Thuế và cuộc sống:

Tập trung quản lý nợ, thu hồi nợ thuế

Ngay từ đầu năm 2022, cùng với việc đề ra các giải pháp quản lý tốt nguồn thu, Cục Thuế tỉnh Bắc Kạn đã tập trung triển khai nhiều biện pháp quản lý nợ, thu hồi nợ thuế.

Công chức Phòng Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế (Cục Thuế tỉnh) rà soát đơn vị, doanh nghiệp còn nợ thuế.
Công chức Phòng Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế (Cục Thuế tỉnh) rà soát đơn vị, doanh nghiệp còn nợ thuế.

Theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh, tổng số tiền thuế nợ trên địa bàn tính đến hết tháng 6/2022 ở mức hơn 152 tỷ đồng. Theo phân tích của ngành Thuế, nợ có khả năng thu là hơn 84 tỷ đồng, nợ khó thu là hơn 67 tỷ đồng. Trong số này, một số đơn vị nợ có khả năng thu nhưng khó thu liên quan tới tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, nợ tiền thuê đất... với số nợ lớn, lên tới hàng chục tỷ đồng.

Thời gian qua, Cục Thuế tỉnh đã gửi văn bản đến các cơ quan, đơn vị liên quan đề nghị phối hợp thu nợ thuế đối với đơn vị hoạt động XDCB còn nợ thuế. Ban hành văn bản chỉ đạo các chi cục thuế về thực hiện nhiệm vụ quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế năm 2022; giao chỉ tiêu thu nợ cho các phòng, các chi cục thuế… Kết quả thu nợ thuế toàn ngành tính đến thời điểm 30/6/2022 đạt hơn 65 tỷ đồng, trong đó thu nợ năm trước hơn 6,5 tỷ đồng, thu nợ phát sinh là hơn 58,5 tỷ đồng.

Để đảm bảo thực hiện tốt kế hoạch đề ra ngay từ đầu năm, ngành Thuế đã thường xuyên thực hiện đôn đốc thu nợ thuế qua điện thoại và gửi thư điện tử đến đơn vị đối với nợ thuế mới phát sinh. Đã ban hành văn bản yêu cầu cung cấp thông tin phục vụ công tác cưỡng chế nợ thuế và thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với 41 đơn vị, số tiền bị cưỡng chế là hơn 48,9 tỷ đồng. Trong đó, cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản 21 đơn vị, số tiền là hơn 24,4 tỷ đồng; biện pháp thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng đối với 20 đơn vị, số tiền cưỡng chế là hơn 24,5 tỷ đồng.

Theo Cục Thuế tỉnh, công tác quản lý nợ và thu hồi nợ thuế trong 6 tháng đầu năm 2022 gặp một số khó khăn, như: Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dẫn đến doanh thu giảm, không có nguồn tài chính để duy trì hoạt động cũng như thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước. Một số doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản do ảnh hưởng của yếu tố thị trường, giá cả do đó không nộp được kịp thời vào ngân sách nhà nước theo quy định... Ngoài ra, một số ít doanh nghiệp chưa tự giác chấp hành pháp luật thuế, chây ỳ nợ thuế và chiếm dụng tiền thuế để đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc trả nợ tiền vay.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng toàn ngành đang tập trung phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất so với chỉ tiêu: Tổng số tiền thuế nợ đến thời điểm ngày 31/12/2022 không vượt quá 8% so với tổng số thực thu vào ngân sách nhà nước năm 2022 (trong đó, tổng số nợ về thuế, phí không vượt quá 5% tổng số thực thu vào ngân sách nhà nước). Để làm tốt công tác quản lý nợ, thu hồi nợ thuế, Cục Thuế tỉnh đã và sẽ tăng cường rà soát số liệu nợ thuế, tập trung thực hiện các nội dung, công việc xử lý nợ thuế theo Nghị quyết 94/2019/QH14 của Quốc hội, Luật Quản lý thuế. Theo dõi chặt chẽ các khoản nợ, khoản thuế gia hạn; thường xuyên theo dõi kết quả thực hiện các biện pháp thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, phối hợp đồng bộ nhiều biện pháp để đôn đốc ngay từ khi nợ thuế mới phát sinh và thực hiện liên tục đến khi giảm nợ.

Đối với khoản nợ trên 90 ngày tiếp tục thực hiện các biện pháp cưỡng chế phù hợp để động viên người nộp thuế nộp tiền thuế nợ vào ngân sách. Bên cạnh đó, tăng cường áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với người nộp thuế nợ lớn, chây ỳ. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh không hiệu quả đã cưỡng chế bằng nhiều biện pháp nhưng vẫn không thu hồi được nợ thì báo cáo UBND tỉnh kiến nghị có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật.../.

H.V

Xem thêm