Tập trung khai thác gỗ rừng trồng

Toàn tỉnh hiện có hơn 100.000ha rừng gỗ nguyên liệu. Trong đó, khoảng 40.000ha rừng đã đến chu kỳ khai thác, do vậy việc khai thác gỗ để cung cấp cho các cơ sản xuất, chế biến xuất khẩu, đồng thời để tiếp tục trồng lại rừng là nhiệm vụ quan trọng đang được chú trọng thực hiện.

Năm 2022, toàn tỉnh đề ra chỉ tiêu khai thác lâm sản là 304.000m3 (cao hơn năm 2021) gỗ nguyên liệu. Đến hết ngày 15/7/2022, sản lượng khai thác được 197.680m3 (1.959ha) đạt 65% kế hoạch, cơ bản đáp ứng tiến độ. Riêng huyện Chợ Mới đã khai thác được 57.632m3/55.000m3, vượt chỉ tiêu đề ra.

Bốc xếp gỗ ván bóc tại xã Cẩm Giảng, huyện Bạch Thông.
Bốc xếp gỗ ván bóc tại xã Cẩm Giảng, huyện Bạch Thông.

Giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 4/2022, việc khai thác rừng đạt thấp. Nguyên nhân khiến tiến độ khai thác rừng chậm là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều bạn hàng của các doanh nghiệp thu mua, chế biến gỗ lớn không xuất khẩu được các sản phẩm chế biến từ gỗ nên việc thu mua hạn chế. Giai đoạn này, hầu hết các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh ta gặp khó khăn do sản phẩm làm ra không thể tiêu thụ hoặc tiêu thụ giá rẻ. Ngoài ra, các nhà máy chế biến gỗ lớn của tỉnh lại không mua hàng ván bóc của các cơ sở nhỏ vì đòi hỏi quy cách, chất lượng cao.

Từ tháng 5/2022 trở lại đây, cộng đồng quốc tế cũng như Việt Nam đã nỗ lực đẩy lùi đại dịch Covid – 19, đẩy mạnh khôi phục sản xuất, kinh doanh. Các thị trường lớn đã mở cửa trở lại, việc xuất khẩu khởi sắc, tạo điều kiện cho sản phẩm lâm sản đẩy mạnh xuất khẩu. Giá gỗ ván bóc đã hồi phục và tăng cao dao động từ 2.200 nghìn đồng lên tới 2.900 nghìn đồng/m3 tùy loại, tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường khai thác, chế biến gỗ rừng trồng phát triển. Cùng với đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, các cơ sở sản xuất đẩy mạnh khai thác, chế biến gỗ rừng trồng nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đồng thời đóng góp vào nguồn thu ngân sách tỉnh.

Thời điểm hiện nay, việc khai thác, chế biến gỗ rừng trồng đã được đẩy mạnh. Tuy nhiên, gỗ nhiên liệu của tỉnh Bắc Kạn chủ yếu phục vụ nhu cầu các cơ sở chế biến nhỏ, lẻ, máy móc cũ, sản phẩm ván bóc dạng sơ chế chỉ bán cho các cơ sở chế biến ván cốt pha trong nước; một phần xuất bán cho tư thương vận chuyển sang Trung Quốc, do vậy việc thu thuế rất hạn chế.

Đối với các doanh nghiệp chế biến ván ép xuất khẩu ở Khu Công nghiệp Thanh Bình chỉ thu mua ván ép được bóc từ gỗ có đường kính lớn, kỹ thuật sắc sảo. Do vậy, sản lượng gỗ tròn, ván bóc dạng thô vào Khu Công nghiệp Thanh Bình rất hạn chế. Cùng với đó, việc xuất khẩu ván ép ở các doanh nghiệp chế biến gỗ trong Khu Công nghiệp Thanh Bình này đang gặp trở ngại. Bà Nông Thị Kiểm- Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam chuyên sản xuất, chế biến ván ép xuất khẩu cho biết: Hiện nay, việc xuất khẩu ván ép vào thị trường Hoa Kỳ đang bị gián đoạn vì phía Hoa Kỳ tiến hành điều tra nguồn gốc xuất xứ sản phẩm ván ép, do vậy việc sản xuất, chế biến cũng chậm lại.

Bắc Kạn là tỉnh có diện tích rừng trồng rộng lớn, từ ngày tái lập tỉnh đến nay, mỗi năm đều trồng rừng với diện tích rất lớn, có năm đạt 10 đến 12 nghìn ha, đây là cơ sở để tỉnh ta đề ra mỗi năm khai thác từ 3.000 đến 4.000ha gỗ rừng trồng. Trong những năm qua, việc khai thác gỗ rừng trồng mang lại nguồn thu đáng kể cho người trồng rừng, tuy nhiên, tình trạng khai thác bán thẳng gỗ tròn về các tỉnh miền xuôi hoặc chế biến thô như bóc, băm gỗ dẫn tới giá trị thu được đạt rất thấp. Thiết nghĩ, ngoài việc chủ trương đẩy mạnh liên kết chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ gỗ rừng trồng; hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ đổi mới máy móc, công nghệ để chế biến ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, thì tỉnh ta cũng cần có quy định hạn chế tình trạng xuất thô gỗ nguyên liệu ra ngoài tỉnh, nhằm tạo ra chuỗi giá trị cao đóng góp vào ngân sách của tỉnh./.

Phan Quý

Xem thêm