Bắc Kạn: Hợp tác xã thích ứng với môi trường 4.0

Hiện nay nhiều hợp tác xã nông nghiệp (HTX) trên địa bàn tỉnh đã linh hoạt, sáng tạo, nhạy bén trong việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

HTX cá tầm, cá hồi Pù Lầu thu hút đông khách hàng đến tham quan, trải nghiệm và mua cá.
HTX cá tầm, cá hồi Pù Lầu thu hút đông khách hàng đến tham quan, trải nghiệm và mua cá.

Là một trong những HTX tiêu biểu trên địa bàn tỉnh, những năm gần đây, HTX Nhung Lũy, xã Yến Dương (Ba Bể) đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá tiêu thụ các mặt hàng nông sản, đặc sản OCOP của địa phương. Hiện nay HTX có 04 sản phẩm được đánh giá xếp hạng OCOP 3 sao và 02 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Các sản phẩm của HTX chủ yếu là đặc sản truyền thống của địa phương như: Lạp sườn gác bếp, thịt lợn treo gác bếp, gạo nếp, bí thơm Ba Bể, trà bí thơm Ba Bể, trà giảo cổ lam... được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Chị Đinh Thị Tuyết Nhung, Giám đốc HTX Nhung Lũy cho biết: Ban đầu HTX gặp nhiều khó khăn trong việc đưa các sản phẩm tiếp cận thị trường do số lượng hạn chế, sản xuất thủ công, thiếu phương tiện vận chuyển, chưa biết cách quảng bá sản phẩm, chưa xác định được nhóm khách hàng mục tiêu và khách hàng tiềm năng nên số lượng sản phẩm bán ra còn hạn chế. Xác định tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm là việc làm cần thiết, vì vậy các thành viên HTX đã họp bàn, thống nhất, lựa chọn ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng trang cá nhân, website, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để bán buôn, bán lẻ.

Từ chỗ chỉ bán hàng theo phương thức truyền thống, đến nay HTX Nhung Lũy chủ yếu bán các mặt hàng nông sản thông qua hình thức bán hàng online và đăng ký đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử. Thông qua hình thức quảng cáo, bán hàng trực tuyến, HTX đã kết nối tiêu thụ sản phẩm với nhiều chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, ký hợp đồng tiêu thụ với các siêu thị lớn như: Big C, BRG... và đã có sản phẩm được bán trên một số sàn thương mại điện tử.

Năm 2022, HTX tiếp tục duy trì hình thức quảng cáo, bán hàng trực tuyến, trên cơ sở đó tiếp cận các điểm bán hàng mới tại các khu chung cư, khu đô thị như Ecopark, Ciputra..., hướng tới tiếp cận các đối tác khách hàng tiềm năng, dần từng bước đưa sản phẩm xuất khẩu.

Mặc dù mới thành lập nhưng hiện nay HTX cá tầm, cá hồi Pù Lầu, xã Yến Dương (Ba Bể) cũng đã nhanh chóng nắm bắt xu thế, từng bước thích ứng với môi trường 4.0 để ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm.

HTX đã chủ động xây dựng kênh bán hàng online qua trang Facebook, Zalo để tăng sự tương tác, kết nối với đông đảo khách hàng trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh việc quảng bá bán sản phẩm từ cá, HTX còn đầu tư xây dựng các khu nhà chòi gần khu vực nuôi cá để khách có thể đến tham quan, nghỉ ngơi, trực tiếp mua và thưởng thức món ngon được chế biến từ cá tầm, cá hồi gắn với phát triển du lịch sinh thái của địa phương.

Anh Đặng Hành Dũng, Giám đốc HTX cá tầm, cá hồi Pù Lầu chia sẻ: Nhờ quảng cáo, bán hàng trực tuyến trên trang Facebook, Zalo nên sản phẩm của HTX đã được đông đảo khách hàng gần xa biết đến. Bên cạnh việc khách hàng đặt mua cá thông qua trang cá nhân, nhiều người còn liên hệ đến trực tiếp tham quan, trải nghiệm, mua cá và thưởng thức món ăn từ cá tại khu vực nuôi cá tầm, cá hồi.

Đặc biệt vào các ngày nghỉ lễ, Tết, khu vực nuôi cá tầm, cá hồi của HTX đã thu hút đông đảo khách tham quan, trải nghiệm, mua cá. Năm 2021 HTX tiêu thụ được khoảng 7 tấn cá, doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng.

Đây chỉ là hai trong số nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ động ứng dụng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, thông qua việc sử dụng mạng xã hội, xây dựng website, tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử để tìm đầu ra cho sản phẩm của chính mình, mang lại hiệu quả kinh tế.

Thông qua ứng dụng chuyển đổi số, sử dụng mạng xã hội, xây dựng website bán hàng, tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử đã giúp cho các HTX "rộng cửa" để quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm của mình.

Tuy nhiên, để các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có thể ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất và quản lý hiệu quả thì rất cần có sự hỗ trợ của tỉnh, các cơ quan chức năng trong việc hỗ trợ hạ tầng thiết bị phục vụ chuyển đổi số và ứng dụng CNTT, phát triển các mô hình HTX thông minh nhằm giúp các HTX từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, vươn lên phát triển bền vững./.

H.T

Xem thêm