Kiểm tra công tác giảm nghèo tại huyện Ngân Sơn

Sáng 23/8, tại UBND xã Hiệp Lực, Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG của tỉnh do đồng chí Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra việc thực hiện công tác giảm nghèo năm 2022 của huyện Ngân Sơn. Cùng đi có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan của tỉnh và huyện Ngân Sơn.

đồng chí Phạm Duy Hưng- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận buổi kiểm tra công tác giảm nghèo tại huyện Ngân Sơn
Đồng chí Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận buổi kiểm tra công tác giảm nghèo tại huyện Ngân Sơn.

Theo báo cáo của UBND huyện Ngân Sơn, huyện đã thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia cấp huyện, cấp xã bảo đảm việc theo dõi, đôn đốc thực hiện các nội dung của chương trình từ cấp huyện đến cơ sở theo quy chế, kế hoạch.

Để Chương trình được triển khai đồng bộ, hiệu quả, UBND huyện giao Văn phòng HĐND và UBND huyện (Cơ quan thường trực chủ trì của Chương trình) phối hợp với các xã tổ chức rà soát nội dung, đối tượng thụ hưởng, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022. Căn cứ Văn bản số 3228/UBND-TH ngày 25/5/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc chuẩn bị xây dựng kế hoạch vốn và triển khai thực hiện chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 và năm 2022, UBND huyện được thông báo dự kiến nguồn vốn thực hiện  Chương trình bao gồm 10 dự án thành phần với tổng kinh phí dự kiến cho cả giai đoạn 2021 - 2025 là hơn 246 tỷ đồng.

Theo rà soát, năm 2022, huyện Ngân Sơn có 3.809 hộ nghèo, chiếm 51,21%, tăng 06 hộ so với kết quả năm 2021. Tổng số hộ cận nghèo là 912 hộ, chiếm 12, 26%, giảm 02 hộ so với kết quả năm 2021. Mục tiêu năm 2022 có 4,02% số hộ thoát nghèo. Trong số các hộ nghèo và cận nghèo, tỷ lệ thiếu hụt việc làm, dịch vụ tiếp cận thông tin, nhà tiêu hợp vệ sinh… chiếm số lượng nhiều.

Đối với xã Hiệp Lực, sau khi được phân bổ các nguồn vốn, xã đã tổ chức triển khai thực hiện các phần việc của kế hoạch giảm nghèo triển khai vốn phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, tổng kinh phí thực hiện gần 20 tỷ đồng cho cả giai đoạn 2021 - 2025. Xã kiến nghị với đoàn công tác một số nội dung như: Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2021 – 2025 nên hướng tới các dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở, nước sạch, giáo dục, tiếp cận thông tin, đầu tư hạ tầng cho địa phương nghèo; tăng cường các hợp phần sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.

Các đại biểu thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện công tác giảm nghèo, gồm: Giải pháp thực hiện các tiêu chí giảm nghèo; việc tuyên truyền, hỗ trợ người lao động trong độ tuổi xuất khẩu lao động; việc triển khai thực hiện các công trình hạ tầng cơ sở trong năm 2022.

Tại buổi làm việc, huyện Ngân Sơn nêu một số khó khăn với đoàn công tác như: Hằng năm để triển khai có hiệu quả các phần việc trong công tác giảm nghèo, cần sớm phân bổ một số nguồn vốn và hướng dẫn thực thực hiện phần hỗ trợ phát triển sản xuất để địa phương triển khai kịp thời; một số hộ nằm trong đối tượng hỗ trợ nhà ở không có khả năng đối ứng để thực hiện; tỉnh cần sớm có văn bản thẩm định giá đối với một số loại cây giống mà địa phương đã và đang triển khai theo danh mục (cây lê ta, cây đào, cây dẻ).

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao việc thực hiện các phần việc trong công tác giảm nghèo năm 2022 của huyện Ngân Sơn. Đồng chí đề nghị trong thời gian tới, xã Hiệp Lực cần tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo, sát sao hơn trong công tác giảm nghèo gắn với từng nhiệm vụ ở địa phương; tích cực tuyên truyền, vận động người dân tích cực lao động, sản xuất, tham gia các mô hình tế có hiệu quả, mạnh dạn xuất khẩu lao động. Đối với huyện Ngân Sơn, cần sớm rà soát và điều chỉnh mục tiêu giảm nghèo từ 4 – 5%; cần lựa chọn các mô hình giảm nghèo có tính khả thi, phù hợp với địa phương, người dân thực hiện cần bảo đảm tư liệu đối ứng để có thể duy trì lâu dài, bền vững. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng hỗ trợ nhà ở, trường hợp thiếu vốn đối ứng có thể tiếp tục được vay từ Ngân hàng CSXH huyện với lãi xuất ưu đãi. Cần giao một phòng chuyên môn giúp UBND huyện tham mưu, kiểm tra, hướng dẫn cấp xã, thị trấn thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, tổng hợp, báo cáo tiến độ thực hiện nhằm bảo đảm tiến độ các dự án./.

Văn Lạ

Xem thêm