Ngân Sơn tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng

Để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, huyện Ngân Sơn chỉ đạo cơ quan chức năng và chính quyền các xã, thị trấn chủ động phối hợp, thường xuyên thăm nắm kiểm tra thực tế những khu vực rừng tự nhiên có nguy cơ bị chặt phát. Mặt khác, tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia quản lý bảo vệ rừng.

Người dân xã Hiệp Lực chủ động trồng và chăm sóc rừng trồng
Người dân thôn Nà Vài, xã Hiệp Lực chăm sóc rừng trồng.

Ông Hoàng Văn Trường- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ngân Sơn cho biết: Hiện nay, tổng diện tích thực hiện bảo vệ rừng tự nhiên và chăm sóc rừng trồng của huyện có trên 4.850ha. Để hạn chế việc chặt phát, phá rừng tự nhiên, đơn vị đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, cử cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn thường xuyên đi cơ sở, địa bàn được phân công, chủ động tham mưu cho chính quyền các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra các vùng trọng điểm hay phát phá rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản trái pháp luật, có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao trong những ngày nắng nóng, khô, hanh kéo dài để kịp thời có biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở và ngăn chặn.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng của huyện đã lập biên bản 34 vụ vi phạm lâm luật, giảm 08 vụ so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, phá rừng trái pháp luật 27 vụ; tàng trữ lâm sản trái pháp luật 02 vụ; vi phạm thủ tục hành chính 03 vụ; khai thác lâm sản trái pháp luật 02 vụ. Đã xử lý hành chính 31 vụ, chuyển cơ quan Công an khởi tố hình sự 03 vụ; tang vật, phương tiện tịch thu hơn 91m3 gỗ các loại; 13 dao và búa, 01 cưa tay, 02 cưa xăng. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 81 triệu đồng.

Để thực hiện tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng, Hạt Kiểm lâm huyện còn sử dụng công nghệ kiểm tra điểm ảnh từ vệ tinh và đã kiểm tra 75 điểm nghi ngại có thể phát phá rừng. Qua kiểm tra đã phát hiện 05 trường hợp vi phạm và lập hồ sơ xử lý theo quy định.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đức Vân Lô Văn Đoán cho biết: Từ đầu năm đến nay, xã đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các bộ phận chuyên môn phối hợp thực hiện tuyên truyền, giáo dục đến tất cả các thôn, bản. Do vậy, trong thời gian qua, trên địa bàn xã không có vụ việc chặt phá rừng nào xảy ra.

Còn ông Long Minh Giám- Chủ tịch UBND xã Hiệp Lực chia sẻ: Công tác quản lý, bảo vệ rừng luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm thực hiện, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền. Tuy nhiên, do nhận thức của một bộ phận người dân chưa cao nên địa phương vẫn còn một số vụ việc vi phạm. Nhìn chung, số vụ việc cũng như mức độ vi phạm đã giảm nhiều so với thời gian trước.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trọng Lăng- Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn cho biết: Từ đầu năm đến nay, công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Ngân Sơn đã có những chuyển biến tích cực, mặc dù có chiều hướng giảm so với trước nhưng số vụ vi phạm vẫn còn cao (trên 30 vụ). Do đời sống của người dân ở các thôn, bản vùng cao chủ yếu dựa vào rừng, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế nên hiện tượng chặt phát rừng tự nhiên để trồng cây nông nghiệp, trồng rừng và làm chất đốt… còn xảy ra ở một số địa phương. Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng huyện phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu và thực hiện, đồng thời có giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ bà con sinh sống ở vùng cao có thu nhập, nâng cao đời sống.

Được biết, Hạt Kiểm lâm Ngân Sơn đang tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc triển khai các nội dung theo Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và thực hiện Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 27/4/2022 của HĐND tỉnh về hỗ trợ trồng cây đa mục đích. Nội dung tuyên truyền chủ yếu trong giai đoạn 1 của Tiểu dự án với mục tiêu để người dân hiểu trong thời gian tới sẽ tạo việc làm, tăng thu nhập từ nghề rừng; hỗ trợ phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, đặc biệt là phát triển kinh tế dưới tán rừng gắn với bảo vệ rừng bền vững tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu./.

Đình Văn

Xem thêm