Bắc Kạn: Không để đứt gãy hoạt động cung ứng xăng dầu

Với mục tiêu không để đứt gãy cung ứng xăng dầu cho thị trường toàn tỉnh và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cùng với các giải pháp cụ thể, Sở Công thương Bắc Kạn đề nghị Bộ Công thương có cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ, giá cơ sở đối với mặt hàng xăng dầu để điều chỉnh mức chiết khấu phù hợp, đảm bảo chi phí hoạt động cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Hiện toàn tỉnh Bắc Kạn có 83 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, 11 thương nhân cung cấp xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ trên địa bàn, trong đó 02 thương nhân cung cấp xăng dầu có trụ sở trên địa bàn tỉnh cung cấp cho 60 cửa hàng, chiếm 72,3% số cửa hàng bán lẻ xăng dầu của tỉnh.

Thời gian gần đây, hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có nhiều biến động, có hiện tượng thiếu hàng cục bộ xảy ra tại một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu, chủ yếu là thiếu xăng E5 Ron 92-II và xăng Ron 95-III. Nhiều doanh nghiệp khó nhập hàng do khan hiếm nguồn cung; chi phí đảm bảo hoạt động kinh doanh khó khăn do chiết khấu bằng 0 hoặc âm (trước tình hình biến động về giá xăng dầu thời gian gần đây, nhất là sau các kỳ điều chỉnh giá xăng dầu khi giá thế giới có xu hướng tăng cao) và có hiện tượng khan hàng.

Một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở Bắc Kạn gặp khó khăn, một số cửa hàng bán lẻ nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa thiếu hàng cục bộ để phục vụ người dân.
Một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở Bắc Kạn gặp khó khăn, một số cửa hàng bán lẻ nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa thiếu hàng cục bộ để phục vụ người dân.

Do không mua được hàng từ các thương nhân đầu mối dẫn đến một số thương nhân cung cấp xăng dầu trên địa bàn tỉnh không có hàng để cung cấp cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Theo đó, một số cửa hàng bán lẻ đã thông báo dừng hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Thực tế tại Ba Bể, theo chị Nguyễn Thị Vân, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Ba Bể, hiện đơn vị có 5 cửa hàng trực thuộc, nhưng 5 ngày nay phải tạm dừng hoạt động do không có nguồn hàng để cung ứng cho người dân.

Theo Sở Công thương, từ sau kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 22/8 đến nay, Sở đã nhận được một số văn bản báo cáo về khó khăn trong hoạt động kinh doanh xăng dầu và thông báo tạm dừng kinh doanh xăng dầu của một số doanh nghiệp.

Điển hình như Doanh nghiệp tư nhân Huấn Hòa, thương nhân đầu mối là Chi nhánh Công ty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí Hà Nội tại Hòa Bình. Do không nhập được xăng dầu do thương nhân đầu mối cung cấp, dẫn đến không có nguồn hàng để cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp. Theo đó, 9 cửa hàng là đại lý, cửa hàng trực thuộc của DNTN Huấn Hòa đã hết xăng dầu để bán ra thị trường.

Ngoài ra, 03 doanh nghiệp với 03 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh cũng đã báo hết xăng dầu, ngừng bán hàng do khó khăn không nhập được hàng từ thương nhân cung cấp xăng dầu; 02 doanh nghiệp với 02 cửa hàng bán lẻ xăng dầu dừng hoạt động kinh doanh xăng dầu do không đảm bảo thu nhập cho kinh doanh, do hết thời hạn hợp đồng thuê cửa hàng và doanh nghiệp không tiếp tục ký hợp đồng thuê cửa hàng xăng dầu…

Nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh xăng dầu đúng quy định, vừa qua Sở Công thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu của các thương nhân cung cấp, kinh doanh xăng dầu có cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, đối với Chi nhánh Xăng dầu Bắc Kạn, hiện hoạt động theo ủy quyền của Công ty TNHH Xăng dầu Bắc Thái, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam. Chi nhánh thực hiện cung ứng xăng dầu và các sản phẩm hóa dầu nguồn gốc từ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam trên địa bàn tỉnh. Hệ thống phân phối của Chi nhánh gồm 25 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc và có hợp đồng nhượng quyền bán lẻ xăng dầu đối với 19 doanh nghiệp, với 24 cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Nguồn xăng dầu phục vụ hệ thống phân phối của Chi nhánh được đảm bảo trên cơ sở xây dựng kế hoạch bán hàng, tổng hợp từ nhu cầu của khách hàng đăng ký thành kế hoạch nhận hàng, gửi Công ty mẹ phê duyệt và tạo nguồn hằng tháng.

Hiện nay, Chi nhánh vẫn đang cung ứng nguồn hàng cho các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của Chi nhánh trên địa bàn tỉnh. Thời điểm vừa qua, một số thương nhân nhượng quyền bán lẻ xăng dầu có lượng bán vượt dự kiến kế hoạch cung ứng của tháng, nên Chi nhánh không cấp thêm cho các thương nhân đó, dẫn đến tình trạng hết xăng dầu cục bộ tại một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Đối với Công ty TNHH Hoàng Tiến, Công ty nhập hàng của thương nhân phân phối xăng dầu là Công ty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí Thái Nguyên. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thương nhân phân phối không cung cấp được hàng cho Tổng đại lý, dẫn đến không có nguồn hàng cung ứng cho các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống tiêu thụ trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra tại một số địa phương, hoạt động kinh doanh xăng dầu vẫn còn hiện tượng hết xăng dầu, không đủ cung ứng thường xuyên phục vụ nhu cầu người tiêu dùng, đặc biệt là tại địa bàn vùng sâu, vùng xa. Lý do hết xăng dầu được các cửa hàng cho biết do doanh nghiệp phân phối không cung cấp kịp thời; một số cửa hàng gặp khó khăn vì càng bán càng lỗ do giá chiết khấu không đủ chi phí.

Ông Hoàng Hà Bắc, Giám đốc Sở Công thương:

Hiện tượng một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh hết xăng dầu bán ra thị trường sau các kỳ điều hành giá xăng dầu chỉ là hiện tượng “nhất thời”. Dự báo, sau các kỳ điều hành giá xăng dầu, với mức điều chỉnh giá sát với diễn biến của giá xăng dầu trên thị trường quốc tế, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu sẽ chủ động đảm bảo được nguồn hàng cung cấp cho hệ thống phân phối của mình. Do đó, nguồn cung xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh sẽ đảm bảo trở lại, cùng với mức chiết khấu xăng dầu được điều chỉnh tăng lên trong hệ thống kinh doanh của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, sẽ là giải pháp đảm bảo cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu nhập được hàng hóa và bán ra thị trường, phục vụ nhu cầu của người dân.

Giám đốc Sở Công thương cho biết thêm: Bộ Công thương khẳng định nguồn cung xăng dầu cả nước hiện vẫn ổn định và không để thiếu cung ứng xăng dầu thị trường trong nước. Tuy vậy, diễn biến xăng dầu phức tạp, không tránh khỏi việc các nhà phân phối, bán lẻ còn e dè; hoặc theo các chu kỳ điều chỉnh giá tình trạng “găm hàng” chờ tăng giá có thể xảy ra.

Để đảm bảo hoạt động kinh doanh xăng dầu theo đúng quy định, Sở Công thương tiếp tục phối hợp Cục Quản lý thị trường tỉnh, các huyện, thành phố trong công tác quản lý nhằm đảm bảo hoạt động cung ứng trên địa bàn. Đồng thời tham mưu cho tỉnh chỉ đạo hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện văn bản chỉ đạo của Bộ Công thương, Tổng cục Quản lý thị trường về tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; kiểm soát, quản lý chất lượng, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu…

Bên cạnh đó, yêu cầu các thương nhân phân phối, cung cấp và kinh doanh xăng dầu trên địa bàn đảm bảo hoạt động kinh doanh xăng dầu ổn định; chủ động nguồn hàng, có phương án nhập hàng để cung cấp đầy đủ hàng cho các cửa hàng thuộc hệ thống phân phối xăng dầu của các thương nhân; không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh; giám sát chặt chẽ và duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của thương nhân và cung cấp đủ hàng cho các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của thương nhân, chia sẻ lợi nhuận trong hệ thống phân phối để đảm bảo không gián đoạn việc cung ứng xăng dầu cho thị trường.

Với mục tiêu không để đứt gãy cung ứng xăng dầu cho thị trường toàn tỉnh và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cùng với các giải pháp cụ thể, Sở Công thương đề nghị Bộ Công thương có cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, giá cơ sở đối với mặt hàng xăng dầu để điều chỉnh mức chiết khấu phù hợp, đảm bảo chi phí hoạt động cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Chỉ đạo các thương nhân đầu mối đảm bảo nguồn cung xăng dầu, không làm đứt gãy nguồn cung gây hiện tượng thiếu hàng phục vụ nhu cầu kinh doanh của các cửa hàng. Để đảm bảo hiệu quả công tác quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, Sở cũng đã đề nghị có hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp cửa hàng bán lẻ xăng dầu bán hàng không đủ số lượng mặt hàng theo quy định tại cùng một thời điểm, trách nhiệm của thương nhân phân phối xăng dầu trong việc đảm bảo số lượng xăng dầu trong hoạt động phân phối đến các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối./.

Anh Thúy

Xem thêm