu của tỉnh Bắc Kạn trong giai đoạn tới.
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là mục tiêu của tỉnh Bắc Kạn trong giai đoạn tới.

Để phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững, làm trọng tâm để thúc đẩy nền kinh tế địa phương, tỉnh Bắc Kạn đã chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng. Thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Trong đó, đảm bảo hoàn thành mục tiêu Nghị quyết số 10- NQ/TU ngày 22/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Đẩy mạnh thực hiện mô hình liên kết chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn; khuyến khích, ưu tiên đầu tư sản xuất chế biến ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ. Tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới kết cấu hạ tầng sản xuất nông nghiệp, ưu tiên các công trình, dự án phục vụ cơ cấu lại nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, quy mô lớn. Quản lý, sử dụng đất trồng lúa theo hướng linh hoạt, hiệu quả; áp dụng công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến, giảm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc vô cơ; khuyến khích sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ. Phát triển mạnh kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, trọng tâm là hợp tác xã.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh chú trọng ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ chăn nuôi trang trại an toàn sinh học. Kiên quyết di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư tập trung. Phát triển các giống bản địa, chăn nuôi hữu cơ để tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế và lợi thế cạnh tranh cao. Bố trí quỹ đất phù hợp cho phát triển chăn nuôi. Xử lý triệt để tình trạng sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh, hoá chất không rõ nguồn gốc trong chăn nuôi; tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống thú y, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. Phát triển đồng bộ, hiệu quả hệ thống kỹ thuật chuyên ngành thú y, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, động vật, quản lý an toàn thực phẩm. Xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng… 

Đẩy mạnh phát triển nuôi trồng các loài thủy sản có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Khai thác lợi thế tự nhiên để phát triển nuôi cá nước lạnh gắn với du lịch sinh thái. Bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản theo hướng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học.

Sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được chế biến để hướng tới xuất khẩu
Sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được chế biến để hướng tới xuất khẩu

Tăng cường quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phục hồi rừng tự nhiên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái. Phát động phong trào trồng rừng theo quy hoạch và kế hoạch hằng năm. Đẩy mạnh xã hội hoá, phát triển thị trường các-bon, tăng nhanh diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Nâng cao chất lượng rừng trồng, chú trọng phát triển trồng rừng gỗ lớn. Phát triển công nghiệp chế biến gỗ và sản phẩm gỗ cao cấp tại địa phương, hướng tới hoàn thành mục tiêu đưa ngành chế biến gỗ của tỉnh tham gia vào trục sản phẩm quốc gia.

Với nền tảng là thành tựu to lớn của Nghị quyết 26-NQ/TW và Chương trình hành động phát triển nông nghiệp cụ thể, thiết thực của Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn, nông nghiệp của tỉnh sẽ là lĩnh vực trọng tâm, thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh phát triển hiện đại, bền vững./. (Còn nữa).

Phan Quý

Xem thêm